Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNguy cơ xung đột lan sang lãnh thổ Nga và những hệ...

Nguy cơ xung đột lan sang lãnh thổ Nga và những hệ lụy khôn lường

Vụ 8 UAV cảm tử tấn công thủ đô Moscow của Nga và trước đó là vụ đột kích vào vùng biên giới Belgorod, đã gây ra những lo ngại rằng xung đột Nga – Ukraine có thể vượt ra khỏi biên giới Ukraine.

Các xe bọc thép do phương Tây sản xuất bị thu giữ sau trận tập kích vùng Belgorod của Nga.

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Nga phát động một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Thay vào đó, xung đột giữa Moscow và Kiev đang có dấu hiệu tăng nhiệt khi một số cuộc đột kích đầu tiên từ phía biên giới Ukraine vào lãnh thổ Nga đã bắt đầu được ghi nhận. Giới quan sát cảnh báo việc để xung đột lan sang lãnh thổ Nga sẽ để lại những hệ lụy vô cùng đáng lo ngại.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Washington Post hôm 31/1, ông Kirill Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine, cảnh báo Nga sẽ tiếp tục gặp các vấn đề cho đến khi nước này rút quân khỏi Ukraine và giao lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cho Kiev. Ông đồng thời ám chỉ về khả năng xảy ra một chuỗi tấn công trên lãnh thổ Nga trong thời gian tới.

“Sẽ có người gài chất nổ, có máy bay không người lái. Cho đến khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục thì sẽ có những vấn đề bên trong nước Nga”, ông Budanov cảnh báo.

Những sự kiện xảy ra trước và sau phát biểu trên đã chứng minh tuyên bố của ông Budanov dường như không phải là một lời đe dọa suông.

Từ tháng 12/2022, quân đội Nga đã cáo buộc Ukraine sử dụng các máy bay không người lái (UAV) Tupolev Tu-141 để tấn công các căn cứ không quân Dyagilyaevo ở vùng Ryazan và Engels ở vùng Saratov trên lãnh thổ Nga. Các vụ tấn công này đã khiến ít nhất 2 máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga bị hư hỏng và 3 người bị thương.

Tới ngày 28/2, nhà chức trách Nga đã công bố những hình ảnh được cho là máy bay không người lái của quân đội Ukraine rơi tại khu vực ngoại ô thủ đô Moscow, gần một nhà máy nén khí của Tập đoàn năng lượng Gazprom.

Theo các chuyên gia quân sự, UAV nói trên có tên gọi UJ-22 và được cho là bị rơi khi đang trên đường tập kích nhà máy nén khí của Gazprom tại làng Gubastovo ở phía Đông Nam thủ đô Moscow. Một số nguồn tin cho biết vị trí rơi của UAV này chỉ cách Điện Kremlin, cơ quan đầu não của chính phủ Nga, khoảng 120km.

Đến ngày 3/5, Văn phòng Tổng thống Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã chặn đứng “một vụ tấn công khủng bố” nhằm vào Điện Kremlin. Theo đó, nhà chức trách Nga cáo buộc Ukraine đã phóng 2 UAV cảm tử nhằm vào dinh thự của Tổng thống Vladimir Putin với mục tiêu “ám sát Tổng thống Nga”.

“Chúng tôi nhận định đây là một vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch từ trước nhằm vào Tổng thống Nga. Vụ việc này xảy ra trước lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng hôm 9/5. Đây là sự kiện có sự tham gia của nhiều khách quốc tế”, Văn phòng Tổng thống Nga tuyên bố, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tiến hành các động thái trả đũa thích đáng.

Cả 2 UAV này sau đó đã bị lực lượng phòng không bảo vệ Điện Kremlin vô hiệu hóa bằng các thiết bị tác chiến điện tử. Moscow tiết lộ 2 UAV này đã rơi xuống khu vực sân Điện Kremlin nhưng may mắn không có ai bị thương.

Đến ngày 22/5, một nhóm vũ trang đã tiến hành vụ đột kích từ phía biên giới Ukraine vào vùng Belgorod của Nga. Nhóm vũ trang này bao gồm 2 đơn vị và được trang bị vũ khí hạng nặng với sự yểm trợ từ pháo binh, xe tăng, xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh được sản xuất bởi phương Tây.

Nhóm vũ trang trên tuyên bố đã kiểm soát một số khu dân cư tại tỉnh Belgorod. Hai thành viên của nhóm vũ trang nói, họ chiếm được xe bọc thép chở quân của quân đội Nga. Theo hãng tin Reuters, một trong 2 người này là Ilya Bogdanov – công dân Nga được cấp quốc tịch Ukraine vào năm 2015 khi xung đột nổ ra ở khu vực Donbass tại miền Đông Ukraine.

Giới chức Nga lên tiếng cáo buộc một nhóm “thám báo và phá hoại” từ Ukraine đã đột kích vào vùng Belgorod của Nga. Nhóm này được cho là đã pháo kích khoảng 20 khu dân cư ở đây, sử dụng pháo phản lực phóng loạt và máy bay không người lái thả thuốc nổ xuống các phương tiện và tòa nhà dân cư. Vụ tấn công khiến 12 người bị thương, nhiều tòa nhà và một số ô tô hư hại. Chính quyền địa phương cũng phải sơ tán hàng nghìn dân thường ở Belgorod để đảm bảo an toàn.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó tiết lộ đã triển khai một “chiến dịch chống khủng bố” để quét sạch “các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine” thâm nhập vào vùng biên giới Belgorod. Trong chiến dịch này, Nga đã loại bỏ hơn 70 “kẻ tấn công” và đẩy lùi những thành viên còn lại của nhóm vũ trang này về phía biên giới Ukraine. Ngoài ra, Moscow cũng phá hủy 4 xe chiến đấu bộ binh bọc thép, 5 xe bán tải quân sự.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine, ông Andrey Yusov, khẳng định Kiev không liên quan tới vụ tấn công trên. Theo ông, cuộc đột kích chỉ do các công dân Nga chiến đấu bên cạnh Ukraine gọi là Binh đoàn Tự do của Nga và Binh đoàn Tình nguyện Nga thực hiện. Ông cho hay, 2 nhóm trên muốn lập ra “vùng an ninh” để bảo vệ dân thường Ukraine. Các nhóm này cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 22/5.

Mặc dù giới chức Ukraine đã phủ nhận liên quan, song một số ý kiến cho rằng, rất khó tin nếu cuộc đột kích này tiến hành mà không có sự hỗ trợ từ cơ quan tình báo quân đội Ukraine.

Theo giới quan sát, vụ việc hôm 22/5 có thể là động thái mở màn, đánh dấu việc xung đột đã chính thức lan sang lãnh thổ Nga. Đây được cho là một phần trong kế hoạch của Ukraine nhằm mở đường cho chiến dịch giành lại lãnh thổ. Với các cuộc tập kích kiểu này, Kiev có thể làm phân tán sự tập trung của Nga khỏi mặt trận Kherson và Zaporizhia ở miền Nam, nơi Ukraine được cho là sẽ mở màn phản công.

Trang Defense Express tiết lộ phần lớn lực lượng bộ binh thiện chiến của Nga đã được điều động tới các khu vực giao tranh nóng bỏng tại Ukraine. Tại những khu vực giáp biên giới với Ukraine, lực lượng phòng vệ của Moscow hiện là rất mỏng. Vì vậy, những cuộc tấn công mang tính quấy rối bằng bộ binh của phía Ukraine sẽ khiến Nga phải tăng cường thêm lực lượng về các khu vực này để phòng thủ.

Tuy nhiên, về phía các đồng minh và đối tác phương Tây của Kiev, các quốc gia này chắc chắn sẽ không ủng hộ nếu Ukraine thực sự tìm cách tấn công vào lãnh thổ Nga. Khi cung cấp vũ khí cho Kiev, phương Tây đều khẳng định Ukraine cam kết không tấn công ra ngoài biên giới nước này. Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 27/5, Bộ Quốc phòng cho rằng quân đội Ukraine đã bí mật hỗ trợ 2 nhóm vũ trang trên mà không thông báo cho phía phương Tây.

Đến sáng ngày 30/5, 8 máy bay không người lái (UAV) cảm tử đã lao vào các tòa nhà tại khu vực trung tâm thủ đô Moscow của Nga. Bộ Quốc phòng Nga sau đó lên tiếng cáo buộc đây là một “hành động khủng bố do Ukraine tiến hành”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc quân đội Ukraine là thủ phạm đứng đằng sau vụ việc. Theo ông Putin, vụ tập kích bằng UAV này “có đầy đủ dấu hiệu của một vụ tấn công khủng bố”.

Các vụ việc trên, tuy đã được phía Ukraine phủ nhận hoàn toàn, phần nào đó đã trở thành một lời cảnh tỉnh với quân đội Nga về nguy cơ xung đột sẽ lan rộng sang lãnh thổ nước này.

Những hệ lụy khôn lường

Sau khi vùng Belgorod bị tấn công, quân đội Nga đã thu giữ được nhiều vũ khí do phương Tây sản xuất, trong đó có 2 xe bọc thép M1151A1 Hummvee, 2 xe bọc thép M1224 MaxxPro cùng một xe bọc thép AMZ Dzik-2. Số vũ khí này được cho là đã được Mỹ và Ba Lan viện trợ cho Ukraine nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Nhà chức trách Nga cáo buộc quân đội Ukraine đã chuyển giao cho các nhóm vũ trang Binh đoàn Tự do của Nga và Binh đoàn Tình nguyện Nga để tiến hành tấn công vùng Belgorod.

Phía Ukraine đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên. Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Matthew Miller lên tiếng xoa dịu Moscow, đồng thời khẳng định Mỹ không cung cấp vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi không khuyến khích hay giúp Ukraine tấn công vào trong lãnh thổ Nga, chúng tôi đã tuyên bố rất rõ điều đó. Mặt khác, chúng tôi cũng nói rõ rằng Ukraine phải quyết định tiến hành cuộc chiến này như thế nào”, ông Miller cho hay.

Tuy những phát biểu khẳng định sự không liên quan đã được phương Tây đưa ra, giới quan sát vẫn bày tỏ lo ngại sự xuất hiện của vũ khí do Mỹ và Ba Lan sản xuất trong vụ việc hôm 22/5 sẽ trở thành nguyên nhân thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng không chỉ tại chiến trường Ukraine mà còn trong quan hệ giữa Nga và đồng minh phương Tây của Kiev. Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ coi đó là lý do chính đáng để mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Kể từ khi phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine trong xung đột với Nga, Moscow đã nhiều lần đưa ra cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu những vũ khí này được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Trong một phát biểu được đưa ra vào cuối tháng 1/2023, Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Vyacheslav Volodin, cảnh báo “một thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra với nhân loại nếu các vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ nước này. Ông Volodin chỉ ra rằng nếu quân Ukraine dùng các vũ khí do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp tấn công các mục tiêu dân sự của Nga hay các vùng lãnh thổ của Nga thì phía Moscow sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn.

Theo một số chuyên gia quân sự, tuyên bố trên của ông Volodin cho thấy Moscow không loại bỏ khả năng sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, trong đó có cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, để thực hiện các vụ tấn công đáp trả nhằm vào Ukraine.

Ngoài ra, Nga được cho là đã tính tới khả năng tiến hành những vụ tấn công đáp trả nhằm vào vùng biên giới phía Tây của Ukraine. Với vị trí tiếp giáp với Ba Lan, khu vực này là yết hầu trung chuyển vũ khí của phương Tây tới cho Kiev.

Bên cạnh đó, khả năng Nga sẽ tiến hành mở rộng các vụ tập kích tên lửa và UAV cảm tử quy mô lớn để trả đũa trong thời gian tới là rất lớn. Trong thông báo cập nhật tình hình chiến sự tuần qua, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận nguy cơ bị tập kích tên lửa đối với các mục tiêu của nước này hiện đang ở mức cao. Cơ quan này khuyến cáo người dân tăng cường đề cao cảnh giác và lắng nghe hiệu lệnh của nhà chức trách.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới