Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐiểm tinItaly hướng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển...

Italy hướng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông

Trong khi 6 nước trong Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G7 như Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp đều đã có một chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Biển Đông được coi là trọng tâm thì Italy được xem là nước thành viên G7 duy nhất còn thiếu một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chưa thật sự quan tâm tới Biển Đông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động nhanh chóng và Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cuối tháng 10/2022 bà Giorgia Meloni thuộc cánh hữu lên làm Thủ tướng Italy đã có nhiều động thái khẳng định một đồng minh đáng tin cậy đối với Mỹ và các nước châu Âu, bao gồm những bước đi cụ thể hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông.

Trong 2 ngày 2-3/3/2023, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã tới thăm Ấn Độ nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, đánh dấu chương mới trong quan hệ song phương, với cam kết chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng hợp tác và tăng cường hội tụ về các vấn đề khu vực. Hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược và ký kết các thỏa thuận song phương mới để củng cố mối quan hệ này, chính thức chấm dứt hơn một thập niên quan hệ căng thẳng.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Meloni đã trình bày tầm nhìn về sự can dự của Italy ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Đối thoại Raisina lần thứ tám, hội nghị địa chính trị thường niên hàng đầu của Ấn Độ. Bốn thông điệp chính trong bài phát biểu của Thủ tướng Meloni nhấn mạnh hướng đi trong chính sách mới của Italy: một là, sự cân bằng rõ rệt giữa lợi ích quốc gia và cách tiếp cận chung của châu Âu; hai là, sự hiểu biết toàn diện và dựa trên luật lệ về cách thức vận hành của trật tự quốc tế, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; ba là, ủng hộ vai trò mới và mạnh mẽ hơn của châu Âu trong các động lực khu vực; bốn là thúc đẩy mở rộng quan hệ Ấn Độ-Italy dựa trên những nét chung về bản sắc của hai nước, cũng như những thách thức và cơ hội mới của thế giới ngày nay.

Trọng tâm tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Italy nằm ở sự hiểu biết về khu vực này với tư cách là vùng lân cận của Biển Địa Trung Hải chiến lược. Mối liên hệ địa chính trị này gắn kết sâu sắc lợi ích quốc gia của Italy ở Địa Trung Hải với sự ổn định và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Theo đó, Rome coi các mối liên kết giữa thế giới Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm trong tầm nhìn của Italy về một thế giới mới liên kết với nhau dù hỗn loạn.

Trên thực tế, cả Ấn Độ và Italy đều có chung tầm nhìn và mối quan tâm mạnh mẽ trong việc duy trì sự ổn định của khu vực, nguyên tắc luật pháp quốc tế và các tuyến đường biển tự do, rộng mở và bao trùm giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Động lực để Rome hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhận thức của Italy về tầm quan trọng của khu vực đối với nền kinh tế nước này, cả về các tuyến hàng hải chiến lược lẫn trao đổi thương mại với các bên tham gia trong khu vực. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Meloni, Italy và Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ đối tác công nghiệp, trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc tập trận chung và các khóa huấn luyện giữa các lực lượng vũ trang. Giới phân tích nhận định những kết quả trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Meloni, bao gồm MOU về hợp tác quốc phòng sẽ mở đường cho Italy tham gia ngày càng sâu vào các vấn đề của khu vực.

Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng nhiều lần trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại Raisina, Thủ tướng Italy Meloni đã mô tả cách tiếp cận của nước này đối với hệ thống quốc tế theo cách bao hàm tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua việc duy trì pháp quyền, điều mà các nước ASEAN ven Biển Đông và Mỹ đang cùng các nước đồng minh, đối tác (trong đó có Italy và Ấn Độ) nỗ lực thúc đẩy.

Khi nhấn mạnh về “một sự hợp tác nhằm mang lại lợi ích hữu hình cho tất cả mọi người, không có tham vọng ‘săn mồi’, không có sự ép buộc về kinh tế hay những thứ khác”, bà Meloni đã nêu bật sự khác biệt rõ ràng với các hoạt động bẫy nợ của Trung Quốc thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi. Thủ tướng Italy đã thẳng thắn thừa nhận rằng trong quá khứ, châu Âu đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của những khu vực khác, chỉ tập trung vào vấn đề của riêng mình. Mặc dù không trực tiếp đề cập đến các mối đe dọa của Trung Quốc ở Đài Loan, hay các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ hoặc trên Biển Đông, bà Meloni chỉ ra chiến lược gần đây của Liên minh châu Âu (EU) về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một tín hiệu rõ ràng về việc châu Âu quay trở lại với khu vực này, bao gồm cả các ưu tiên an ninh của khu vực.

Giới phân tích nhận định sở dĩ Italy “chậm chân” hơn so với các đồng minh khác trong việc hướng tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông bởi lẽ chính phủ của cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, thuộc Phong trào Năm sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy đã để lại những hệ quả chưa thể khắc phục ngay trong quan hệ với Trung Quốc. Năm 2019, Italy dưới thời của cựu Thủ tướng Giuseppe Conte là quốc gia thành viên duy nhất của Nhóm G7 tham gia vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Washington và Brussels chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của chính quyền Rome lúc bấy giờ. Thủ tướng Giorgia Meloni, trong chiến dịch vận động tranh cử tháng 9/2022, cũng công khai gọi quyết định này là “một sai lầm lớn”.

Chính phủ của Thủ tướng Meloni được xem như đang muốn rút khỏi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) song không muốn “gây thù chuốc oán” với Trung Quốc.  Các quan chức Italy cho rằng lý tưởng nhất là chính phủ Meloni có thể tìm cách từ bỏ BRI mà không chọc giận Bắc Kinh, hoặc phải chịu sự trả đũa trừng phạt. Thỏa thuận tham gia BRI của Italy có một điều khoản bất thường về việc tự động gia hạn khi hết hạn vào tháng 3/2024, nếu Rome không chính thức thông báo cho Bắc Kinh về ý định rút lui trước 3 tháng. Như vậy, bà Meloni có thời gian từ nay đến tháng 12/2023 để giải quyết vấn đề này với sự giảm thiểu tác động kinh tế và ngoại giao – một trong những thử thách chính sách đối ngoại lớn nhất của bà Meloni.

Phần lớn giới tinh hoa trên chính trường Italy đều có chung sự cảnh giác giống bà Meloni đối với Bắc Kinh. Thái độ của người dân nước này đối với Trung Quốc cũng xấu đi, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Xét về tất cả những điều này, đánh giá về chuyến thăm Ấn Độ của bà Meloni dường như cho thấy một sự thay đổi căn bản và tích cực đối với khu vực trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Italy. Giới chuyên gia nhận định với việc chính phủ của Thủ tướng Meloni xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khiến cho sự đồng thuận của Nhóm G7 trên các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông trở nên dễ dàng hơn. Điều này được phản ánh rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 từ 19-21/5/2023 tại Nhật Bản. Tại Hội nghị, các nước G7 dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao trong chính sách chống lại sự chèn ép, áp bức về kinh tế và hành vi hung hăng bắt nạt các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 20/5/2023, các nước G7 nhấn mạnh: “Không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực này”; đồng thời kêu gọi một “giải pháp hòa bình” đối với quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan. Tuyên bố khẳng định “một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế sẽ là điều có lợi cho toàn thế giới”. Các nước G7 đồng thanh kêu gọi chống lại việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bắt nạt các nền kinh tế nhỏ hơn – những nước đi ngược lại với lợi ích chính trị của Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định nếu như trước đây Italy còn lưỡng lự trong các hành động chống lại Trung Quốc do nước này bị ràng buộc với Trung Quốc trong thỏa thuận tham gia vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” thì nay tình hình đã khác, tất cả các nước G7, bao gồm Italy đều có chung một quan điểm về sự cấp bách và thống nhất đối với chính sách kiềm chế ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Cùng với việc xoay trục sang Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, chính quyền của Thủ tướng Meloni tăng cường can dự vào Biển Đông. Sau nhiều năm vắng bóng, từ đầu tháng 4/2023 hải quân Italy cử tàu chiến tới hoạt động ở khu vực Viễn Đông và Biển Đông nhằm khuếch trương ngành công nghiệp quốc phòng và ngoại giao hải quân của nước này tại khu vực mà Rome coi là chiến lược. Bộ Quốc phòng Italy cho biết tàu ITS Francesco Morosini trong chuyến đi dài 5 tháng đến Viễn Đông và đi qua Biển Đông, dự kiến thăm các cảng Yokosuka của Nhật Bản và Pusan của Hàn Quốc và tham gia ngoại giao hải quân tại 15 cảng ở 14 nước Đông Nam Á.

Tham mưu trưởng hải quân Italy, Đô đốc Enrico  Credendino nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là nơi “mà Hải quân của chúng ta (Italy) đã vắng mặt trong nhiều năm, một nơi mà chúng ta biết rất ít”, nhưng Italy có “một lợi ích chiến lược, quân sự, ngoại giao và chính trị mạnh mẽ”  tại khu vực này.

Đáng chú ý, hôm 9/5, tàu tuần tra ITS Francesco Morosini của Italy cùng thủy thủ đoàn gồm 132 sĩ quan, thủy thủ do Trung tá Giovanni Monno chỉ huy đã cập cảng thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hải quân Italy và hải quân Việt Nam. Trung tá Giovanni Monno, chỉ huy tàu ITS Francesco Morosini, cho biết “Sứ mệnh châu Á-Thái Bình Dương không những củng cố cam kết an ninh của Italy tại khu vực, mà còn thể hiện năng lực công nghiệp hàng hải của nước này ở thị trường vô cùng tiềm năng”. Italya hiện đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả thông qua quan hệ đối tác chính trị và kinh tế và thông qua sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Trong số các đồng minh của Mỹ trong Nhóm G7, Italy là nước sau cùng đưa tàu chiến vào hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy một thành công mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Bide trong việc khuyến khích, vận động các đồng minh cùng tham gia vào việc ngăn chặn Trung Quốc. Đặc biệt, việc tàu ITS Francesco M++orosini của Italy không thăm các cảng Trung Quốc mà ghé thăm Việt Nam, một nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên chịu sự đe dọa, cưỡng ép, bắt nạt của Bắc Kinh cho thấy chính quyền Rome đang gia tăng can dự vào Biển Đông và đồng hành cùng các đồng minh, đối tác để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới