Mỹ đã sẵn sàng cho xung đột ngoài vũ trụ sau khi phát triển các công nghệ diệt vệ tinh để đối phó với mối đe dọa từ các nước như Nga và Trung Quốc, theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ.
Theo chuẩn tướng Jesse Morehouse của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, sự gây hấn của Nga và tầm nhìn của Trung Quốc về việc trở thành cường quốc không gian hàng đầu vào giữa thế kỷ này đã khiến Washington “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc chuẩn bị cho các cuộc giao tranh ngoài vũ trụ.
“Mỹ sẵn sàng chiến đấu trong không gian ngay tối nay nếu chúng tôi phải làm thế”, ông Morehouse nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở London (Anh) mới đây, theo tường thuật của báo The Guardian ngày 28.5.
“Nếu ai đó đe dọa Mỹ, hoặc bất kỳ lợi ích nào của chúng tôi, kể cả lợi ích của các đồng minh và đối tác mà chúng tôi có hiệp ước hỗ trợ phòng thủ chung, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”, vị tướng Mỹ cho hay.
Vệ tinh hiện diện trong rất nhiều mặt của cuộc sống hiện đại và rất quan trọng đối với hoạt động quân sự thông qua các vai trò như thu thập thông tin tình báo, liên lạc, điều hướng và chỉ đường. Song sự phụ thuộc quá mức vào vệ tinh có nghĩa là một cuộc tấn công vào các mạng lưới như vậy của một quốc gia có thể gây ra hậu quả to lớn.
Không gian: chiến trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc
Bốn quốc gia bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga đã thử nghiệm khả năng diệt vệ tinh bằng cách phá hủy vệ tinh của chính họ với tên lửa bắn từ mặt đất. Tuy nhiên, những vụ thử nghiệm như vậy, mà Mỹ đã đơn phương cấm vào năm ngoái, tạo ra những đám mây mảnh vụn khổng lồ khiến các vệ tinh khác gặp nguy hiểm trong nhiều thập niên.
Đối mặt với cuộc chạy đua không gian mới, tướng Morehouse cho biết Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ diệt vệ tinh “không phải vì chúng tôi muốn chiến đấu tối nay, mà bởi vì đó là cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột xảy ra”, đồng thời nói rằng Mỹ sẽ làm như vậy “mà không cần tham gia vào các thử nghiệm vô trách nhiệm”.
Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo phi thuyền có tiến hành các hoạt động diệt vệ tinh. Năm 2020, Mỹ cáo buộc Nga phóng một quả đạn từ một trong hai vệ tinh đang theo dõi một vệ tinh do thám của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh với cánh tay robot có khả năng tóm lấy các vệ tinh khác, cũng như nghiên cứu cách đặt chất nổ vào vòi đẩy của các vệ tinh đối thủ. Chất nổ được thiết kế để không bị phát hiện trong thời gian dài và khi phát nổ sẽ giống như một sự cố động cơ không có chủ đích.
“Chúng tôi có nhiều năng lực khác nhau… và sẽ tiếp tục phát triển các năng lực cho phép chúng tôi duy trì tư thế răn đe đáng tin cậy”, ông Morehouse nói.
Nga có tìm cách triệt hạ vệ tinh Starlink của SpaceX?
Theo vị sĩ quan, một trong những bài học từ xung đột Nga – Ukraine là hệ thống vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk cho thấy sự bền bỉ như thế nào. Mạng lưới bao gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ trên quỹ đạo thấp của trái đất, dễ dàng thay thế và cập nhật để chống lại các mối đe dọa mà chúng phải đối mặt.
“Liên lạc thông qua vệ tinh ngày càng trở nên phổ biến trong quân đội của nhiều nước, và vì vậy việc chống lại chúng là điều mà nhiều quốc gia quan tâm”, ông cho hay.