Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Điểm nóng mới" gây tranh cãi giữa các đồng minh phương Tây...

“Điểm nóng mới” gây tranh cãi giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine

Theo các chuyên gia quân sự, vấn đề gây tranh cãi mới nhất giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine là việc có nên chuyển máy bay chiến đấu hiện đại F-16 cho Kiev hay không.

Máy bay chiến đấu phản lực F-16 của Hà Lan hạ cánh tại căn cứ không quân Volkel.

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin ngày 18/5 cho biết, mặc dù Washington vẫn từ chối cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho việc chấp thuận để các đồng minh tái xuất loại máy bay này cho Kiev.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt nỗ lực từ các nước châu Âu nhằm thúc đẩy việc chuyển các máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine.

Trong khi cả hai bên vẫn chưa ngã ngũ, một câu hỏi đặt ra là liệu mọi việc có dịu đi như đã từng xảy ra với những diễn biến trong việc cung cấp xe tăng, bệ phóng tên lửa và tên lửa phòng không cho Ukraine trước đây hay không.

Những nỗ lực mới của Anh và Hà Lan trong chiến lược cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đã bộc lộ mâu thuẫn mới nhất giữa các đồng minh phương Tây của Kiev. Các nước này đã không ít lần tranh cãi về kế hoạch chuyển vũ khí chiến đấu tân tiến cho Ukraine.

Một số đồng minh châu Âu của Mỹ tuyên bố sẵn sàng cung cấp F-16 của họ cho Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn phải phê duyệt bất kỳ hoạt động chuyển giao máy bay nào do chính mình sản xuất, dường như cho rằng Ukraine không cần những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại và đắt đỏ như vậy.

Theo một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên, Washington hoài nghi sâu sắc đến mức các phi công của Kiev hiện thậm chí không được phép huấn luyện trên những chiếc F-16 thuộc sở hữu của các quốc gia châu Âu.

Tại Washington, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, chính quyền ông Biden chưa gửi cho Ukraine những chiếc F-16 của riêng họ, một phần vì mức giá đắt đỏ lên đến hàng triệu USD của nó sẽ khiến ngân sách dành cho chiến tranh cạn kiệt.

Quan chức trên nói, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến việc tăng tốc gửi các loại vũ khí khác đến Ukraine để kịp cho chiến dịch phản công chống lại Nga.

Và trong mọi trường hợp, các máy bay chiến đấu sẽ không đến được chiến trường ít nhất trong nhiều tháng, có lẽ là rất lâu sau khi trận chiến phản công của Ukraine bắt đầu.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Mỹ từ chối yêu cầu của các đồng minh gửi vũ khí hiện đại hơn đến Kiev. Trong những trường hợp đó, Mỹ cuối cùng đều tự đảo chiều, cho phép chuyển các bệ phóng tên lửa HIMARS cực mạnh, xe tăng Abrams và tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine.

Giới chức Mỹ không loại trừ khả năng chính quyền Tổng thống Biden sẽ cấp giấy phép tái xuất cho quân đội các nước châu Âu, giúp họ chuyển những chiếc F-16 sang Ukraine.

Mới đây, sau khi Anh và Hà Lan công bố cái gọi là “liên minh máy bay chiến đấu”, Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Hà Lan Wopke Hoekstra, đã có cuộc điện đàm thảo luận về Ukraine và các vấn đề khác. Nhưng ông Hoekstra sau đó cho biết, “chúng tôi vẫn chưa đạt được giải pháp nào”.

Hà Lan là một trong 4 quốc gia châu Âu mà quan chức cấp cao Ukraine cho biết đã âm thầm phát tín hiệu sẵn sàng gửi F-16 tới Kiev. Hạm đội của Hà Lan, cùng với Đan Mạch và Bỉ, có thể cung cấp ít nhất 125 chiếc F-16 sẵn sàng chiến đấu, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một cơ quan cố vấn của Anh chuyên đánh giá kho dự trữ quân sự trên toàn cầu.

Na Uy, quốc gia đã cho số lượng F-16 không xác định “nghỉ hưu” vào năm ngoái để chuyển sang các máy bay chiến đấu tấn công chung F-35 tiên tiến hơn, cũng sẵn sàng đóng góp, một quan chức Ukraine nói.

Vì sao Ukraine hối thúc gửi F-16?

Kiev đang đề nghị, ít nhất là cho đến lúc này, khoảng từ 24-36 chiếc F-16 để phục vụ chiến dịch phản công Nga.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo nước này sẽ bắt đầu đào tạo các phi công Ukraine từ mùa hè này, như một phần của kế hoạch “về việc cung cấp máy bay phản lực F-16”. Thông báo của ông Sunak, gói gọn trong một gói viện trợ quân sự mới, được đưa ra trong chuyến thăm London của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, nếu không có sự chấp thuận rõ ràng của Mỹ, khóa huấn luyện có thể sẽ bị giới hạn ở những gì mà quan chức cấp cao Ukraine mô tả là “các bài học chiến thuật và ngôn ngữ kỹ thuật đơn thuần”.

Với hệ thống radar cực mạnh có thể phát hiện mục tiêu từ hàng trăm km cùng tên lửa hiện đại, F-16 có các hệ thống tối mật mà Mỹ không muốn bị sao chép hoặc rơi vào tay kẻ thù.

Tháng trước, Ba Lan và Slovakia cho biết đã gửi cho Ukraine hơn 20 máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Kiev. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ukraine cho hay họ cần F-16 hơn để chống lại các cuộc không kích và tránh các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.

Các quan chức Ukraine cũng bày tỏ mối lo nhiều hơn về một bước chuyển hướng khác, đó là vũ khí phương Tây hỗ trợ được chuyển đến khi các bên liên quan bắt đầu rơi vào tình trạng mệt mỏi vì chiến tranh và nguồn tài trợ cạn kiệt.

Ukraine cũng đặc biệt quan tâm đến Mỹ, nơi một số đảng viên Cộng hòa, bao gồm cả các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, đã đặt câu hỏi về việc nên ủng hộ cho Kiev thêm bao nhiêu và trong thời gian bao lâu nữa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới