Suốt mấy chục năm qua, Biển Đông luôn luôn là nơi được quan tâm nhiều nhất trên bàn cờ chính trị của khu vực Đông Nam Á. Có thời kỳ nó trở thành tâm điểm sự chú ý của quốc tế, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh nóng.
Ở Việt Nam, một quốc gia có 3260 km bờ biển, có hơn 3000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo lớn là Trường Sa và Hoàng Sa (đang bị Trung Quốc chiếm giữ) các thế lực thù địch đã tung ra nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Những luận điệu thường gặp trong nhiều năm qua là, những người nhân danh “công dân yêu nước” đã tung ra những “đề xuất”, “kiến nghị” đòi thay đổi chính sách ngoại giao của Nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển, đảo. Những khi Biển Đông xuất hiện “điểm nóng”, trên một số báo, đài phát thanh ở nước ngoài, cùng các trang mạng xã hội đã phát tán tài liệu, hình ảnh, video … dày đặc, dựng đứng nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Các con bài được đưa ra là, họ mượn những cái “lưỡi gỗ” của các nhà nghiên cứu, nhà dân chủ bất đồng chính kiến, lên án chính quyền Hà Nội nhu nhược, làm ngơ trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Họ còn nói Hà Nội quá lo sợ trước Bắc Kinh không dám kiện, không có thái độ kiên quyết trước sự lấn lướt, bắt nạt của Trung Quốc.
Có những người kiến nghị: “Nhà nước Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là liên minh quân sự với Mỹ và các cường quốc quân sự thì mới giữ được chủ quyền biển, đảo”. Họ đánh giá một cách vô căn cứ rằng, sức mạnh của Quân đội, của Hải quân nhân dân Việt Nam hiện nay quá yếu kém và lạc hậu, nếu xảy ra chiến tranh thì không khác gì trứng chọi đá (!)
Những luận điệu nêu trên đã lặp lại nhiều lần. Và để đánh lừa thiên hạ, các thế lực thù địch thường dẫn ra những vấn đề đã, đang xảy ra, khi các bên còn đang đàm phán, thương lượng. Phải khẳng định đó là những con bài cũ rích, hoàn toàn sai trái, nhằm mục đích gây mất ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước.
Trong Cương lĩnh xây dựng và bảo về Tổ quốc, Nhà nước Việt Nam luôn xác định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Chiến lược biển của Việt Nam nêu rõ: Tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Từ năm 1975, ngay sau khi đất nước thống nhất, trong khi Liên hợp quốc đang trong quá trình thảo luận, xây dựng Công ước về Luật Biển (UNCLOC) và nội dung liên quan, ngày 12/5/1977, Việt Nam đã chủ động ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Đến tháng 11/1982, Hà Nội ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
Những chủ trương lớn này chính là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định vùng biển chồng lấn với các quốc gia có liên quan trong giai đoạn sau này. Riêng đối với Vịnh Bắc Bộ, ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Về diện tích tổng thể: Việt Nam đạt 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% diện tích Vịnh.
Mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông bị xâm phạm, Hà Nội đã thể hiện quan điểm kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm của nước ngoài, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mặt khác, thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao để lên án những hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc, cũng như các quốc gia liên quan.
Một thí dụ gần nhất, phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8/2023, tại họp báo thường kỳ hôm 20/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam đối với “lệnh cấm đánh bắt cá” mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép.
Ông Việt khẳng định: “Lệnh cấm đánh bắt cá” này đã xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hà Nội yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam.
Cùng với tuyên bố của Bộ Ngoại giao, các tổ chức, hiệp hội, địa phương cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và động viên, tổ chức ngư dân kiên cường, cảnh giác bám biển, tiếp tục khai thác hải sản trong phạm vi chủ quyền của mình.
Không dừng lại ở những tuyên bố ngoại giao, với phương châm mềm dẻo về sách lược, kiên quyết trong hành động để đạt được mục tiêu, Việt Nam hết sức quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Hải quân nhân dân nói riêng, làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chủ trương bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Từ năm 2010, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định Hải quân nhân dân tiến thẳng lên hiện đại. Lực lượng Hải quân được ưu tiên đầu tư cả về vũ khí, trang thiết bị và con người. Với việc tiếp nhận, huấn luyện làm chủ và đưa vào khai thác sử dụng nhiều loại tàu, vũ khí trang thiết bị hiện đại, đến nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã có đủ năm thành phần lực lượng: tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; pháo binh – tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo.
Thử làm phép so sánh với các nước ở Đông Nam Á, lực lượng Hải quân Việt Nam có những lợi thế riêng giúp nước này bảo vệ được chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Cụ thể, trong bảng xếp hạng sức mạnh hải quân thế giới năm 2021 của Global Firepower, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 38 toàn cầu và thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á, với 65 tàu chiến hiện đại các loại.
Bảng xếp hạng nêu trên được xây dựng dựa trên số liệu tàu chiến có trong biên chế hải quân các nước, không bao gồm hợp đồng mua sắm vũ khí mới hoặc đang được phát triển. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách tổng thể, tiềm lực của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vượt xa những số liệu mà Global Firepower công bố.
Kiên trì, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động chính là góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng đường lối ngoại giao của Việt Nam. Đường lối thì mềm dẻo, hành động thì kiên quyết, mau lẹ, Quân đội Việt Nam trên thực tế trong những năm qua đã bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển, phát hiện và ngăn chặn từ sớm, từ xa mọi âm mưu hành động xâm lấn, gia tăng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
H.Đ