Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ và chiến lược ứng phó với G7

TQ và chiến lược ứng phó với G7

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật cuối tuần qua, nhóm bảy cường quốc kinh tế (G7) đã chọn xong cách tiếp cận tổng thể với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã lập tức phát đi câu trả lời của họ.

Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh vào ngày 23-5.

Trong bản thông cáo chung về hội nghị tại TP Hiroshima hôm 20-5, G7 đề cập tới mọi vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ với Trung Quốc, từ tình hình Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan cho tới yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông… Tuy nhiên, thay đổi đáng chú ý nhất nằm ở lĩnh vực kinh tế.

Không còn “tách ly kinh tế”

Cả bảy thành viên G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ) đều có quan hệ hợp tác kinh tế sâu sắc với Trung Quốc. Lợi ích kinh tế khiến G7 gặp nhiều khó khăn trong chiến lược “tách ly” khỏi Trung Quốc trước đây.

Đó có thể là lý do dẫn tới sự điều chỉnh về câu chữ trong thông cáo chung của G7: “Cách tiếp cận về chính sách của chúng tôi không nhằm phương hại tới Trung Quốc hay tìm cách ngăn sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc… Chúng tôi sẽ không tách ly hay co cụm. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy sức dẻo dai của nền kinh tế đòi hỏi phải giảm rủi ro và đa dạng hóa…”.

Giới quan sát cho rằng G7 đã trở nên thực tế hơn khi khẳng định không “tách ly” và thay vào đó là “giảm rủi ro” khi hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đây được cho là cách tiếp cận mềm mỏng hơn, phù hợp hơn để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích an ninh và lợi ích kinh tế khi giao thương với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Việc tách ly, xét từ mọi quan điểm, là rất quyết liệt và không thực tế. Giảm rủi ro có vẻ là thuật ngữ hợp lý về mặt chính trị hơn so với tách ly” – GS Gordon Flake, tổng giám đốc Trung tâm Perth USAsia (ĐH Tây Úc), nói với kênh truyền hình Channel News Asia.

“Giảm rủi ro” thực chất cũng song hành với cụm từ “cưỡng ép kinh tế” mà G7 dành cho Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo ra “sự cưỡng ép” về mặt chính trị.

Đây là điều một số nền kinh tế đã trải qua. GS John Blaxland (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, ĐH Quốc gia Úc) cho rằng việc giảm lệ thuộc vào Trung Quốc là điều được rút ra từ những trường hợp gặp thất bại nặng nề sau khi quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh trục trặc.

Ông Blaxland, một chuyên gia về tình báo và an ninh quốc tế người Úc, lấy ví dụ việc Tập đoàn Lotte phải rút khỏi Trung Quốc sau khi lỗ nặng, trùng với một xung đột ngoại giao năm 2017. Ngoài ra, bản thân Úc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt xuất khẩu của Trung Quốc sau khi hai bên căng thẳng về ngoại giao.

Đáp án từ Nga và châu Âu

Trung Quốc đã đáp trả gay gắt các tuyên bố liên quan của G7, không chỉ bằng lời nói. Tuần liền kề sau khi G7 kết thúc, đã có hai sự kiện đối ngoại quan trọng diễn ra ở Trung Quốc.

Hôm 24-5, ngày cuối trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký hàng loạt thỏa thuận về hợp tác đầu tư, đồng thời ca ngợi quan hệ song phương Nga – Trung đang ở mức “cao chưa từng thấy”.

Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục diễn tả kịch bản “Nga – Trung đối đầu với phương Tây”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích G7 về việc “răn đe” Nga và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc các lãnh đạo G7 “cản trở hòa bình quốc tế”, cho rằng nhóm này cần thay đổi và nghĩ về cách hành xử của mình.

Mối quan hệ tốt đẹp với Nga được đánh giá là đòn bẩy của Trung Quốc trong việc ứng phó với phương Tây, đặc biệt các nước châu Âu. Con bài quan trọng trong chiến lược này là Ukraine.

Theo AP, Trung Quốc có vẻ muốn cải thiện quan hệ với các nước châu Âu và thậm chí có khả năng chia tách một số nước khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Giới phân tích chính trị nhận định đây là một phần trong động cơ của Bắc Kinh khi quyết định gửi đặc sứ tới thảo luận về giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Ngày 23-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã nhắn nhủ Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra về việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip. Ông Tần cho rằng việc ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ này với lý do an ninh là không có cơ sở và có thể gây hại cho quan hệ với Trung Quốc.

Hà Lan, Mỹ và Nhật Bản đã hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, điều này thường được hiểu là một phần trong chính sách kêu gọi tách ly Trung Quốc về công nghệ. Hiện nay, bên cạnh Đài Loan, Hà Lan cũng là quốc gia quan trọng trong cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu với đại diện lớn nhất là Công ty ASML. Bản thân ASML và TSMC (Đài Loan) dĩ nhiên không muốn bị đặt vào thế phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới