Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựĐài Loan sẽ xây căn cứ tàu ngầm

Đài Loan sẽ xây căn cứ tàu ngầm

Một số chuyên gia gần đây khơi lại kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm bí mật dưới biển ở phía đông của Đài Loan, giữa lúc căng thẳng Đài Loan-Trung Quốc leo thang.

Các chuyên gia quân sự cho rằng địa chất và vùng nước sâu ở bờ biển phía đông của Đài Loan sẽ là địa điểm lý tưởng cho một căn cứ hải quân dưới nước.

Chính quyền Đài Loan đang được đề nghị xem xét lại đề xuất sử dụng các hang động dưới nước như một phần của một căn cứ hải quân cho đội tàu ngầm mới mà có thể bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2025, theo tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin mới đây.

Một số chuyên gia quốc phòng Đài Loan cho rằng bờ biển phía đông có nhiều núi của hòn đảo, với những vách đá dựng đứng và địa hình biển sâu, sẽ là căn cứ lý tưởng cho các tàu chiến như thế. Đặc biệt, các cấu trúc địa chất dọc theo bờ biển phía đông của huyện Hoa Liên và địa hình tự nhiên dưới nước lân cận có thể cung cấp nơi trú ẩn lý tưởng cho tàu ngầm, theo chuyên gia quân sự Lữ Lễ Thi ở Đài Loan.

“Chỉ 100 m từ bờ biển Hoa Liên, biển sâu 1.000 m, và 10 km từ bờ biển, biển sâu hơn 4.000 m, cho phép tàu ngầm lặn lén vào rãnh đại dương của Thái Bình Dương ngay sau khi xuất phát từ căn cứ. Cấu trúc địa chất của các vách đá ở Hoa Liên thích hợp để đào hang sâu hoặc đường hầm”, ông Lữ nhận định.

Đề xuất của ông Lữ được đưa ra khi lực lượng phòng vệ Đài Loan ngày 5.5 cho hay các cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm chạy bằng diesel-điện đầu tiên được đóng ở hòn đảo này có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 3.2024.

Đài Loan có kế hoạch phát triển một hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện theo Chương trình tàu ngầm phòng thủ nội địa (IDS), với chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được hạ thủy vào tháng 9.2023 và đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2025, theo SCMP dẫn lại thông tin từ báo chí Đài Loan.

“Hàng rào tự nhiên”
Đề xuất về một căn cứ tàu ngầm dưới biển gần đây đang gây xôn xao trong giới quân sự Đài Loan. Một bài báo đăng trên cổng thông tin trực tuyến Up Media của Đài Loan đã kêu gọi Đài Bắc xem xét lại kế hoạch sử dụng hang động xây căn cứ hải quân, lúc đầu được gọi là “Củng cố phía đông”, vì căn cứ hải quân Tả Doanh hiện tại ở phía nam thành phố Cao Hùng không phải là cảng nước sâu và sẽ không được che giấu hoàn toàn ngay cả sau khi mở rộng.

Lực lượng phòng vệ biển của Đài Loan bắt đầu nghiên cứu kế hoạch trên vào năm 1991 sau khi Mỹ hứa bán 8 tàu ngầm chạy bằng diesel-điện và 12 máy bay tuần tra chống ngầm P-3C cho Đài Loan. Các cam kết đã thúc đẩy lực lượng phòng vệ biển lên kế hoạch xây dựng một đường hầm hình chữ U dưới nước bên trong một sườn núi ven biển ở Hoa Liên, nơi sẽ đặt một cơ sở bảo trì và hậu cần toàn diện dưới lòng đất, theo một báo cáo được xuất bản năm 2004 của ông Châu Hiển Long, cựu phó giám đốc của Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Liên hợp Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tuy nhiên, ý tưởng đó đã bị bỏ quên sau khi việc mua lại đất đai thất bại, trong khi Mỹ không thể giao tàu ngầm chạy bằng diesel-điện cho Đài Loan vì các nhà phát triển vũ khí của Mỹ đã dừng sản xuất các mẫu tàu cũ hơn, buộc Đài Bắc phải tự phát triển tàu ngầm của riêng mình.

Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quân sự Canada Kanwa Asian Defense, cho rằng việc cất giấu các khí tài quân sự có giá trị bên trong vùng núi phía đông bờ biển Đài Loan chưa bao giờ là một chiến lược lỗi thời, bởi dãy núi trung tâm của hòn đảo sẽ đóng vai trò như một “hàng rào tự nhiên” để ngăn chặn các tàu ngầm bị quân đội Trung Quốc (PLA) tấn công từ đất liền.

Lực lượng phòng không của Đài Loan có hai nhà chứa máy bay ngầm ở Hoa Liên và huyện Đài Đông, có thể che chắn tới 400 máy bay chiến đấu trong trường hợp bị tấn công đầu tiên, nhờ dãy núi dài 500 km.

“Sẽ không an toàn nếu tàu ngầm neo đậu tại các căn cứ hải quân ở cảng phía nam và phía bắc của hòn đảo, nơi nước nông và rất dễ bị phát hiện. Một cơ sở phụ trong hang động cho lực lượng phòng vệ biển của Đài Loan phải là một loại đường hầm dốc dưới nước bên trong vách đá của Hoa Liên, tương tự như căn cứ tàu ngầm dưới nước của Thụy Điển, không thể bị máy bay và vệ tinh [chống ngầm] phát hiện”, ông Chang nhận định.

Căn cứ hải quân MuskO, một cơ sở hải quân dưới nước của Thụy Điển ở phía nam thủ đô Stockholm, có diện tích vài km2 và được nối với nhau bằng 20 km đường ngầm và một đường hầm dài 3 km, một phần của đường này nằm dưới biển.

Sẽ là mối đe dọa đối với quân đội Trung Quốc?
Ông Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia hải quân ở Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng kế hoạch xây căn cứ tàu ngầm dưới nước sẽ gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với PLA trong trường hợp xảy ra xung đột, theo SCMP.

“PLA đã nghĩ ra nhiều kịch bản cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở Đài Loan, bao gồm cả sự tham gia của các nhóm tác chiến tàu sân bay, trong đó các máy bay chiến đấu và tên lửa phóng từ tàu sẽ được triển khai để bắn phá các căn cứ quân sự quan trọng của hòn đảo. Tuy nhiên, các tàu ngầm tấn công được giấu trong căn cứ tàu ngầm dưới nước và rãnh đại dương có thể làm suy yếu hoặc thậm chí phá hỏng kế hoạch chiếm đảo của PLA trong một cuộc chiến chớp nhoáng”, ông Nghê nhận định.

Trong khi đó, ông Arthur Ding, giáo sư danh dự tại Đại học Chính trị quốc lập ở Đài Bắc, cho rằng sẽ quá tốn kém cho việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm dưới nước, mặc dù “nghe có vẻ là một ý tưởng hay”.

“Trên thực tế, hải quân cần dành nhiều thời gian hơn để triển khai các tàu ngầm của mình tới phía bắc Đài Bắc và phía nam Cao Hùng để hỗ trợ một khi PLA thực hiện các cuộc tấn công gọng kìm để phong tỏa eo biển Đài Loan”, ông Ding nhận định, đề cập các kịch bản tấn công có khả năng xảy ra nhất. “Tàu ngầm diesel-điện có độ bền hạn chế, nên để những tàu này đậu ở các cảng phía bắc và phía nam có lẽ tốt hơn”, ông Ding nói.

Các tàu ngầm nội địa của Đài Loan cuối cùng sẽ thay thế 4 tàu ngầm cũ hiện đang phục vụ trong lực lượng phòng vệ biển. Hai trong số các tàu này là tàu ngầm diesel-điện được mua từ Hà Lan vào thập niên 1980, trong khi hai chiếc còn lại là tàu ngầm GUPPY của Hải quân Mỹ đã qua sử dụng. Những tàu này được thiết kế cách đây vài thập niên, chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện, theo SCMP.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới