Monday, January 6, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNền kinh tế có độ mở lớn nên "các ông lớn hắt...

Nền kinh tế có độ mở lớn nên “các ông lớn hắt hơi”, Việt Nam cũng ảnh hưởng

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da, xuất khẩu gỗ… dự báo còn khó khăn hơn trong thời gian tới, do ảnh hưởng tình hình thế giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Ngành “tỷ đô” sẽ còn khó khăn hơn

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu vấn đề, sau dịch Covid-19, Việt Nam chịu sự tác động rất lớn, bất thường, khó dự báo từ xung đột Nga – Ukraine, lạm phát, chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn…

“Quy mô nền kinh tế với tiềm lực còn nhỏ bé nhưng độ mở lớn chịu tác động, chi phối mạnh từ bên ngoài. Khi các ông lớn “hắt hơi”, nước ta cũng bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng khái quát.

Trong bối cảnh đó, vị tư lệnh ngành lao động nhấn mạnh cần chú trọng tới “bà đỡ” là ngành nông nghiệp để bù đắp lại những khó khăn từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dung khuyến cáo, không chỉ với ngoại giao, mà trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội đều cần vận dụng nguyên lý “cây tre”.

Nhìn vào những con số cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng kết quả tăng trưởng GDP trong quý I/2023 đáng khích lệ song mức tăng còn thấp, nguyên nhân do tác động chung của kinh tế thế giới và sự khó khăn của các “đầu tàu” kinh tế trong nước, như TPHCM.

Động lực tăng trưởng lớn nhất với nền kinh tế là đầu tư công, song Bộ trưởng chỉ rõ thực trạng “có tiền mà không tiêu được”. Chậm giải ngân đầu tư công khiến kinh tế không phát triển như mong muốn. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau đại dịch chưa phục hồi trở lại.

“Chính sách lạm phát, thắt chặt tiền tệ, điều chỉnh lãi suất của FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) làm cho các nước nhỏ phụ thuộc trong chuỗi sản xuất, đơn hàng gặp khó khăn. Khi đơn hàng khó khăn, doanh nghiệp chắc chắn “khó thở”. Tôi đi kiểm tra nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, xuất khẩu gỗ… dự báo tình hình sẽ còn khó khăn hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng cho rằng cần giữ vững, vận hành đồng bộ 3 trụ cột cơ bản là kinh tế, môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, một trong 3 trọng tâm phải quan tâm là cải thiện năng suất lao động.

Nói về tình hình người lao động mất việc làm đang diễn ra, Bộ trưởng Lao động khẳng định trước hết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện là 2,25%, thấp so với thế giới. Lý do là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ đông đảo, việc làm được san sẻ.

Bộ trưởng đánh giá, mức thất nghiệp của thanh niên trên 7,5% là phù hợp vì thông thường, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3,5 lần.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng cần chú trọng phát triển bền vững và vấn đề quản trị quốc gia, doanh nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Việt Nam cần phải quan tâm đến chuyển đổi không gian.

Bộ trưởng nói: “Khi tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đô thị hóa cần xác định đích đến của nông thôn mới là đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa dẫn đến hàng loạt vấn đề xã hội liên quan như di cư lao động, thay đổi môi trường, phương thức làm việc…”.

Xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động

Tại đoàn TPHCM, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trăn trở về thực tế hiện nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương không đủ sống.

“Chúng tôi gặp rất nhiều người lao động đi làm đủ 30 năm, đóng đủ chế độ tiền bảo hiểm xã hội nhưng nhận lương hưu chỉ 2,5 triệu – 3 triệu/tháng, không đủ sống, lại phải đi làm thêm kiếm tiền mưu sinh”, ông Nhân chỉ rõ và đề nghị định hướng cải cách tiền lương cần xác định mục tiêu cụ thể với đời sống người lao động.

Ông Nhân nói, đất nước đã 48 năm thống nhất, kinh tế cũng phát triển nhiều thành tựu hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, đã đến lúc phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động.

Quan trọng nhất, phải xác định mức tiền lương tối thiểu làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình cần nuôi được gần thêm một người để họ còn chăm lo cho con cái, cha mẹ mình.

Phát biểu sau đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tăng lương không chỉ phụ thuộc vào cơ quan bảo hiểm cân đối, mà thực tế mức đóng bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp, nhưng muốn tăng lên không dễ.

Theo bà Lan, với mức đóng khá thấp như hiện nay và đã chia ra nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động mà đôi khi người phải đóng bảo hiểm xã hội còn “xù” mà cơ quan bảo hiểm không làm được gì.

Nữ đại biểu phàn nàn, không chỉ những người về hưu, ngay cả người đang lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường lương cũng không đủ sống.

“Chúng ta cứ cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, mỗi lần tăng thêm vài trăm ngàn cho một hệ số nhưng như vậy những người mới đi làm hệ số thấp nên số tiền tăng lên cũng không nhiều, đi làm không có tích lũy trong khi đây chính là lực lượng cần tích lũy để lo cho gia đình, cho con cái, nền tảng của xã hội tương lai”, bà Phong Lan lập luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới