Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngPhân tích những hành động khẳng định chủ quyền mới của Philippines...

Phân tích những hành động khẳng định chủ quyền mới của Philippines ở Biển Đông

Trong tháng 5 này, Philippines liên tiếp có những động thái mới khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền Manila trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Đây là điều mà trong suốt 6 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Duterte chưa từng xảy  ra. Vậy đằng sau những động thái này là gì, chúng ta cùng đi sâu phân tích.

Thứ nhất, từ ngày 10-12/5/2023, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã cho lắp đặt 5 phao hàng hải mang cờ quốc gia tại 5 khu vực trong EEZ 200 dặm (322 km). Ngày 14/5, phát ngôn viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết các phao hàng hải đã được lập trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này nhằm nêu bật quyết tâm kiên định của Philippines trong việc bảo vệ biên giới và tài nguyên trên biển, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh cho thương mại toàn cầu”. Động thái này của Manila diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung hăng ở Biển Đông trong khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. theo đuổi chính sách quan hệ nồng ấm hơn với đồng minh Mỹ. 

Trước đó, từ ngày 18-24/4 khi các tàu Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đang tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông một tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 549 đã thách thức tàu của họ thông qua radio ở khu vực cách đảo Pag-asa khoảng 7 hải lý vào ngày 21/4. Các tàu Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã kiên định bám trụ và yêu cầu tàu Trung Quốc phải rời khỏi khu vực. Đến ngày 23/4, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đã thực hiện những hành động nguy hiểm gần tàu BRP Malabrigo và tàu BRP Malapascua của Philippines ở khu vực gần Bãi Cỏ Mây. Một trong số các tàu của Trung Quốc suýt va chạm với tàu Malapascua của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Thứ hai, trong một diễn biến khác, Hạ nghị sĩ Leody Tarriela của tỉnh Tây Mindoro đã thúc giục Quốc hội Philippines đưa Đạo luật Hiện đại hóa Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thành luật. Tương tự, Thượng nghị sĩ Bong Go cũng đang thúc đẩy dự luật của chính ông tại Thượng viện về hiện đại hóa cơ quan hàng hải của Philippines nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở Biển Đông. Ngày 14/5, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của Hạ nghị sĩ Tarriela về việc Quốc hội cần cho thông qua Dự luật Hạ viện 8028 (HB 8028) – “Đạo luật Hiện đại hóa Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines” – được đệ trình vào ngày 10/5, sau khi Thượng nghị sĩ Go đệ trình Dự luật Thượng viện 2112 nhằm mục đích tương tự.

Đô đốc Artemio Abu, chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chúng tôi tiếp tục mở rộng lực lượng và mỗi thành viên đều thấm nhuần tinh thần dân tộc, giờ là thời điểm hoàn hảo để thực hiện chương trình hiện đại hóa Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines”; khẳng định “Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines là biểu tượng của hy vọng và là nguồn tự hào của quốc gia. Một khi được thông qua thành luật, HB 8028 sẽ đóng vai trò là kim chỉ nam của chúng tôi trong việc duy trì một vùng biển an toàn và bảo đảm của Philippines”.

HB 8028 sẽ được chia thành 4 cấp độ phát triển. Cấp độ thứ nhất tập trung vào việc xây dựng các Căn cứ Phản ứng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và cải thiện khả năng nhận thức trong lĩnh vực hàng hải của lực lượng này. Cấp độ thứ hai sẽ bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, mua sắm các tàu và thiết bị tối tân để nâng cao khả năng ngăn chặn và thực thi pháp luật hàng hải. Cấp độ thứ ba là mua sắm các tàu tuần tra xa bờ để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển. Cấp độ thứ tư là mua thêm các thiết bị hàng không để tăng cường an ninh không phận trong EEZ của đất nước. Kế hoạch này cũng liên quan đến việc xây dựng thêm các cơ sở đào tạo Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để nâng cao kỹ năng và khả năng của các thành viên của lực lượng này, cũng như các nhà máy đóng tàu và nhà chứa máy bay để đảm bảo tài sản và thiết bị của lực lượng, thúc đẩy cả sự phát triển của tỉnh và an ninh quốc gia. Sẽ mất 12 năm để hoàn thành cả 4 cấp độ, nhưng với việc thông qua dự luật này, Tarriela tự tin rằng Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines sẽ được trang bị các công cụ cần thiết để hoạt động ở mức độ tốt nhất.

Thứ ba, ngày 18/5/2023, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Andres Centino đã đến thăm một hòn đảo xa xôi ở tỉnh Palawan gần khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một phần trong chuyến khảo sát của ông về các dự án quân sự đang được tiến hành tại khu vực hoạt động chung của Bộ Tư lệnh miền Tây (WESCOM).

Khi phát biểu trước nhóm nhỏ lính hải quân đóng trên đảo này, Tướng Andres Centino nhắc nhở nhiệm vụ của họ là phải “đảm bảo hòa bình”; nhấn mạnh hải quân có vai trò “rất quan trọng” trong việc bảo vệ vùng biển Philippines chống lại những kẻ xâm nhập. Ông Andres Centino đảm bảo cung cấp cho họ nhiều nguồn lực và nhân lực hơn khi Philippines chuyển trọng tâm từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ. Vị Tư lệnh Lục quân Philippines phát biểu sau khi cùng dự một bữa ăn giản dị với binh lính tại đây: “Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta được triển khai ở những nơi cần thiết. Tại Palawan, chúng ta cần ở đây vì đây là một địa điểm chiến lược, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng”.

Chuyến thăm của ông Centino tại đồn hải quân Narciso del Rosario, nơi có một đoạn đường nối mới và khu vực triển khai trên bãi biển, là điểm dừng chân thứ hai của ông tại nhóm đảo Balabac, nơi ông cũng đã thị sát một căn cứ không quân rộng 300 ha của Philippines. Căn cứ không quân Balabac, có vị trí mà ông Centino gọi là “rất chiến lược” trong bối cảnh có những quan ngại về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây cũng là một trong bốn địa điểm mới mà Mỹ được phép tiếp cận được hai bên thống nhất theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014 trong chuyến thăm Phililippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tháng 2 năm nay.

Một số quan chức chính quyền địa phương đã bày tỏ sự dè dặt đối với EDCA mở rộng cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, nhưng ông Billy Adriano, một cư dân của Balabac, nói rằng ông hoan nghênh điều đó vì “nó sẽ giúp ích cho an ninh của đất nước”. Manila đã bắt đầu xây dựng một đường băng dài 3 km tại căn cứ không quân Balabac, nơi sẽ tiếp nhận các cơ sở hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và người Mỹ có thể sử dụng doanh trại ở nơi đây theo EDCA. Về vị trí của căn cứ không quân Balabac, Tướng Centino nhấn mạnh: “Khu vực này được bao quanh bởi các đảo và đây là nơi các tàu nước ngoài từ vùng biển quốc tế sẽ đi vào và đi qua các đường liên lạc trên biển (SLOC) của chúng tôi”. Ông Centino cho biết để bảo vệ lãnh thổ của Philippines “chúng ta phải có khả năng phát hiện và xác định các hành vi xâm nhập” và đây là nơi giúp Manila thực hiện điều này. Trên thực tế, vào tháng 3/2022 Philippines đã phát hiện một tàu trinh sát của hải quân Trung Quốc ngoài khơi Nhóm đảo Cuyo trong Biển Sulu gần Palawan, nơi tàu này đi vào và neo đậu trái phép, sau đó phớt lờ yêu cầu rời đi. Đó là lý do vì sao Philippines cần tăng cường hiện diện ở khu vực này và cho quân đội Mỹ tiếp cận.

Tướng Centino nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng ta (Philippines) có thể giám sát để phát hiện ai ra vào, dù là lực lượng thù địch hay thân thiện”. Tướng Andres Centino cũng đã có chuyến thăm đến phân đội 4 của Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ở đảo Bugsuk và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây và có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông Centino nhấn mạnh “không có cách nào tốt hơn để thúc đẩy tinh thần của người lính hơn là được thấy chỉ huy của mình đến thăm và chăm sóc sức khỏe của người lính” và “các địa điểm EDCA sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng vũ trang của chúng tôi và không có gì sai khi chuẩn bị cho việc bảo vệ đất nước của chúng tôi”.

Giới phân tích nhận định những động thái mới kể trên của Philippines chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ cùng với việc liên tiếp vạch trần những hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm tới nay là dấu hiệu cho thấy rõ xu hướng cứng rắn hơn trong chính sách Biển Đông của chính quyền Manila hiện nay, trái ngược hẳn với chính sách nhu nhược, luôn tìm cách “chiều lòng Bắc Kinh” của chính quyền cựu Tổng thống Duterte. Đáng chú ý những động thái naỳ diễn ra sau một loạt thỏa thuận nâng cấp quan hệ quốc phòng với Mỹ, nhất là trong thời gian chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos hồi đầu tháng 5/2023. Rõ ràng Manila có những toan tính riêng đằng sau những động thài mới này, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, sau khi có những bước đi mạnh mẽ trong việc tăng cường, củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, nhất là sau khi Lầu Năm Góc công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines hay nói cách khác Mỹ đưa ra những hướng dẫn cụ thể bảo vệ Phlippines ở Biển Đông thì chính quyền Manila có được “cái ô bảo vệ” để thúc đẩy chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Nếu như trước đây, Philippines thường rơi vào thế bị động trên vấn đề Biển Đông, thường là phải ứng phó với các hành động của Trung Quốc. Những hành động khẳng định chủ quyền của Manila trong những ngày trung tuần tháng 5 cho thấy Philippines đang chủ động hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Một số học giả còn xem những động thái này của Manila như những thách thức đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây dương nhu một cách tiếp cận mới của Philippines trên hồ sơ Biển Đông dưới chính quyến của Tổng thống Marcos.

Hai là, Philippines muốn thử giới hạn trong các hoạt động ở Biển Đông liên quan đến Philippines của cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Giới chuyên gia nhận định sau khi có được những cam kết cụ thể của Washington trong việc bảo vệ Philippines trên Biển Đông, chính quyền Manila chủ động có những hành động cứng rắn khẳng định chủ quyền ở Biển Đông để thăm dò giới hạn khiêu khích của Bắc Kinh. Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục có những hành động hiếu chiến nhằm vào tàu thuyền của các lực lượng lượng trên biển Philippines thì Mỹ sẽ hành động ra sao, qua đó Manila có thể kiểm chứng những điều mà Lầu Năm Góc đã nêu ra trong “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines.

Giới phân tích nhận định việc Philippines lắp đặt các phao hàng hải mang cờ quốc gia tại trong EEZ để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông có thể còn là bước đi cho những tính toán lâu dài hơn trong việc thúc đẩy phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Chắc chắn Bắc Kinh đang rất cay cú trước những việc làm mới này của Philippines, nhưng trên thực tế, Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn, chưa có những hành động đáp trả những hành động khẳng định chủ quyền mạnh mẽ vừa qua của Philippines khi mà cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu như trước đây không loại trừ khả năng Trung Quốc đã cho tàu phá hủy các phao hàng hải chủ quyền của Philippines.

Ba là, việc Tướng Philippines đến thăm một số đảo ở khu vực Palawan, trong đó có căn cứ không quân Balabac (nơi Philippines đã cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận) với những phát biểu mạnh mẽ cho thấy đây sẽ là khu vực được Philippines tập trung nâng cao năng lực phòng thủ, biến nơi đây thành căn cứ quan trọng, điểm then chốt để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và lâu dài hơn biến nơi đây thành nơi có thể giám sát tuyến đường hàng hải qua Biển Đông.

Việc Tham mưu trưởng, Tướng Andres Centino đích thân tới thăm các đơn vị hải quân nơi đây cũng là nhằm để giải tỏa những nghi ngại trong một số người về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nơi đây mở đường cho việc quân đội Mỹ tiếp cận theo thỏa thuận đã được thống nhất giữa Philippines và Mỹ. Giới chuyên gia dự báo rằng với vị trí quan trọng ở Biển Đông, Palawan sẽ là nơi giúp Mỹ có thể nhanh chóng tiến ra Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột. Để tiếp cận căn cứ ở khu vực này một cách hiệu quả, Mỹ sẽ phải đẩu tư nâng cấp hạ tầng ở khu vực này. Một số chuyên gia quân sự còn cảnh báo không loại trừ khả năng Palawan sẽ là nơi neo đậu của tàu chiến Trung Quốc trong tương lai để đối trọng với căn cứ quân sự ở Du Lâm, Hải Nam, Trung Quốc. Còn quá sớm đê có thể cho rằng những động thái mới đây của Philippines trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông sẽ có những tác động tích cực tới cục diện Biển Đông. Có ý kiến lo ngại rằng những động thái mới của Philippines có thể sẽ khiến Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn và cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông càng thêm quyết liệt hơn, làm cho tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng. Một số ý kiến khác cho rằng những hành động mới kể trên của Philippines chuyển tới Bắc Kinh thông điệp rõ ràng về sự cương quyết của chính quyền Manila bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ như Tổng thống Marcos đã nhiều lần khẳng định. Do Philippines đã nhận được những cam kết bảo vệ cụ thể từ phía Mỹ trong “Hướng dẫn phòng thủ song phương” nên Trung Quốc sẽ phải cân nhắc một cách thận trọng hơn trước khi hành động. Mặt khác, việc Philippines cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông có thể khích lệ các bên liên quan khác trở nên mạnh mẽ hơn chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Hơn thế nữa, việc Manila quyết liệt và mạnh mẽ hơn trên hồ sơ Biển Đông tạo cơ sở cho cộng đồng quốc tế quan tâm hơn tới Biển Đông và có lý do để lên án những hành vi hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Điều này gây một sức ép lớn hơn đối với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới