Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiỨng xử sao trước làn sóng TikTok tại Việt Nam và trên...

Ứng xử sao trước làn sóng TikTok tại Việt Nam và trên thế giới?

TikTok là một trong những nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện nay, với hơn 800 triệu người dùng. Đây là đứa con tinh thần của Trương Nhất Minh và công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc), ra mắt vào năm 2017. Ứng dụng này được thiết kế cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc với các tính năng tương tự như ứng dụng Douyin trong Đại Lục, cho phép người dùng tạo ra các video ngắn có nội dung đa dạng, từ khiêu vũ, hát nhép đến hài kịch, nấu ăn… trong khoảng thời gian từ 3 giây đến 10 phút. TikTok đã trở nên phổ biến khắp toàn cầu kể từ khi ByteDance hợp nhất với Musical.ly của Mỹ vào ngày 02/8/2018.

Mỹ hiện là quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, bất chấp những quan ngại sâu sắc của giới chức nước này về các nguy cơ xâm hại đến an ninh quốc gia.

Với ưu thế vượt trội trong việc hiển thị thông tin một cách súc tích, nhanh chóng bằng hình ảnh trực quan, sinh động; TikTok giúp người dùng thoả sức sáng tạo và tiếp cận thông tin trong một khoảng thời gian ngắn, liên tục. Thông qua kho dữ liệu đồ sộ đó, TikTok đã tạo ra một mạng lưới kết nối khổng lồ trên khắp thế giới, giúp người dùng dễ dàng nằm bắt được những nội dung cần thiết phục vụ cho nhu cầu học tập, công việc, giải trí… của bản thân. Bên cạnh đó, TikTok còn sử dụng thuật toán gợi ý người dùng xem thêm những video có nội dung tương tự, khiến họ khó “cưỡng lại” được sự hấp dẫn và cảm giác gắn bó với nền tảng này. Sở hữu những tính năng khác biệt so với các mạng xã hội thông thường, TikTok đang ngày càng trở nên phổ cập, thông dụng. Đây được xem là công cụ phục vụ đắc lực cho việc quảng cáo, mua bán trên mạng Internet, trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhà bán hàng hiện nay. Không những thế, người trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên, đã trở thành một trong những nhóm người dùng TikTok đông đảo với tần suất lớn nhất toàn cầu. Thống kê ở Mỹ cho thấy, năm 2019, thời gian sử dụng TikTok của trẻ em và thanh thiếu niên nước này trung bình là 38 phút/ngày. Đến năm 2020, con số đó đã tăng lên 75 phút/ngày và năm 2021 là 91 phút/ngày. Có đến 20% người dùng thuộc lứa tuổi Gen Z (sinh năm 1997 – 2015) sử dụng TikTok trên 5 tiếng/ngày, ở mức cao nhất trong tất cả các nền tảng ứng dụng tại Mỹ.

Mặc dù TikTok có những lợi ích không thể phủ nhận, song mặt trái của việc sử dụng nền tảng này cũng không nhỏ, dẫn đến những hệ luỵ phức tạp cho cả người dùng lẫn quốc gia mà nó phủ sóng. Hiện nay, rất nhiều nước đã lên án, cáo buộc TikTok thu thập thông tin người dùng, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đặc biệt là các nước phương Tây. Trong đó, Mỹ là quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với hơn 113,3 triệu người. Số lượng người dùng TikTok tại Mỹ đã tăng vọt chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, khiến nhiều nền tảng mạng xã hội khác của nước này như Facebook, Instagram, Youtube… phải “đứng ngồi không yên” vì lo ngại đánh mất thị trường ngay trên chính quê hương mình. Cuối năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cấm cài ứng dụng TikTok trên các thiết bị của Chính phủ. Ngày 23/3/2023, Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew đã ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ về việc Tiktok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc. Ngày 14/4 vừa qua, Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok trên tất cả các thiết bị cá nhân do lo ngại về vấn đề an ninh, bảo mật. Tại châu Á, Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm TikTok và hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc từ tháng 1/2021 nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân nước này. Dự tính trong tương lai, nhiều quốc gia khác cũng sẽ tiếp tục cân nhắc về việc cấm ứng dụng TikTok với lí do tương tự.

Mặt trái thứ hai của Tiktok chính là rủi ro về việc truyền tin giả, tin độc hại, thậm chí dung túng cho các hình thức tội phạm, lừa đảo, đe doạ tài sản, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người dùng. Với những tính năng độc đáo nói trên, TikTok rất dễ “nuông chiều” sự quảng bá bản thân thái quá ở người sử dụng, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên. Thông qua cơ chế bảo mật, quản lý thông tin lỏng lẻo của TikTok hiện nay, người dùng hoàn toàn có thể “khai khống” độ tuổi khi đăng kí sử dụng nền tảng này để tài khoản của mình tiếp cận được nhiều người hơn, trở nên “nổi tiếng” nhanh chóng hơn. Chính vì “kẽ hở” nói trên mà người dùng nhỏ tuổi dễ dàng tiếp xúc với các thông tin độc hại, không phù hợp với lứa tuổi, dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao. Hơn thế nữa, mặc dù TikTok cho phép người dùng tuỳ ý tạo tác và chia sẻ một lượng video, hình ảnh không giới hạn với lượng thông tin khổng lồ; song bản thân ứng dụng này vẫn chưa có một cơ chế kiểm tin chặt chẽ, dẫn đến sự lan truyền thông tin thiếu kiểm soát, góp phần phát tán các tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, thậm chí có tính chất tội phạm, mà rủi ro lớn nhất lại nhắm vào đối tượng người dùng trẻ em, thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó, do bản chất của Tiktok là đánh vào tâm lý “khát thông tin” của người dùng mạng xã hội, thu hút họ sử dụng liên tục trong một thời gian dài, dẫn đến hiệu quả công việc, học tập và chất lượng sống của người dùng Tiktok giảm sút rõ rệt. Việc “nghiện” Tiktok không những khiến học sinh, sinh viên sao nhãng học tập mà còn hình thành ở các em thói quen chây ì, lười vận động, lười tư duy, ít giao tiếp với người thân, bạn bè, dẫn đến nhiều rối loạn về tâm sinh lý và hành vi ứng xử khác.

Tất cả những yếu tố nguy cơ kể trên có thể gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và tình hình văn hoá, xã hội, an ninh đất nước nói chung.

Tại Việt Nam, TikTok cũng là trong những một ứng dụng đang rất thịnh hành và phổ biến. Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 50 triệu người. Theo số liệu của DataReportal, tháng 2/2023, ở Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet và có đến 64% trong số đó đang sử dụng TikTok. Cũng theo DataReportal, với 70 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, lượng người dùng TikTok đã chiếm đến 71,2%. Đây là một con số không hề nhỏ, chứng tỏ TikTok đang có tầm ảnh hưởng rất lớn ở nước ta.

Do đó, Nhà nước cần có những biện pháp kịp thời để quản lý việc sử dụng TikTok của người dân, như đã triển khai với Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Sắp tới, nước ta cần huy động một đội ngũ các nhà khoa học ở các ngành nghề, lĩnh vực liên quan tham gia nghiên cứu, thảo luận, báo cáo đầy đủ về xu hướng sử dụng TikTok ở nước ta hiện nay, từ đó tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất những chính sách, biện pháp phù hợp nhằm hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng này nói riêng và các nền tảng, mạng xã hội khác nói chung sao cho hợp lý, thiết thực; tránh các tác động xấu và các nguy cơ, rủi ro không đáng có nảy sinh trên không gian mạng.

Đối với xã hội, chính mỗi người Việt Nam cũng cần nhận thức được những mặt thuận lợi lẫn mặt trái của TikTok để tiếp nhận và cung cấp thông tin một cách có chọn lọc. Cần đề cao cảnh giác và trang bị một chiếc “màng lọc” nhằm phân biệt, lựa chọn đúng những kênh thông tin chính thống, nội dung lành mạnh; đồng thời lên án những thông tin độc hại để quản trị viên có thể nhanh chóng can thiệp, gỡ bỏ, giúp cộng đồng mạng tránh xa các kênh xấu, làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng Internet tại Việt Nam và trên thế giới. Đối với việc tham gia TikTok của trẻ em và thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh, giáo viên và Nhà trường cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ; không để các em tự ý dùng điện thoại và các thiết bị điện tử có kết nối Internet một cách thiếu kiểm soát về cả nội dung lẫn thời lượng sử dụng. Bân cạnh đó, Nhà trường và gia đình cần phối hợp tổ chức các buổi toạ đàm, hướng dẫn học sinh kĩ năng sử dụng Tiktok và mạng xã hội, Internet một cách hiệu quả, đúng đắn, hỗ trợ cho các hoạt động học tập, giải trí lành mạnh; giúp các em biết cách xây dựng một môi trường Internet an toàn cho chính mình và cho cộng đồng, đồng thời biết bảo vệ bản thân trước những nguy cơ từ tin giả, tin sai, nội dung độc hại.

Nhìn chung, TikTok là một nền tảng sáng tạo và chia sẻ nội dung phong phú, sở hữu những tính năng không thể phủ nhận; song mặt khác, ứng dụng này cũng tiềm tàng nhiều rủi ro về an ninh, trật tự xã hội do những lỗ hổng trong khâu kiểm soát, quản lý thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Trước tình hình hiện nay, khi các nước đang lên án và có xu hướng cấm sử dụng ứng dụng này, nước ta sắp tới cũng nên cân nhắc, củng cố các nội dung trong Luật An ninh mạng để quản lý TikTok một cách chặt chẽ và thận trọng hơn. Đặc biệt, chúng ta cũng cần giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên các kiến thức, kĩ năng sử dụng TikTok và mạng xã hội sao cho hiệu quả, lành mạnh nhằm đảm bảo an toàn cho các em khi tham gia môi trường Internet. Chính mỗi người dân Việt Nam sẽ là một “chiến binh” sẵn sàng lên án, xua tan những thông tin tiêu cực, độc hại để xây dựng một cộng đồng mạng thân thiện, trong sạch và văn minh hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới