Chiều 26/5, tại trụ sở Thượng viện Pháp đã diễn ra cuộc hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 20 diễn giả là học giả, giáo sư, luật gia, nhà báo tại Pháp và châu Âu cùng hàng chục quan khách quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Hội thảo Biển Đông “Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu” được chia làm 4 phiên thảo luận với các chủ đề: Không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới ánh sáng của luật biển UNCLOS 1982; Biển Đông – Tâm điểm về an ninh; Biến đổi khí hậu – Nhân tố khủng hoảng mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Một sân khấu chính trị khu vực đa dạng và vai trò của Pháp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện EGA – ông Alexandre Negrus cho biết một trong những lý do Viện EGA tổ chức hội thảo về Biển Đông là xuất phát từ bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới đang biến đổi sâu sắc, trong đó Biển Đông là khu vực luôn tiềm ẩn những nguy cơ và có thể trở thành điểm “nóng” mới của thế giới, nhất là sau khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra cùng những leo thang căng thẳng tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây.
Theo ông Alexandre Negrus, các nước phương Tây trong đó có Pháp cần nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông trước những nguy cơ và thách thức này. Ông Alexandre Negrus cũng bày tỏ hy vọng Hội thảo có thể cung cấp các thông tin cần thiết, chính xác trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), góp phần làm giảm bớt nguy cơ căng thẳng.
Tại Hội thảo, các tham luận đã cập nhật các thông tin về tình hình Biển Đông, đưa ra cảnh báo về những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra sau cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, sự cần thiết tôn trọng và thực thi Luật biển UNCLOS 1982 và các cam kết của các nước trong khu vực như Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC).
Các ý kiến cũng kêu gọi Pháp, EU và thế giới cần phát huy vai trò trong việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với các quốc gia trong khu vực.
Một nội dung mới đáng chú ý tại hội thảo này là biến đổi khí hậu giờ đây cũng được khẳng định là một nhân tố khủng hoảng tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bối cảnh dư luận Pháp đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
T.P