Việc tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc là một trong những giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện.
Thông tin này được ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ tại hội nghị tiết kiệm điện và phát động tiết kiệm điện trên toàn quốc diễn ra mới đây.
Dự kiến ngày hôm nay (24/5), sẽ chính thức đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110 kV Thâm Câu – Móng Cái. Như vậy, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) sẽ sử dụng điện do phía Trung Quốc cung cấp trong các tháng 5, 6, 7.
Phía Trung Quốc khẳng định sẽ triển khai ngay việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở, kỹ thuật vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho phía Việt Nam sau khi lãnh đạo hai bên thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện.
Tương tự, EVN cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, dự kiến vận hành thương mại từ ngày 22/5; qua cụm nhà máy thủy điện Nậm San hoàn thành đóng điện và hòa lưới quốc gia vào ngày 22/5.
Liên quan đến nhập khẩu điện, tại buổi họp giao ban báo chí ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, thông tin Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Hà Giang và Lào Cai. Tuy nhiên, bởi giới hạn về đường dây 220 kV, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ Trung Quốc không thực hiện được. Do đó, tập đoàn đang phải nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500 kV.
Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện bên Lào với công suất 1.000 MW, đồng thời yêu cầu đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện về qua tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, thông qua hệ thống đường dây đã được xây dựng xong ở Tương Dương (tỉnh Nghệ An), phía Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm điện từ Lào. Các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để thông suốt.
Thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc trong nhiều năm qua, và đây cũng được xem là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện. Việc nhập khẩu điện từ Lào cũng tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả hai nước.
Theo Bộ Công Thương, hiện các hồ thủy điện trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém, nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời.
Bên cạnh việc nhập khẩu, để đảm bảo cung ứng điện, EVN cho biết đang làm việc với Tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện. Doanh nghiệp cũng đang đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia.
T.P