Thursday, January 23, 2025
Trang chủUncategorizedVương quốc Anh sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác...

Vương quốc Anh sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông

Lên cầm quyền tháng 10/2022, Thủ tướng Rishi Sunak tiếp tục chính sách hướng sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, sẵn sàng phối hợp với các đồng minh và đối tác thúc đẩy trật tự dựa trên pháp luật ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Trong chuyến thăm Singapore từ 5-7/12, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey khẳng định Anh sẵn sàng đối phó với “thách thức mang tính hệ thống” từ Trung Quốc khi London theo đuổi các lợi ích thương mại tại khu vực Đông Nam Á.

Về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Heappey cho rằng không phải bất kỳ quốc gia nào giáp với tuyến đường thủy quốc tế đều có quyền cho rằng các quốc gia khác không được chào đón ở tuyến đường thủy quốc tế đó. Mọi quốc gia đều có quyền đi lại tự do qua các vùng biển tranh chấp và “tự tin tuân thủ luật pháp quốc tế”. Về vấn đề Đài Loan, ông Heappey khẳng định: “Anh không ủng hộ bất kỳ hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi nguyên trạng”.

Đối với Đông Nam Á, ông Heappey nhấn mạnh rằng Anh mong muốn đóng một vai trò trong an ninh của khu vực này nhằm đảm bảo lợi ích thương mại của mình. Đây là một khu vực vô cùng sôi động với một số nền kinh tế thực sự năng động, tăng trưởng nhanh, sự phát triển thực sự trong lĩnh vực công nghệ, và tất nhiên, Anh, giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, đang tìm cách can dự vào khu vực này từ góc độ thương mại. Tháng 8/2022, trong cuộc họp cấp bộ trưởng tại Campuchia, Anh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được một thỏa thuận nhằm tăng cường an ninh hàng hải cũng như an ninh mạng. Bộ trưởng Heappey nhấn mạnh: “Nếu bạn muốn hoạt động giao dịch ở một khu vực, thì khu vực đó cũng nên mong đợi bạn đóng một vai trò đảm bảo an ninh của khu vực đó, và đó là lý do tại sao tôi ở đây trong tuần này để gặp gỡ các bộ trưởng ASEAN để xem Anh có thể và nên làm gì hơn nữa với các đối tác trong khu vực”.

Ngày 15/3/2024, Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đã công bố “Đánh giá tình hình 2023: Ứng phó với một thế giới đầy cạnh tranh và biến động” (hay còn gọi là “Đánh giá cập nhập 2023”). Theo đó, Anh coi Trung Quốc là tách thức mhang tính thời đại” đối với trật tự quốc tế. Để đối phó với các mối đe dọa được cho là ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Nga, chính phủ Anh đã quyết định tăng chi tiêu 5 tỷ Bảng Anh cho Bộ Quốc phòng trong 2 năm tới. Giới phân tích nhận định việc London tăng mạnh chi phí quốc phòng không chỉ nhằm ứng phó với những thách thức từ cuộc khủng hoảng Ukraine mà về lâu dài là nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tăng sức mạnh quân sự và ngày càng trở nên hung hăng hơn.

Tháng 11/2022, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố chấm dứt những gì được coi là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron. Giới quan sát nhận định so với các nước châu Âu khác, Anh đang có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh bởi nước này cho rằng có mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc đối với lợi ích và các giá trị của mình. Mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên khi London hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vì lo ngại về an ninh quốc gia và sự quyết đoán về kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Mới đây nhất, hôm 24/4, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng sẽ thúc giục Trung Quốc cởi mở hơn về những lý do đằng sau việc Bắc Kinh xây dựng quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử thời bình. Ông Cleverly cho biết Anh sẵn sàng tìm cách tăng cường hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và kêu gọi Trung Quốc nói rõ ý định của mình khi nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi Trung Quốc cởi mở về học thuyết và ý định đằng sau việc mở rộng quân sự, bởi vì sự minh bạch chắc chắn là sự quan tâm của mọi người và việc giữ bí mật chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm có kết cục thảm khốc”. Ông Cleverly khẳng định Anh sẽ bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của mình và sẽ chỉ trích Trung Quốc nếu nước này vi phạm các nghĩa vụ quốc tế.

Liên quan tới những diễn biến phức tạp, căng thẳng do sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, hôm 27/3 Đại sứ Vương quốc Anh tại Philippines Laure Beaufils cho biết liên minh an ninh ba bên Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) sẽ hỗ trợ Philippines cùng các nước láng giềng ngăn chặn các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế, vốn được xây dựng dựa trên luật lệ, và tự do hàng hải ở Biển Đông).

Anh đã triển khai ít nhất 2 tàu đến thăm Philippines và sẽ đảm bảo “sự hiện diện hải quân thường trực” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một dấu hiệu cụ thể về cam kết bền vững của Anh đối với hòa bình và ổn định khu vực. Trong cuộc trao đổi với phóng viên của “GMA News Online”, Đại sứ Laure Beaufils tiết lộ một nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu cũng có thể sẽ lần đầu tiên tới Philippines khi Anh hiện thực hóa kế hoạch triển khai trở lại các tàu chiến tại châu Á trong khoảng 2 năm tới.

Với chiến lược “nước Anh toàn cầu” Vương quốc Anh đã và đang mở rộng sự can dự quốc tế kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1/2020. Anh và Philippines khởi động “quan hệ đối tác tăng cường” vào tháng 12/2021 để củng cố quan hệ, trong cả lĩnh vực hợp tác hàng hải, cho phép Anh hỗ trợ Philippines nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và cải thiện năng lực giải quyết nạn đánh bắt trái phép. Bộ trưởng Anh phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan có chuyến thăm Philippines vào đầu tháng 4/2023. Cũng trong tháng 4 này, Anh dự kiến tham gia cuộc tập trận quân sự Balikatan thường niên giữa Mỹ và Philippines lớn nhất từ trước tới nay với tư cách quan sát viên.

 Đại sứ Laure Beaufils nhận định sự tham gia của Anh và AUKUS trong khu vực là rất quan trọng do căng thẳng gia tăng tại các vùng biển tranh chấp có thể làm nảy sinh va chạm bất ngờ. Bà Laure Beaufils nói: “Chúng ta đang chứng kiến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và đó là mối lo ngại của tất cả các bên liên quan. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình và ổn định nên xung đột là điều mà chúng ta cần phải tránh”.

Philippines, quốc gia đã trao hơn 200 công hàm phản đối hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm ngoái, hoan nghênh việc thành lập AUKUS, xem đây như một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, 2 quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia và Indonesia lại phần nào bày tỏ lo ngại những nỗ lực của quan hệ đối tác an ninh AUKUS nhằm giúp Australia tiếp cận khả năng mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Trong khi đó Trung Quốc coi AUKUS là một ý tưởng xuất phát từ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” điển hình. Bắc Kinh cho rằng AUKUS chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang, gây tổn hại cho cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế cũng như đe dọa sự ổn định và hòa bình khu vực. Bắc Kinh cáo buộc các khối an ninh liên quan tới Mỹ tương tự được đang nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đại sứ Beaufils phản bác rằng AUKUS “chắc chắn không nhắm vào một quốc gia cụ thể. Thay vào đó, đây là một minh chứng cho thấy đối với chúng tôi, quan hệ đối tác là quan trọng và chúng tôi muốn làm việc với các đối tác có cùng giá trị, cùng cam kết cơ bản đối với hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, đối với luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế”. Bà nhấn mạnh: “Mối quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS không bao giờ nhằm thống trị mà thực tế là nhằm bổ trợ và củng cố cấu trúc an ninh hiện có trong khu vực”.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức hóa quan hệ với Vương quốc Anh ở cấp đối tác đối thoại vào tháng 8/2021. Sau 25 năm ASEAN mới thiết lập thêm quan hệ đối tác đối thoại. Đại sứ Beaufils cho biết ASEAN có thể mong đợi AUKUS trở thành “đối tác kiên định” về các vấn đề liên quan đến an ninh, nhất là để đảm bảo rằng “căng thẳng trong khu vực không leo thang và tránh xung đột”. Bà Beaufils nhấn mạnh: “Tính trung tâm của ASEAN là điều cực kỳ quan trọng, là điều mà chúng tôi tuyệt đối trân trọng và ủng hộ”.

 Về quan điểm rằng liệu bộ quy tắc ứng xử khu vực mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc để tránh leo thang xung đột ở Biển Đông có nên được xúc tiến nhanh chóng và ký kết như một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý hay không, Đại sứ Beaufils cho rằng nội dung của thỏa thuận đang được đề xuất là yếu tố quan trọng hơn việc kết thúc đàm phán nhanh hay chập. Đại sứ Beaufils nhấn mạnh: “Theo tôi, thay vì đẩy nhanh mọi thứ, họ nên tập trung vào nội dung và đảm bảo rằng nội dung đó tuân thủ, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đại sứ Anh Beaufils cho biết việc tăng cường và mở rộng can dự với Philippines cũng như các nước ven Biển Đông trong việc củng cố luật pháp khu vực có ý nghĩa và mang tính chiến lược để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đều là các quốc gia giáp biển, Anh có chung mối quan tâm với các nước ven Biển Đông và mong muốn tuân thủ mạnh mẽ luật pháp quốc tế. Bà Laure Beaufils nhấn mạnh: “Một khi bạn ngừng tôn trọng luật pháp quốc tế, sẽ không có quy tắc nào có thể hướng dẫn cách chúng ta giao tiếp với nhau với tư cách là các quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên hợp quốc. Vì vậy, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng… Chúng tôi chia sẻ rất nhiều mối quan ngại mà Philippines có về tầm quan trọng của luật biển quốc tế và đặc biệt là UNCLOS, trong việc đảm bảo chủ quyền. Lập trường của chúng tôi rất, rất rõ ràng rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng”. Những động thái kể trên của London dưới thời chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak cho thấy Vương quốc Anh đang tích cực cùng với các đồng minh và đối tác đóng góp vào việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

RELATED ARTICLES

Tin mới