Hải quân Mỹ đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống năng lực hải quân bằng khinh hạm tiên tiến lớp Constellation, song Washington vẫn đi sau Trung Quốc về tổng số tàu.
Mỹ lên kế hoạch bắt kịp số lượng tàu của hải quân Trung Quốc bằng cách chế tạo tàu khu trục nhỏ đầu tiên kể từ đầu những năm 2000. Washington xem đây là kế hoạch chiến lược có thể bù đắp cho số lượng hạm đội tàu đang suy giảm.
Popular Mechanics đưa tin, tại phiên điều trần gần đây của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ – Đô đốc Mike Gilday, nói rằng ông muốn thúc đẩy việc xây dựng thêm cơ sở đóng tàu để đẩy nhanh tiến độ chế tạo tàu theo kế hoạch.
Mỹ loay hoay tìm giải pháp
Đô đốc Mike Gilday nhấn mạnh nhu cầu phải tăng cường chế tạo khinh hạm tiên tiến lớp Constellation. Ban đầu, hải quân Mỹ cam kết mua 20 tàu loại này. Tuy nhiên, giờ đây lực lượng hải quân Mỹ mong muốn mở thêm nhà máy đóng tàu, với mong muốn có thể đóng 40 tàu trong 10 năm tới. Khoảng 50 tàu được coi là con số lý tưởng cho hải quân Mỹ.
Khinh hạm lớp Constellation được thiết kế với khả năng đa nhiệm, có thể đảm nhận phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm và tác chiến điện tử. Khinh hạm Constellation dài 151 m, rộng 19,8 m, lượng choán nước toàn tải 7.500 tấn, thủy thủ đoàn khoảng 200 người.
Kể từ khi khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry ngừng hoạt động, hải quân Mỹ đã không vận hành tàu khu trục nhỏ. Hải quân Mỹ gặp khó trong việc lấp khoảng trống của tàu khu trục nhỏ mà Oliver Hazard Perry để lại.
Trong bài báo đăng tải trên tạp chí National Interest vào tháng 8/2021, nhà phân tích quân sự Peter Suciu cho rằng, khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry được thiết kế với chi phí thấp, chế tạo từ năm 1977 đến năm 2004 nhằm thay thế một số tàu khu trục trong Thế chiến thứ hai của hải quân Mỹ. Tàu lớp Oliver Hazard Perry đáp ứng số lượng hạm đội quân đội Mỹ cần trong Chiến tranh Lạnh.
Nhà phân tích Peter Suciu cho hay, hải quân Mỹ có 71 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry, có thời gian phục vụ 40 năm, thực hiện các nhiệm vụ cường độ thấp như hoạt động ngăn chặn hàng hải, nỗ lực chống tội phạm ma túy, cũng như sẵn sàng cho việc can dự với hải quân đối tác.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, chính việc phải hoạt động với cường độ lớn khiến loại tàu này xuống cấp, dẫn đến việc bị loại biên vào năm 2003. Tàu lớp Oliver Hazard Perry cuối cùng ngừng hoạt động vào năm 2015. Việc loại biên Oliver Hazard Perry khiến hải quân Mỹ lần đầu tiên không có khinh hạm kể từ năm 1943.
Sau quyết định này, hải quân Mỹ buộc phải triển khai tàu cỡ lớn để thực thi nhiệm vụ trước đây vốn thuộc về tàu khu trực nhỏ và vừa. Trong bài viết trên National Review hồi tháng 4/2020, Jerry Hendrix – thuyền trưởng hải quân nghỉ hưu và là thành viên cấp cao tại Viện Sagamore (Mỹ), cho rằng việc nước này điều tàu khu trục Arleigh Burke thực hiện các nhiệm vụ như hoạt động chống cướp biển, chống tội phạm, duy trì sự hiện diện hải quân liên tục… sẽ hoang phí tài sản hải quân Mỹ.
Tàu khu trục Arleigh Burke đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi nhiệm vụ hải quân Mỹ cũng như cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và nhiều nhiệm vụ cao cấp khác. Theo Jerry Hendrix, Mỹ có thể mua số lượng lớn tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống để thực hiện những nhiệm vụ cường độ thấp, thay vì điều tàu khu trục Arleigh Burke để lấp khoảng trống thiếu hụt.
Ông nói rằng, mặc dù hải quân Mỹ cố gắng thay thế khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry bằng tàu hộ tống, tác chiến duyên hải (LCS), song LCS tỏ ra không hiệu quả như mong đợi với nhiều vấn đề về hệ thống vũ khí, khả năng thoát hiểm và tính toàn vẹn của thân tàu. Điều đó khiến Mỹ phải cho loại tàu này “nghỉ hưu sớm”.
Trong bài báo đăng tải trên Defense 360 vào tháng 12/2017, John Cole và Thomas Ulmer (chuyên gia nghiên cứu quân sự tại CSIS) cho biết, Mỹ đã xem xét việc kích hoạt lại khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry vào năm 2016. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị gác lại.
Theo chuyên gia quân sự John Cole và Thomas Ulmer, nhiều công ty đóng tàu không còn “mặn mà” chế tạo những bộ phận của khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry. Hải quân Mỹ cho rằng, việc tân trang những tàu khu trục nhỏ sẽ không lấp đầy lỗ hổng năng lực cho khí tài hải quân cao cấp hơn.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực tàu hải quân, quân đội Mỹ đang phải đẩy nhanh tốc độ chế tạo tàu để san bằng số lượng tàu mà hải quân Trung Quốc đang sở hữu.
Hải quân Trung Quốc đang được xem là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Tháng 2 năm ngoái, Asia Times cho biết, số lượng tàu hải quân Trung Quốc sở hữu là 340, trong khi hải quân Mỹ là lực lượng lớn thứ hai với 280 tàu.
Khoảng cách này sẽ tăng lên khi Trung Quốc dự kiến có 400 tàu vào năm 2025 và 440 vào năm 2030. Phần lớn trong số này sẽ là tàu chiến chủ lực như tàu tuần dương và tàu khu trục.
Ngược lại, kế hoạch của chính quyền Mỹ là sẽ sở hữu 280 tàu vào năm 2027 và 363 tàu vào năm 2045. Con số này là quá ít so với kế hoạch của Washington, đồng thời sẽ ít hơn khi so với Bắc Kinh.
Ông Brent Sadler, thành viên cấp cao về hải chiến và công nghệ tiên tiến tại Trung tâm Quốc phòng của Quỹ Di sản Mỹ, từng kêu gọi Washington tìm ra giải pháp tạm thời, có khả năng là sử dụng đến tàu chiến cũ hơn. Ông cho rằng, việc chính quyền Mỹ đặt quá nhiều niềm tin vào “vũ khí kỳ diệu” như tàu chiến không người lái là điều phi thực tế vào thời điểm hiện tại.
Theo nhà phân tích quân sự Brent Sadler, hải quân Mỹ cần thêm nhiều tàu để huấn luyện thủy thủ đoàn trong tương lai. Ông Brent Sadler nói thêm, việc thay thế toàn bộ số tàu khu trục nhỏ nên diễn ra khi có những phương tiện thay thế khả thi.
Chiến lược nâng cấp đội tàu của Trung Quốc
Trung Quốc có năng lực lớn trong đóng tàu hải quân. Nước này hiện có 13 nhà máy đóng tàu hải quân. Một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc có công suất lớn hơn cả 7 nhà máy đóng tàu hải quân của Mỹ cộng lại. Sở dĩ nhà máy đóng tàu của Trung Quốc có công suất lớn như vậy là do chiến lược kết hợp dân sự – quân sự, đóng đồng thời tàu chiến và tàu dân sự trong cùng một nhà máy.
Cách tiếp cận này cho phép ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc hoạt động hết công suất bất chấp suy thoái kinh tế, áp dụng nhiều kỹ thuật sản xuất hàng loạt tàu dân sự vào đóng tàu hải quân.
Bên cạnh đó, thực thi chiến lược kết hợp dân sự – quân sự, Trung Quốc sử dụng công nghệ đóng tàu dân sự tiên tiến vào chế tạo tàu chiến, đồng thời duy trì khả năng sản xuất số lượng lớn, trong khi “né” được các biện pháp trừng phạt.
Lĩnh vực công nghiệp quân sự của Trung Quốc đối mặt không ít khó khăn từ lệnh cấm của Mỹ. Những lệnh cấm vận này được đưa ra vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp tục dưới nhiệm kỳ người kế nhiệm Joe Biden. Những biện pháp của Mỹ buộc nhiều nhà đầu tư Mỹ phải rút khỏi các công ty Trung Quốc bị xem là có liên hệ với quân đội nước này.
Những công ty công nghiệp liên quan quân sự tại Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ lệnh cấm vận của Mỹ, ngành công nghiệp đóng tàu cũng không phải ngoại lệ. Trung Quốc phải nỗ lực tăng cường khả năng tự chủ trước đòn trừng phạt từ Washington.
Mỹ ‘hụt hơi’ trong cuộc đua phát triển tàu hải quân với Trung Quốc? – 3
Tuần dương hạm Type 055 Nanchang của Trung Quốc.
Hồi tháng 2, truyền thông cho hay, Trung Quốc sắp biên chế tàu khu trục Type 054B. Type 054B được đồn đại từ lâu, đây là tàu chiến nâng cấp lớn hơn và nhanh hơn so với tàu hộ vệ Type 054A. Tàu này được thiết kế để hoạt động cùng với tàu tuần dương Type 055 và tàu khu trục Type 052 cao cấp, vốn quá đắt đỏ để đóng với số lượng lớn.
Type 054B có kích thước gần bằng với tàu khu trục Type 052, thân tàu dài 147 m, dài hơn khoảng 8 m so với Type 054A. Kích thước và trọng lượng rẽ nước lớn giúp tàu có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu với thời gian dài hơn. Đây là nỗ lực cho thấy tham vọng của Trung Quốc nhằm sánh ngang với sức mạnh hải quân Mỹ.
Tàu chiến mới sẽ được trang bị radar mảng pha hiện đại và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng vốn được nhiều tàu khu trục Trung Quốc sử dụng.
Kích thước tăng lên cho phép tàu Type 054B có thể mang nhiều nhiên liệu hơn và dự trữ cho các đợt triển khai toàn cầu với thời gian dài. Điều này đảm bảo Trung Quốc triển khai dự án địa chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển”, đồng thời tích hợp khí tài và công nghệ mới, cho phép tàu này hoạt động như một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc.
Tàu Type 054B được thiết kế để hộ tống tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc và thay thế một số tàu chiến “đang lão hóa” như Type 054, khinh hạm Type 056 và một số tàu khác đã hoạt động hơn hai thập niên.
Type 055 được xem là tàu khu trục mạnh thứ hai thế giới sau tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ. Với cột buồm tích hợp và hệ thống radar cực mạnh để phát hiện và phòng thủ trước máy bay, tên lửa và tàu chiến địch đang lao tới, tàu khu trục Type 055 được mệnh danh là “vệ sĩ” của tàu sân bay Trung Quốc.