Sự phân cực và chia rẽ giữa năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đang đe dọa làm tê liệt cơ quan chủ chốt trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Xu hướng trên không chỉ được Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) Csaba Korosi khẳng định vào tháng 1-2023, mà còn trở thành thông điệp cấp thiết của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại cuộc họp báo ở Hiroshima (Nhật Bản) vừa qua nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an vốn đã thành lập từ tháng 10-1945.
Thời điểm cao trào
Xung đột Nga – Ukraine đã khoét sâu những rạn nứt giữa các thành viên có quyền phủ quyết (nhóm P5 – Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh) trong Hội đồng Bảo an.
Điều này được ghi nhận trong báo cáo năm 2022 của Hội đồng Bảo an khi có đến 276 cuộc họp công khai được triệu tập (nhiều hơn 246 cuộc họp năm 2021) nhưng chỉ thông qua 7 tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Bảo an. Con số này ít hơn rất nhiều so với 24 tuyên bố chủ tịch được thông qua năm 2021.
Các chỉ số trên còn cho thấy vai trò gắn kết giữa nhóm P5 với các quốc gia đang phát triển bên ngoài Hội đồng Bảo an được giao cho 10 thành viên được bầu cử luân phiên với nhiệm kỳ hai năm (nhóm E10) cũng đang ngày càng kém hiệu quả.
Với vai trò là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc được phép sử dụng vũ lực và chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình thế giới, xu hướng leo thang bất đồng nội bộ của Hội đồng Bảo an đã thúc đẩy các nỗ lực vận động cải tổ cơ chế này nhận được sự đồng thuận ngày càng lớn từ dư luận quốc tế.
Trong đó yêu cầu cải tổ khẩn gấp Hội đồng Bảo an từ 73 nhà lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị Cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9-2022 cùng với tuyên bố chung của cả hai khối G4 (gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Đức và Brazil) và khối “Đoàn kết vì Đồng thuận” (UfC) do Ý sáng lập vào tháng 3-2023 là những minh chứng điển hình.
Mặc dù duy trì sự khác biệt về quan điểm và có xu hướng đối trọng với nhóm G4, nhưng sự vận động của khối UfC có thời điểm đã thu hút được đến 120 quốc gia quan tâm đến các nội dung cải tổ Hội đồng Bảo an của họ.
Đề xuất của Ấn Độ nhằm từ bỏ tạm thời quyền phủ quyết đối với các thành viên thường trực mới trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an mở rộng đã mở ra cơ hội dung hòa các quan điểm giữa hai khối G4 và UfC.
Sức ảnh hưởng của nhóm UfC cùng với vai trò quan trọng của các thành viên G4 đối với tổ chức Liên Hiệp Quốc và sự đồng thuận mạnh mẽ của dư luận quốc tế có thể giúp tạo chuyển biến đáng kể cho tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an năm nay.
Cải tổ gì?
Có hai nội dung cải tổ triển vọng. Thứ nhất là việc mở rộng các thành viên Hội đồng Bảo an từ 15 lên 25 thành viên. Đây là quan điểm nhận được sự ủng hộ từ cả các thành viên Hội đồng Bảo an thường trực (tiêu biểu là Anh và Pháp) cũng như từ các nhóm vận động mạnh như G4, UfC và Liên hiệp châu Phi (AU).
Thứ hai là việc ưu tiên cho thành viên đại diện thường trực từ châu Phi. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong nhóm P5 cũng như từ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù việc thay đổi các khuôn khổ Hội đồng Bảo an được quy định rất nghiêm ngặt trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng các thay đổi khi nghị quyết 1991 được đưa ra vào năm 1965 về nội dung mở rộng quy mô của Hội đồng Bảo an từ 11 lên 15 thành viên bằng cách bổ sung thêm 4 thành viên được bầu đã cho thấy tiền lệ có thể thực hiện được khi đến thời điểm phù hợp.
Do đó việc xúc tiến các cuộc đàm phán liên chính phủ về cải cách Hội đồng Bảo an của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuy chưa thể tạo ra những chuyển biến lớn, nhưng có thể xem là nỗ lực quan trọng nhằm góp phần vào chuỗi động thái quyết đoán từ các nhóm vận động mạnh bên ngoài Hội đồng Bảo an.
Những bổ sung về cơ chế giải trình khi thành viên nhóm P5 dùng quyền phủ quyết theo nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được áp dụng từ tháng 4-2022 là động thái cho thấy một kịch bản tiềm năng cho quá trình cải tổ Hội đồng Bảo an.
Nhìn chung một khuôn khổ có nền tảng gắn bó với bối cảnh kết thúc Thế chiến thứ 2 như Hội đồng Bảo an thực sự đã trở nên lỗi thời và cần những điều chỉnh quan trọng để có thể phát huy tối đa năng lực gìn giữ hòa bình và đảm bảo an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, để đạt được một phương án cải tổ có sự đồng thuận từ cả các nhóm P5 (thường trực), E10 (không thường trực) bên trong lẫn các nhóm vận động mạnh như G4, UfC và AU bên ngoài Hội đồng Bảo an thực sự cần nhiều thiện chí cũng như sự nhận thức vượt lên trên lợi ích đơn lẻ mỗi quốc gia.
Sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nhóm P5 trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đứt gãy tạo nên suy thoái kinh tế thế giới trên thực tế lại đang góp phần củng cố mạnh mẽ các mối nối ở nhiều tổ chức khu vực quan trọng khác bên ngoài phạm vi Liên Hiệp Quốc.
Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio muốn trở thành cầu nối giữa G7 với các nước đang phát triển thuộc Nam bán cầu (Global South), cũng như các tuyên bố chung của nhóm G4 và UfC đã không còn đối trọng lẫn nhau là những chỉ dấu quan trọng cho thấy xu hướng các khu vực sẽ tạo xu hướng gắn kết quốc tế theo chiều hướng tích cực nhất có thể.
Từ đó các tổ chức cơ quan Liên Hiệp Quốc như Hội đồng Bảo an sẽ nhận những tác động cần thiết để từng bước chuyển biến chấp nhận cải tổ từng phần theo chiều hướng cân bằng hơn.
T.P