Friday, January 24, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐi làm ảo – Bệnh của người thất nghiệp

Đi làm ảo – Bệnh của người thất nghiệp

Tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Sau khi mất việc, nhiều người từng là nhân viên cổ cồn trắng (nhân viên văn phòng, lao động trí thức) vẫn tiếp tục giả vờ đi làm mỗi ngày để giấu gia đình. Điểm đến quen thuộc của họ là các cửa hàng cà phê như Starbucks, v.v. Gần đây, chủ đề “Starbucks đông nghịt những người không đi làm” đã trở thành một chủ đề được bàn luận sôi nổi trên Internet Trung Quốc.

Quang cảnh bên trong một quán cà phê Starbucks ở Bắc Kinh, Trung Quốc chụp vào ngày 3/5/2020.

Kể từ đầu năm nay, do kinh tế Trung Quốc suy thoái, tình trạng sa thải nhân viên trong các ngành khá phổ biến, bao gồm cả một bộ phận lao động trí thức. Sau khi mất việc, nhiều người cảm thấy xấu hổ khi phải đối mặt với gia đình, họ bắt đầu chọn Starbucks và những địa điểm khác làm “nơi ẩn náu”. Hàng ngày, họ lui tới các quán cà phê, thư viện hay hiệu sách để lướt Internet, “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi, hoặc đơn giản là giết thời gian và tạm thời trốn tránh thực tế phũ phàng.

Gần đây, sau khi tài khoản WeChat công chúng (WeChat Official Account, tương tự Fanpage trên Facebook) có tên “Shenran Finance and Economics” đăng tải thông tin và thảo luận về hiện tượng này, nó đã thu hút sự đồng cảm và chú ý của nhiều người.

Tác giả của bài viết gần đây đã có chuyến đi thực địa tới Starbucks và những nơi khác, sau đó đăng một bài viết vào hôm Chủ nhật tuần trước (ngày 28/5). Bài viết mô tả hoàn cảnh của một số cựu nhân viên văn phòng đã “đóng quân trường kỳ” trong các quán cà phê cũng như nội tâm dằn vặt, lo lắng của họ khi hàng ngày phải giả vờ đi làm ở những nơi trông có vẻ như rất “sang chảnh, cao cấp”.

Anh Lý Hải (Li Hai), vừa tròn 30 tuổi, từng làm việc trong bộ phận thương mại điện tử của một công ty Internet ở Bắc Kinh. Vào đầu tháng Bốn năm nay, để cắt giảm chi phí, công ty đã bãi bỏ bộ phận thương mại điện tử và hậu quả là hàng chục nhân viên bị mất việc làm. Trong nhà anh Lý Hải, trên có cha mẹ già, dưới có con thơ, anh còn đang nợ tiền mua nhà, mua ô tô, giờ đây lại đột nhiên gặp phải “cơn khủng hoảng tuổi trung niên” mà không kịp trở tay. Vì không muốn chuyển áp lực này lên gia đình nên anh chọn cách tiếp tục hàng ngày giả vờ đi làm, ra quán cà phê gần nhà để “ngồi làm việc”.

Khi được phỏng vấn, Lý Hải tiết lộ rằng ngày nào anh cũng đến quán cà phê trước 10h sáng và đến 6 – 7h chiều mới về nhà. Thông thường, buổi sáng anh sẽ đọc tất cả các loại tin tức trên Internet, buổi chiều mới bắt đầu sửa và nộp hồ sơ xin việc, cuối cùng anh dành 2- 3 tiếng đồng hồ để đọc sách hoặc tổng kết một số kinh nghiệm và tâm đắc trước đây của bản thân.

Lý Hải nói rằng anh đã thất nghiệp hơn một tháng, cũng đã gửi hàng trăm bộ hồ sơ xin việc nhưng chỉ có 5, 6 công ty gọi phỏng vấn. Sau khi trò chuyện, chỉ có 1 công ty có ý định tuyển anh, mức lương mà họ có thể trả chỉ bằng khoảng 50% mức lương trước đó của anh, nhưng cuối cùng bên kia đã không gửi thông báo đi làm cho Lý Hải.

Anh nói: “Tôi cảm thấy như, mình đang ở trong một quán cà phê và mỗi ngày đều bị nuốt chửng bởi sự lo lắng và hoang mang”. Lý Hải cho biết thêm, có rất nhiều người đang trong tình trạng tương tự như anh, “Trước kia mọi người đến quán cà phê là để xã giao, nhưng hiện giờ ngày càng có nhiều người tự mang laptop của mình tới ngồi”.

Anh kể, khi ngồi trong quán cà phê, thỉnh thoảng anh thấy những người bàn bên đang dùng laptop chỉnh sửa sơ yếu lý lịch. Có những lúc ra ngoài hút thuốc, anh lại gặp những người trung niên cũng đến “giả vờ đi làm”, trong đó có những người còn tìm quán cà phê xa nhà để tránh bị người nhà phát hiện.

Anh Lý Hải cho biết, dường như vợ anh đã nhận ra điều bất thường: “Chỉ là cô ấy chưa nói chuyện nghiêm túc với tôi thôi”. Anh nói rằng đôi khi anh ấy hối hận vì đã tự thêm quá nhiều đòn bẩy cho bản thân khi đang có thu nhập ổn định. Anh dự định tìm thời điểm thích hợp để nói chuyện với gia đình, sau đó giảm bớt một số chi tiêu trong nhà để vượt qua khó khăn hiện tại.

Một “cổ cồn trắng” khác làm quản lý thị trường ở Bắc Kinh vẫn chưa tìm được công việc phù hợp kể từ khi công ty của anh sa thải nhân viên vào tháng 12 năm ngoái. Đây là lần thứ ba anh rơi vào “khoảng trống việc làm” trong những năm gần đây, và lần nào anh cũng trốn vào một quán cà phê để giả vờ đi làm.

Lưu Kim Nhãn (Liu Jinyan), 35 tuổi, tiết lộ rằng 80% nhân viên trong bộ phận tiếp thị của công ty mà anh đang làm trước đó đã bị sa thải. Khi ấy Trung Quốc vừa mở cửa sau 3 năm dịch bệnh, anh không muốn để những áp lực và lo lắng này ảnh hưởng tới gia đình nên đã không nói với họ rằng anh đang thất nghiệp. Sau đó, anh bắt đầu chuỗi ngày giả vờ đi làm, sáng nào anh cũng ra ngoài như thường lệ để đi phỏng vấn hoặc tìm một quán cà phê ngồi cho qua ngày.

Anh Lưu nói rằng, ngày đầu tiên anh đã đến quán cà phê có không gian rộng nhất ở gần nhà, nhưng càng tới đó nhiều thì anh lại càng lo lắng rằng mình sẽ bị coi như kẻ vô công rồi nghề và sẽ gặp phải những ánh mắt soi mói, vì vậy anh không ngừng “trải nghiệm những địa điểm mới”. Anh Lưu từng đến cả phòng tự học có trả phí, không gian làm việc chung (Co-working Space), trung tâm mua sắm, quảng trường, cửa hàng thức ăn nhanh, v.v. So ra thì anh nghĩ quán cà phê vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.

Anh Lưu tiết lộ rằng, hồi đầu mỗi ngày anh đều gọi đồ uống trong quán cà phê và dùng bữa trưa ở đó. Sau đó, để tiết kiệm tiền, anh đã chuyển sang chỉ uống một tách cà phê hoặc chỉ ăn một bữa ở đó. Anh thậm chí còn từng mang một chiếc bánh mì kẹp thịt đến một quán cà phê, nhưng đã bị nhân viên chặn lại vì hầu hết các quán cà phê đều không cho phép mang đồ ăn bên ngoài vào.

Anh nói, một ngày ngồi trong quán cà phê cũng không thoải mái gì, ngược lại còn lo lắng hơn. Thậm chí anh ấy thường cảm thấy “Sao thời gian trôi chậm thế?”, “Sao còn chưa đến giờ tan sở?”.

Trong thời gian “ngồi làm” trong quán cà phê, anh Lưu đã có cuộc phỏng vấn với rất nhiều công ty và cuối cùng để có được một công việc anh đã phải chấp nhận cắt giảm ít nhất 20% tiền lương so với mức lương ở công ty trước. Anh thở dài: “Lần này tìm việc khó hơn rất nhiều so với hai lần trước, ngành thị trường cũng không tốt lắm”.

Tĩnh Kinh (Jing Jing) 28 tuổi, vốn là một nhân viên quản lý trong ngành công nghệ thông tin (IT). Vì không thể chịu nổi nỗi khổ “suốt ngày bị thúc giục cái này, quản lý cái kia” ở nơi làm việc nên cô đã kiên quyết ‘dứt áo ra đi’. Vì lo gia đình biết chuyện, áp lực tìm việc của cô sẽ càng gia tăng nên cô bắt đầu “giả vờ đi làm”.

Tĩnh Kinh cho biết từ thứ Hai đến thứ Sáu, cô sẽ ra ngoài và về nhà theo giờ đi làm thông thường. Có khi cô đến thư viện, quán cà phê, có lúc đi phỏng vấn, khi về muộn cô sẽ nói rằng do phải tăng ca. Nếu như khi đã về nhà mà vẫn phải phỏng vấn online với người của bộ phận nhân sự, hoặc muốn trò chuyện với bạn bè về chủ đề tìm việc làm, cô sẽ nói với gia đình rằng đang tiếp tục “tăng ca hoặc họp online”.

Cô nói rằng, cô đã tìm thấy rất nhiều quán cà phê trên Internet, đôi khi cô sẽ đến những quán quen thuộc, đôi khi cô sẽ đến một số quán mới mà bản thân muốn thử. Cô đã từng đến rất nhiều quán cà phê thích hợp để ngồi làm việc, thậm chí có những quán hễ đến muộn là khó tìm được chỗ ngồi.

Tĩnh Kinh cũng phát hiện ra rằng, hiện nay ở các không gian chung trong hiệu sách hay các quán cà phê cũng có không ít người trung niên. Bản thân cô cũng rất tò mò: “Họ cũng giống mình, không có việc làm nên hàng ngày phải ra quán cà phê ngồi sao?”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới