Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThảm họa tàu ngầm 361 TQ-những cái chết đầy bí ẩn của...

Thảm họa tàu ngầm 361 TQ-những cái chết đầy bí ẩn của thủy thủ đoàn 2003

Biển Bột Hải – vùng biển nằm ở phía Đông Bắc (Trung Quốc), gần bán đảo Triều Tiên đang có một ngày sóng yên gió lặng. Vào cuối tháng 04 năm 2003 (25/04/2003), khi các ngư dân Trung Quốc đang ra khơi, họ bất ngờ phát hiện một thứ gì đó to lớn màu đen bên dưới mặt nước. Nó to lớn hơn tất cả những con cá mà họ đã từng thấy và rồi những ngư dân này đã nhanh chóng nhận ra rằng: đó không phải là cá mà chính là thiết bị “kính tiềm vọng” cỡ lớn.

Tàu ngầm 361.

Ngay sau đó, các ngư dân này thông báo hiện tượng bất thường nói trên cho quân đội, lập tức Hải quân Trung Quốc đã cử hai tàu đến điều tra với nghi ngờ, đây có thể là ống ngắm từ tàu ngầm Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Khi các chiến hạm tới nơi, thủy thủ tàu chiến Trung Quốc ngỡ ngàng nhận ra đây là chiếc “kính tiềm vọng” của một tàu ngầm diesel điện trong biên chế của họ. Loại tàu ngầm lớp Type 035G Ming III mang số hiệu 361.

Ngày 26/4/2003, khi mở được cửa và tiến vào bên trong tàu ngầm, họ phát hiện toàn bộ 70 người có mặt trên chiếc tàu ngầm xấu số, đều “gục chết” tại vị trí làm việc của mình mà không hề có dấu hiệu đau đớn, vật vã. Sau khi kiểm tra sơ bộ, chiếc tàu ngầm không có bất kỳ thiệt hại nào. Sau đó con thuyền được kéo trở lại căn cứ Lữ Thuận để tiến hành khắc phục hậu quả và phân tích nguyên nhân sự cố.

Thông tin chấn động về chiếc kính tiềm vọng cỡ lớn bất thường trên biển lan ra khắp các cảng cá trong vịnh Bột Hải nhỏ bé và len lỏi vào từng câu chuyện. Nhưng tuyệt nhiên không ai biết chuyện về con tàu gặp nạn cho tới khi quân đội Trung Quốc lên tiếng thừa nhận.

Cụ thể là vào 02/05/2003, chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đã ra tuyên bố thừa nhận tàu ngầm số hiệu 361 gặp nạn vào ngày 16/4/2003, khi đang tham gia diễn tập, là một trong những thảm họa quân sự thời bình tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông Giang đã tôn vinh sự hy sinh của các thủy thủ và cho biết chiếc tàu ngầm gặp nạn vì sự cố kỹ thuật, nhưng lại không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Thực tế, câu chuyện khởi nguồn từ đầu tháng 4/2003, tàu ngầm mang số hiệu 361 của Trung Quốc đã tham gia cuộc diễn tập hải quân trên biển Bột Hải. Theo dữ liệu hải trình, từ ngày 16/04/2003, tàu ngầm 361 bắt đầu di chuyển trong im lặng từ trường đảo về căn cứ tại Uy Hải (Sơn Đông) và con tàu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn, được cho là đã gặp thảm kịch chính trong ngày hôm đó. Được biết, vào thời gian này Trung Quốc cũng đang tăng cường huấn luyện tàu ngầm ở phía Đông, nhằm thực hiện chính sách cự tuyệt trên biển, chống lại hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh của Hoa Kỳ. Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận dài ngày, kéo dài khoảng 45 đến 60 ngày trên biển, chiếc tàu ngầm có thể đã gặp nạn tới gần 10 ngày trước khi được phát hiện, vì nó đang trong một cuộc tập trận im lặng, không liên lạc nên không ai từ thế giới bên ngoài có thể phát hiện ra vụ tai nạn kịp thời. Nhật ký trên thuyền chỉ đến ngày 16/04/2003 và người ta tin rằng: họ đã chết vào ngày đó.

Về bản chất, tàu ngầm số hiệu 361 là một chiếc nằm trong lớp Type 035G Ming III, thuộc lữ đoàn tàu ngầm số 12, trực thuộc hạm đội Bắc Hải và căn cứ đóng tại tỉnh Liêu Ninh, Type-035 Ming thuộc lớp tàu ngầm diesel điện thế hệ thứ hai tương đối lạc hậu lúc bấy giờ, được thiết kế dựa trên lớp tàu Romeo của Liên Xô. Trung Quốc đã chế tạo 2 tàu ngầm Type 035 đầu tiên vào năm 1975 nhưng chúng rất dễ bị phát hiện so với các tàu ngầm của Nga và Mỹ, bởi nó phát ra tiếng ồn rất lớn trong lòng biển. Do không tiếp cận được với công nghệ đóng tàu ngầm hiện đại, đến thập niên 1990, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng những chiếc tàu ngầm lớp Ming. Chúng được chế tạo với một số cải tiến, đặc biệt là về giảm tiếng ồn, vũ khí cảm biến, khả năng chống tàu ngầm và độ an toàn của thủy thủ đoàn. Phiên bản Type 035G Ming III, được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Trung Quốc (1995) có khả năng tấn công các tàu ngầm đối phương bằng ngư lôi. Dẫu vậy, dù sở hữu nhiều tàu ngầm diesel điện vào thời điểm đó, nhưng do chất lượng còn chưa cao nên Trung Quốc hiếm khi mạo hiểm triển khai chúng ra các vùng biển xa bờ.

Tàu ngầm 361 có thủy thủ đoàn là 55 người, nhưng khi gặp nạn trên tàu lại có tới 70 người. Hải quân Trung Quốc cho biết: 15 người ngoài biên chế này là các nhân viên thuộc học viện hải quân. Trong số các nạn nhân còn có Phó đề đốc Trình Phúc Minh, đồng thời là phó giám đốc học viện hải quân Trung Quốc-người có quân hàm cao hơn so với hạm trưởng tàu ngầm. Giới chuyên gia quân sự trong và ngoài Trung Quốc đều rất bất ngờ trước vụ tai nạn. Mọi thông tin về vụ tai nạn đều là con số 0, danh tính những ngư dân phát hiện xác tàu đều giấu kín. Nhưng đó có thật sự là 1 bài huấn luyện bình thường? Một lỗi kỹ thuật như tuyên bố? Và 15 người không phải biên chế của tàu 36 liệu có đơn giản chỉ là nhân viên học viện Hải quân? Hàng đống câu hỏi đã được đặt ra nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng của quân đội Trung Quốc.

Sau thảm kịch, một cuộc điều tra đã được bí mật thiết lập do Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng đứng đầu. Kết quả dẫn tới sự ra đi của một loạt quan chức cấp cao, Tư lệnh và Chính ủy Hạm đội biển Bắc của Trung Quốc bị cách chức, 8 sĩ quan khác bị giáng cấp hoặc cách chức do vi phạm trong công tác chỉ huy. Đây được xem là vụ kỷ luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Hải quân Trung Quốc, càng khiến người ta nghi ngờ về lý do thực sự của vụ tai nạn. Thậm chí còn có tin đồn cho rằng: Ông Giang Trạch Dân đã mượn gió bẻ măng, lợi dụng cuộc thanh trừng này để triệt tiêu Tư lệnh Hải quân-đô đốc Thạch Vân Sinh để cho Trương Định Pháp lên làm tư lệnh viện Hải quân, nhằm thực hiện những âm mưu trong cuộc đấu đá giữa ông này với chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm lúc đó là Hồ Cẩm Đào.

Truyền thông tiết lộ, ông Trương Định Pháp và Tâm Phúc thuộc phe Giang Trạch Dân, ông này bị tình nghi chính là nhân vật phe ông Giang trực tiếp tham gia chỉ đạo vụ tàu ngầm 361 (2003) và vụ ám sát ông Hồ Cẩm Đào trên vùng biển Hoàng Hải (2006). Kết quả điều tra và những hoạt động kỷ luật bị giữ kín vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc khi ấy vẫn không công bố nguyên nhân khiến chiếc tàu ngầm 361 gặp nạn, buộc các chuyên gia phải đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Thông thường các thảm họa tàu ngầm dẫn đến việc bị chìm đột ngột do sự cố kỹ thuật hoặc sau một vụ nổ nhưng tàu ngầm số 361 không chìm và được phát hiện trôi tự do trên mặt biển.

Tuy nhiên, nếu thảm họa xảy ra gần bề mặt, tại sao không có thuyền viên nào có thể thoát ra? Nguyên nhân gì đã khiến 70 người đàn ông chết ngạt cùng một lúc mà họ lại không có thời gian thực hiện bất kỳ hành động thoát hiểm nào? Một số chuyên gia quân sự phân tích rằng: “Tại hiện trường con tàu gặp nạn, không có dấu vết bị tấn công từ bên ngoài hay dấu hiệu của sự hoảng loạn bên trong tàu. Vì vậy, khả năng cao là tàu ngầm 361 gặp nạn khi thực hiện những bài tập săn ngầm nguy hiểm kéo dài, kết hợp thử nghiệm hệ thống động cơ sử dụng không khí độc lập AIP để tăng độ bí mật và tăng thời gian lặn dưới mặt nước”. Và họ cũng phán đoán rằng: “15 người học viện hải quân thực chất là các nhà khoa học quân sự cấp cao đang thử nghiệm một số hệ thống tối mật khác nữa. Quá trình thử nghiệm thất bại đã dẫn tới thảm kịch”. Một giả thuyết khác lại suy đoán theo hướng: “Pin của tàu ngầm hoạt động quá mức dẫn đến rò rỉ axit, sau đó axit trộn với nước biển tràn vào tàu tạo ra khí clo, đầu độc toàn bộ thủy thủ trên tàu”. Tuy nhiên, vấn đề của giả thuyết này là do khí clo có mùi đặc biệt, hệ thống cảm biến sẽ đưa ra báo động và có đủ thời gian để các thủy thủ sử dụng thiết bị thở khẩn cấp IPA. Con tàu đã có thể được điều khiển nổi lên mặt nước và mở các cửa sập khẩn cấp.

Một vấn đề khác của giả thuyết này là khí clo tạo ra cảm giác đau đớn khi tiếp xúc với mô phổi, dẫn đến dấu hiệu vật vã nhưng các thành viên thủy thủ đoàn lại được phát hiện “gục chết” ngay tại vị trí của họ mà không có dấu hiệu đau đớn, vật vã vài giả thuyết khác nữa, thậm chí còn không loại trừ sự xuất hiện của những thế lực bí ẩn đáng sợ khác dưới đáy đại dương. Mặc dù vậy, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất cho rằng: “Thủy thủ đoàn trên tàu ngầm 361 đã bị chết ngạt do khí thải từ động cơ diesel của chính con tàu. Sau một thời gian di chuyển dưới nước bằng động cơ chạy pin, tàu ngầm diesel điện thường phải nổi lên chạy động cơ diesel để sạc pin. Trong trường hợp cần giữ bí mật, tàu ngầm có thể di chuyển sát dưới mặt nước và sử dụng ống thở để cấp không khí cho động cơ diesel, ống thở này có van tự đóng để đề phòng tình huống bị ngập dưới nước.

Đây nhiều khả năng là tình huống xảy ra khi tàu ngầm 361 bí mật di chuyển về cảng trong ngày định mệnh đó. Các nhà phân tích không loại trừ khả năng trục trặc kỹ thuật đã khiến thiết bị này không thể vận hành như bình thường hoặc một thành viên thủy thủ đoàn đã mắc sai lầm chết người khi vô tình đóng van thở của tàu trong lúc động cơ diesel vẫn đang chạy. Không ai trên tàu nhận ra điều này và động cơ diesel tiếp tục hoạt động mà không tự ngắt như thiết kế, đốt hết toàn bộ không khí của tàu trong vòng 2 phút khiến 70 người trên tàu gục xuống tại chỗ hôn mê và tử vong do thiếu dưỡng khí. Chuyên gia Sebastien Roblin của National interest cho rằng: “Dù với giả thuyết nào, chúng đều bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong công tác huấn luyện thủy thủ cũng như trang thiết bị trên các tàu ngầm đời cũ của Trung Quốc. Lực lượng hải quân hiện tại của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ các yếu tố địa lý, hoạt động và công nghệ”. Các nhà phân tích phương tây nhận định: “Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ tàu ngầm những việc chưa làm chủ được động cơ vẫn khiến họ tụt hậu”.

Trung Quốc áp dụng chính sách bảo mật thông tin khá chặt chẽ nên giới quân sự nước ngoài có rất ít chi tiết về chất lượng tàu ngầm của họ. Sự tiến bộ về công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận nhưng so với mặt bằng công nghệ của các nước lớn thì nước này vẫn còn kém, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào động cơ nhập khẩu từ nước ngoài. Ví dụ như nhập từ Đức hoặc Ukraina để trang bị cho tàu ngầm nước này. Khi sự cố xảy ra, chính quyền Trung Quốc hoạt động theo cách che giấu sự thật và duy trì sự thiếu hiểu biết của công chúng hơn là cung cấp thông tin. Cho đến khi có nhiều giả thuyết được đưa ra và khiến dư luận đặt ra câu hỏi: “Liệu các đô đốc và sĩ quan bị giáng chức và cách chức trong cuộc thanh trừng tháng 6 năm 2003, có đáng bị trừng phạt hay chỉ đơn thuần là vật tế thần cho sự kém cỏi của người khác hay ẩn sâu phía sau là những bí mật trong cuộc đấu đá giữa các ông lớn nội bộ chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ? Bất chấp cuộc thanh trừng này, vẫn chưa có lời giải thích chính thức hoặc cuối cùng nào, về việc tại sao tất cả 70 thủy thủ trên con tàu đã chết như thế nào?

Theo báo cáo của Trung Quốc thì không rõ chính xác điều gì đã xảy ra trên tàu ngầm 361. Nhưng nếu chiếc tàu này được kéo về cảng như báo cáo của Trung Quốc, điều đó có nghĩa là nó không thực sự bị chìm. Trung Quốc lúc đó khó có khả năng nâng một tàu ngầm từ dưới đáy đại dương lên. Vì vậy, nguyên nhân của những cái chết thực sự vẫn rất bí ẩn là do ngư lôi, do động cơ, do hóa chất hay có một bí mật chính trị quân sự nào đó? Liệu ai biết được và còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp.

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết: Vụ tai nạn cho thấy những vấn đề trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, lúc đó tập trung vào hai nhiệm vụ chính. Một là tấn công chiếm lại Đài Loan, hai là không cho quân đội Mỹ có cơ hội can thiệp vào một trận chiến trên đảo. Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Mr.Eric McVadon-một cựu thuyền viên hải quân tại Bắc Kinh cho biết: “Thảm họa này là một trong hàng loạt các vấn đề mà lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc phải đối mặt. Các sự cố khác bao gồm: vụ nổ được báo cáo của một tàu ngầm hạt nhân lớp CA đang trong quá trình xây dựng, các vấn đề tiếp tục với tiếng ồn trên 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp han của Trung Quốc khiến chúng dễ dàng bị phát hiện và rắc rối với pin trên 4 tàu ngầm chạy bằng diesel lớp kilo đời đầu mà họ mua lại từ Nga.

Sau thảm kịch, hải quân Trung Quốc đã thành lập một hải đoàn cứu hộ tàu ngầm trực thuộc hạm đội Bắc Hải. Nhưng câu trả lời thật sự của thảm kịch tàu 361 có lẽ đã mãi mãi chìm xuống biển và không bao giờ được hé lộ, khiến nó trở thành một trong những vụ tai nạn tàu ngầm tồi tệ nhất lịch sử. Kể từ sau vụ chìm tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga vào tháng 8 năm 2000 đã khiến toàn bộ 118 người trên tàu thiệt mạng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới