Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNga có trở thành “chư hầu” của TQ?

Nga có trở thành “chư hầu” của TQ?

“Nga đang trở thành một nước chư hầu của Trung Quốc” (!). Đó là bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc phỏng vấn. Bình luận này lập tức gây nên “cơn bão” trong dư luận quốc tế, nhất là tại Nga và Trung Quốc.

Ông Macron không hiểu có lỡ lời hay không? Bấy lâu ông vốn thích dùng từ “chư hầu”. Thực ra thì ông chủ Điện Élysée rất thích thuật ngữ này, ý muốn nói về sự lệ thuộc một cách quá đáng.

Macron bày tỏ điều này trong một cuộc phỏng vấn, và lời nói gió… không bay. Nó được đăng chềnh ềnh trên mặt báo. “Trên thực tế, họ (Moscow) đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và đã mất con đường tiếp cận vùng Baltic. Điều này đã khiến cho Thụy Điển và Phần Lan quyết định gia nhập NATO” – Tổng thống Macron nói với tờ L’Opinion của Pháp.

Trước đó, hồi tháng 4, để mô tả mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ, Macron từng phát biểu: “Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu; không có nghĩa là chúng ta không có quyền suy nghĩ cho chính mình”.

Sau khi Tổng thống Pháp “tặng” cho cái tên “chư hầu”, Moscow đương nhiên phản ứng mạnh mẽ. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.V.Grushko nói rằng, đó là “lời xúc xiểm của những kẻ đang có tham vọng địa-chính trị”.

Cụ thể, phóng viên tạp chí Pháp L’Opinion hỏi: “Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố về thất bại địa chính trị của Nga và dường như về sự phụ thuộc có tính chất chư hầu của đất nước chúng ta đối với Trung Quốc. Ngài bình luận gì về những lời phát biểu này?”.

Ông A.V.Grushko trả lời: Chúng tôi đã quen với những tuyên bố lặp đi lặp lại của lãnh đạo Pháp, cũng như của lãnh đạo các nước khác thuộc “tập thể Phương Tây” về cái gọi là chiến thắng sắp tới của chế độ Kiev, về nền kinh tế Nga do những gánh nặng của các biện pháp trừng phạt trên thực tế đã bị sụp đổ, về cái dường như là sự cô lập quốc tế của Nga.

Toàn thể mọi người trên thế giới đã rõ, kể cả bản thân các “đối tác Phương Tây” rằng, tất cả những thứ đó – chỉ là mưu toan đưa ra mong muốn thay cho thực tế. Chúng ta càng thường xuyên nghe thấy những câu “thần chú có tính cầu nguyện” như vậy thì càng thấy rõ hơn rằng, dưới sức ép của thực tế các giới tinh hoa chính trị của các nước Châu Âu đã chuyển từ việc nhào nặn có tính tuyên truyền chính các công dân mình sang việc thuyết phục bản thân về sự đúng đắn trong đường lối đối đầu của họ.

Phương Tây đã lôi cuốn nhiều nước và khu vực vào đó bằng chính sách điên rồ xúc xiểm lẫn nhau giữa các nước láng giềng. Họ không thể từ bỏ cả những mưu toan bằng bất cứ cách nào gây mâu thuẫn giữa các bạn bè cũ, thuyết phục một số nước này chống lại nước khác, “ép buộc” các quốc gia Nam bán cầu và Phương Đông, làm sao để họ quên đi các lợi ích của chính mình để làm lợi cho các tham vọng địa-chính trị của “những ông chủ” cũ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.V.Grushko nhấn mạnh: “Trật tự thế giới mới đang hình thành, điều đó có nghĩa là sự kết thúc đối với sự thống trị đã nhiều thế kỷ nay của các nước “tỷ vàng”. Tuy nhiên, trong bức tranh thế giới đang hình thành đó, E. Macron, cũng như các vị lãnh đạo khác của Phương Tây, sẽ buộc phải thỏa hiệp với thực tế của các mối quan hệ bền vững, bình đẳng và cùng tôn trọng lẫn nhau giữa Moscow và Bắc Kinh”.

Đó là phản ứng từ phía Nga. Còn tại Trung Quốc, quan chức trong giới cầm quyền có sự phát ngôn thận trọng. Nhiều người cho rằng, đây có thể là thuyết âm mưu hòng chia rẽ Bắc Kinh và Moscow.

Thế nhưng người dân Trung Quốc thì suy nghĩ thực tế hơn. Nhiều người viết trên mạng xã hội rằng: Liên Xô (trước đây) là một trong hai siêu cường của thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc nước Nga hôm nay làm “chư hầu” càng khẳng định Trung Quốc đã hùng mạnh hơn bao giờ hết, trở thành một cường quốc sánh ngang với Mỹ và sẽ vượt Mỹ trong thời gian không xa.

Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc cần phá vỡ liên minh quốc tế, gồm các nền dân chủ phương Tây đang chống lại một CHND Trung Hoa vĩ đại. Những phát biểu của Tổng thống Pháp có thể có hạt nhân đúng, nhưng Bắc Kinh cho rằng, chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng quốc tế. Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng đối với Nga là điều có thật. Nhưng Bắc Kinh vốn thận trọng để bảo đảm rằng, không để V.Putin mất mặt (!).

Thứ nữa, Moscow sẽ không dễ dàng tuân theo ngọn cờ của Bắc Kinh để giải quyết tình trạng sa lầy ở Ukraine. Nếu làm như thế thì Nga đúng là “chư hầu” như Macron miêu tả. Tổng thống Nga V.Putin vốn là người bản lĩnh và hùng biện. Mới đây ông đã có bài phát biểu quan trọng kéo dài khoảng 10 phút tại Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5/2023 trên Quảng trường Đỏ. Ông truyên bố hùng hồn: “Chúng ta đang tiếp bước tổ tiên. Chúng ta tự hào về những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt, những người đang chiến đấu ở tiền tuyến và những người đang cứu những người bị thương. Tương lai của đất nước và người dân Nga phụ thuộc vào các bạn và các bạn đang chiến đấu cho nước Nga”. Và, “một cuộc chiến đang được tiến hành chống lại Nga, nhưng Mátxcơva sẽ giải quyết nó !”.

Khẩu khí ấy thì không thể là của một… chư hầu!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới