Henri Cucherousset, người sáng lập và chủ bút tuần báo L’Eveil Économique de l’Indochine (Đánh thức Kinh tế Đông Dương – số đầu tiên ra ngày 16/6/1917, số cuối cùng ra ngày 01/11/1934), là người đặc biệt yêu mến quần đảo Hoàng Sa và chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Qua nhiều bài viết đăng trên tuần báo này, Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp của ông đã thể hiện sự quan tâm đối với việc quản lý, khai thác Hoàng Sa, phê phán thái độ của một số nhà chính trị Pháp ở Đông Dương đã có thái độ thờ ơ trước vấn đề này, nhằm buộc họ phải thúc đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp bảo hộ. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài báo “La curieuse histoire des archipels coralliens de la mer de chine” của H. Cucherousset đăng trên tờ La Dépêche d’Indochine số 23 ra ngày 5/12/1933.
Như chúng ta đã biết, nằm rải rác trên vùng biển của Trung Quốc, nhất là ở phần phía Tây Nam, là các đảo san hô nhỏ vừa gây nguy hiểm cho việc đi lại trên biển, vừa thuận tiện cho dân chài, và là một nguồn phốt-phát dồi dào cho nông nghiệp.
Quần đảo cho đến nay được người dân Đông Dương biết đến nhiều nhất, mà đúng hơn là ít được biết đến nhất, là quần đảo Hoàng Sa, nằm chính diện với cửa vịnh Bắc Bộ và rõ ràng là gần với Tourane (Đà Nẵng) hơn là với đảo Hải Nam.
Trong khi vùng Quảng Ngãi và Quảng Nam được đặt tên là “Costa de Pracel” thì quần đảo Hoàng Sa xuất hiện trên những tấm bản đồ đầu tiên của người Bồ Đào Nha vào cuối thế kỉ XVI dưới cái tên “Islas de Pracel”, luôn luôn được chế độ quân chủ An Nam coi là một phần của vương quốc An Nam.
Đôi khi ghé vào quần đảo là vài dân chài Trung Quốc đánh bắt rùa và hải sâm đến từ đảo Hải Nam và những chiếc ghe đi từ Trung Quốc đến Singapore, còn lại suốt 6 tháng trong năm, quần đảo vắng bóng người.
Quần đảo được hình thành nên từ một vài đảo nhỏ rất thấp và nhiều bãi đá ngầm nguy hiểm. Các bãi đá ngầm này buộc các con tàu phải đi lệch một chút ra khỏi trục đường thẳng nối Hồng Kông, Cam Ranh và Singapore và phải cực kì cảnh giác cho dù trời quang hay mưa bão.
Phủ trên bề mặt các đảo là một lớp phốt-phát dày với trữ lượng ước tính tối thiểu là ba triệu tấn, trị giá khoảng 30 triệu đồng Đông Dương, tức là 300 triệu franc.
Chính quyền Pháp đáng lẽ ra phải chiếm hữu nơi này vì những lý do sau đây:
Lý do chiến lược: Nằm ở lưng chừng giữa Hồng Kông và Singapore, những hòn đảo này là chỗ trú và nơi neo đậu rất tiện lợi cho các tàu ngầm và thủy phi cơ. Chúng án ngữ lối vào vịnh Bắc Bộ giữa Đà Nẵng và Hải Nam.
Lý do an ninh: Chúng nằm ở vị trí rất thuận tiện để làm căn cứ cho bọn cướp biển, bọn buôn lậu, và những chiếc ghe chở đến bờ biển của An Nam những vũ khí, đạn dược, vật liệu và nhân sĩ cách mạng.
Lý do an toàn hàng hải: Một ngọn hải đăng và một dãy đèn, cọc tiêu, phao tiêu âm thanh được phân bố hợp lý, sẽ giúp các tàu đi đúng đường và đi lại an toàn, dẫn lối đi qua Cam Ranh, cảng trung chuyển của chúng ta trong tương lai, cho tất cả tàu bè giao thông giữa Singapore và Hồng Kông, tức là ba phần tư lượng giao thông ở vùng Viễn Đông, vì phía Tây Nam của vùng biển Trung Quốc là khu vực nguy hiểm cho hoạt động hàng hải.
Lý do an toàn khí tượng: Trong năm, có một khoảng thời gian mà các cơn bão trở nên nguy hiểm nhất đối với bờ biển An Nam, hầu hết các cơn bão này đều hình thành ở phía Tây và đi ngang qua hoặc đi ngay sát gần quần đảo. Vì vậy, một ngọn hải đăng có đài quan sát được trang bị điện báo vô tuyến có thể báo một cách chính xác vị trí và cường độ bão nhiều giờ trước khi chúng ập đến.
Lý do kinh tế: Tiền thuế mà chính quyền thu được nhờ việc khai thác phốt-phát sẽ không thể nào dưới 125.000$ mỗi năm, đủ để duy trì ngọn hải đăng, phao tiêu, đèn đóm và cọc tiêu, một đồn cảnh sát trong mùa và các công trình cứu trợ dành cho công nhân, dân chài và những người đi ghe mà trên thực tế có lẽ sẽ chủ yếu là người Trung Quốc.
Thật không may, chính quyền luôn lơ là quần đảo Hoàng Sa, ngoại trừ chuyến viếng thăm thi thoảng của tàu của sở thuế hoặc tàu của Viện Hải dương học. Thêm nữa, sở thuế còn không thể lục khám các tàu thuyền, điều hết sức đáng làm nếu quần đảo được công nhận là thuộc về Đông Dương.
Chính quyền Đông Dương, luôn làm nản lòng những công ty Pháp muốn khai thác các vỉa phốt-phát, lại dung túng các công ty Nhật.
Năm 1920, hãng Mitsui Bussan Kaisha trước tiên đã xin phép tư lệnh hải quân tại Sài Gòn, Đại tá hải quân Remy, người đã trả lời họ như sau:
“Trong các văn bản chính thức của Hải quân, không có một giấy tờ nào giúp xác định quốc tịch của quần đảo Hoàng Sa; tuy nhiên, tôi cho là tôi có thể bảo đảm với các ngài rằng những hòn đảo này không thuộc quyền sở hữu của nước Pháp, nhưng việc khẳng định này chỉ dựa trên trí nhớ của cá nhân tôi và tôi không thể đưa ra cho các ngài một văn bản có sức thuyết phục nào để chứng minh”.
Vì vậy, những người Nhật đã tìm đến Tôn Dật Tiên, ở Quảng Đông, người đã trả lời họ: “Hiển nhiên là các hòn đảo này thuộc về Trung Quốc! Hãy cho tôi X triệu đô-la và các vị sẽ có thể đến đó làm việc”.
Lịch sử của 8 hay 9 năm người Nhật khai thác nơi này khá là thú vị, nhưng kể ra đây thì sẽ quá dài. Chúng ta chỉ cần biết rằng những kẻ khai thác này vẫn thường trịnh trọng đón tiếp các tàu thuế vụ của Pháp và của Viện Hải dương học, thế là đủ.
Sau đó, cuối năm 1929, người Nhật đã từ bỏ việc khai thác này. Đây chính là lúc Chính quyền Pháp thể hiện chủ quyền. Điều này, tuần báo “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” (L’Éveil Économique de l’Indochine) đã nài nỉ họ từ lâu.
Kể từ năm 1909, nhưng nhất là vào khoảng các năm 1925 – 1926, nhiều người Pháp đã yêu cầu được khai thác các vỉa phốt-phát ở đây. Lạ lùng thay, chính quyền đã ngăn cản họ một cách mạnh mẽ, đến mức trả lời bằng văn bản (ông Monguillot) hoặc bằng miệng (ông Lacombe) rằng các đảo này về mặt nguyên tắc là thuộc về Trung Quốc và cần tìm đến chính quyền Quảng Đông mà hỏi.
Ấy thế mà, chính ông Lacombe này vào năm 1921 đã kí một báo cáo, trong đó ông ta lên án mạnh mẽ tư lệnh Remy và kết luận về chủ quyền của An Nam đối với quần đảo này.
Trong khi những người Pháp bị chính quyền làm cho nản chí như vậy và được cảnh báo cho phải phép rằng họ sẽ không được bảo vệ nếu họ vẫn tiếp tục khai thác phốt-phát mà không để ý đến những người Trung Quốc đang cư ngụ tại quần đảo Hoàng Sa, điều này hiển nhiên dẫn đến việc trong một chuyến thăm bằng tàu De Lanessan của Viện Hải dương học vào năm 1931, Trung Quốc đã tỏ ra cực kì xấc xược và hăm dọa.
Trên thực tế, chính quyền Quảng Đông tự cho mình là chủ của Hoàng Sa đến nỗi vào ngày 8/3/1932, họ đã tổ chức đấu thầu việc khai thác các vỉa phốt-phát.
Việc này xảy ra 2 năm sau một lá thư đòi giải thích mà Ngài Toàn quyền Pasquier gửi đến Ngài Bộ trưởng Thuộc địa, ông này đã được Ngài Nghị sĩ Bergeon báo cho biết rằng chúng tôi, chủ bút của tờ “L’Éveil Économique de l’Indochine”, đã được một người bạn chung thông báo.
Trong lá thư này, quý ngài khôn khéo xứ Marseille đã trả lời rằng không còn nghi ngờ gì nữa, quần đảo Hoàng Sa là thuộc về An Nam, nhưng vì những lý do cực kì chính trị, tốt nhất là không nên đòi quyền lợi vào thời điểm này.
Lá thư được tiết lộ, sau bản báo cáo mà Lacombe, vào tháng 6/1932, đã đặt Phòng coi việc cai trị và việc bản xứ (Direction des Affaires politiques) ra ngoài chính nó, có thể là vì nó đã gây xáo trộn những trù liệu tuyệt vời. Ngài Marty đã gửi đến Ngài Pasquier, lúc bấy giờ đang ở Đà Lạt, một bức điện báo dài hoảng hốt, nói rằng nếu không ngăn cản ông Cucherousset tiếp tục chiến dịch của mình thì đó là tận thế (và có thể là thế chiến), đồng thời thúc giục Ngài Toàn quyền cho phép tố giác ông ta lên Viện kiểm sát, như một kẻ gây rối loạn trị an công cộng, đây là tay phóng viên nguy hiểm đáng bị treo cổ sau khi đã chộp lấy toàn bộ tài liệu của ông ta.
Tất nhiên, với sự cố vấn của Ngài Lacombe, Ngài Pasquier, có vẻ như không có một chút ý chí cá nhân nào, đã ngay lập tức gửi điện báo tới Ngài Marty đưa các chỉ dẫn như ông này đã yêu cầu.
Trong lúc đó, Công sứ Pháp (Ministre de France) tại Bắc Kinh đã rụt rè phản đối ở Nam Kinh việc chính quyền Quảng Đông tổ chức đấu thầu các vỉa phốt-phát ở quần đảo Hoàng Sa (báo “Manchuria Daily News” đăng ngày 15/8/1933, báo “La Politique de Pékin” ngày 26/8/1933 dịch lại) và thông báo với Trung Quốc rằng quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của An Nam. Trước những tiếng phàn nàn yếu ớt này, người Trung Quốc đã đáp lại bằng một tràng cười, cho rằng bên lãnh thầu, hãng “China Produits C°” đã đổ vào ngân khố của chính phủ 212.000$ mỗi năm.
Tại Hội đồng Chính phủ (Conseil de gouvernement) năm 1932, Ngài Rigant, đại biểu của An Nam, đã đặt câu hỏi này cho Ngài Toàn quyền Pasquier. Ông này đã trả lời rằng vụ tranh chấp đã được đưa ra phân xử tại Tòa án Trọng tài thường trực La Haye (Tribunal international de la Haye).
Hiện giờ, một năm đã trôi qua kể từ ngày đó, và vụ việc chẳng có vẻ gì là tiến triển thêm. Mặc dù được cho là có người cung cấp tin tức ở Trung Quốc, nơi mà vấn đề này được đưa ra thảo luận rộng rãi trên các báo, A.R.I.P (Hãng Vô tuyến truyền thanh Đông Dương và Thái Bình Dương – ND) không hề đả động đến chuyện này và cũng không hề đưa lấy một mẩu tin về vụ tố tụng ở La Haye, cũng không nói với chúng ta rằng người Trung Quốc hoàn toàn coi thường Tòa La Haye, Đoàn công sứ Pháp (Légation de France) và Phủ Toàn quyền Đông Dương, rằng họ vẫn tự cho rằng mình là chủ của Hoàng Sa, thu lời từ quần đảo và còn định lập một căn cứ hải quân trên đó. Trong khi chờ đợi, tới cuối tháng 10 vừa qua, báo chí Hồng Kông đã thông báo rằng tàu tuần tra Hai Chi đã lên đường đến quần đảo Hoàng Sa.
Ngài phái viên của An Nam hiện đang điên đầu vì Hội đồng Chính phủ. Hy vọng rằng ngài sẽ để tâm mà đặt lại câu hỏi cho Ngài Toàn quyền và thông báo với báo chí về câu trả lời mà Ngài Toàn quyền sẽ đưa ra. Ông ấy được thông báo đủ để không bị lôi kéo vào con đường sai lầm như đa số người dân Đông Dương. Ông ấy biết rằng quần đảo Hoàng Sa chẳng có liên quan gì đến các hòn đảo ở phía Nam vùng biển của Trung Quốc, nơi mà sự chiếm hữu của Pháp vào mùa hè vừa qua đã làm dấy lên tiếng la ó, mà điều này rốt cuộc lại thành ra có lợi cho chúng ta…
Từ nhiều năm, nhờ vào Phòng coi việc cai trị và việc bản xứ (Direction des affaires politiques) mà chúng ta rơi vào tình thế sau đây: An Nam có hư quyền sở hữu đối với quần đảo Hoàng Sa, còn Quảng Châu thì có quyền sở hữu hoa lợi. Hiển nhiên là Quảng Châu rất có lợi, khi mà ngân sách đói khát của họ đòi hỏi ngốn tới 212.000 đô-la mỗi năm. Nhưng chúng ta không rõ dựa vào đâu mà tình trạng kéo dài của sự phối hợp đẹp đẽ nói trên, một sự phối hợp đang chế giễu Đông Dương, lại có thể, như ngài Pasquier đã viết, tạo điều kiện cho những cuộc tranh luận trong tương lai… (khi ông ấy không còn ở đây và có thể sẽ phủi tay). Tình trạng này gần giống như sự phối hợp giữa một chủ nợ, biết rõ quyền chính đáng của mình, đợi để khoe rằng quyền quyết định đã thuộc về con nợ và, người chủ nợ này có một vật cầm cố, lại bắt đầu trao vật cầm cố đó cho con nợ.
Vào thời điểm đó, hoàn cảnh có lẽ sẽ rất thuận lợi. Việc An Nam chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa là khả thi mà vẫn bảo đảm được phần lớn lợi ích của người Trung Quốc. Hơn nữa, việc này sẽ ngăn chặn người Nhật chiếm Hoàng Sa, chuyện mà nếu xảy ra thì nguy hiểm đối với Trung Quốc hơn nhiều. Căn cứ hải quân tương lai của Trung Quốc, các tàu ngầm của Trung Quốc, còn dùng vào việc gì ngoài chuyện ngăn chặn người Nhật. Con tàu phóng ngư lôi bé nhất của Nhật sẽ thắng dễ dàng và khi người Nhật có mặt tại quần đảo Hoàng Sa thì chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Hải Nam sẽ cực kì bị đe dọa.
Sự hiện diện của An Nam ở quần đảo Hoàng Sa, chừng nào mà Pháp còn bảo vệ An Nam, là một sự bảo chứng cho Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc khá là tinh tế nên sẽ hiểu được điều đó.
Sau này, khi An Nam hoàn toàn độc lập khỏi nước Pháp, người Trung Quốc và người An Nam sẽ dàn xếp với nhau theo cách mà họ muốn, tức là theo cách mà người Trung Hoa muốn, nước Pháp sẽ phủi tay.
Trong khi chờ đợi, An Nam vẫn nằm dưới sự bảo vệ của Pháp và nước Pháp có bổn phận phải tính tới mọi hòn đảo dù là nhỏ nhất, mọi xóm làng dù là nhỏ nhất trên lãnh thổ An Nam, phải hành động vì quyền lợi của An Nam như vì quyền lợi của chính mình. Thế mà, lờ đi cuộc mặc cả bí mật giữa nhà cầm quyền Pháp và những người ở Quảng Đông, chúng ta chỉ thấy một điều, người Trung Quốc đã phạm sai lầm khi tự ý cho đấu thầu các mỏ phốt-phát ở quần đảo Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của An Nam, và không chấp nhận cho thuộc dân Đông Dương tham gia đấu thầu, đồng thời thu tiền thuế mà đáng lẽ ra phải nộp cho một ngân hàng trung lập do các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc là do Tòa La Haye chỉ định.
Dù sao, có vẻ như Ngài Pasquier vẫn còn phải ở lại đây trong nhiều năm ở vị trí đứng đầu Đông Dương, ông ấy không thể nào trì hoãn các quyết định và trốn tránh các trách nhiệm như một vị toàn quyền ngắn hạn.
T.P