Tuần này, Hàn Quốc tổ chức họp với lãnh đạo 70 nước về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tiếp đó là tập trận chung với 5 nước.
Không chỉ gửi thông điệp đến Triều Tiên, việc mở rộng hợp tác của Seoul trong cuộc đua trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.
Theo Hãng tin Yonhap, diễn đàn Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) diễn ra tại đảo Jeju ngày 30-5 có sự tham gia của đại diện từ 70 nước, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật Bản. Ngay sau đó là cuộc tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Eastern Endeavor 23 từ ngày 31-5.
Thông điệp với Triều Tiên
Các nước Mỹ, Úc, Nhật, Canada và Singapore sẽ tham gia cuộc tập trận do Hàn Quốc tổ chức, trong đó có sự tham gia của 7 tàu và 6 máy bay từ các nước. Tuy nhiên trong thông báo ngày 30-5, Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận sẽ thu hẹp quy mô do thời tiết xấu. Theo Seoul cuộc tập trận không nhằm vào bất cứ quốc gia nào nhưng sẽ giúp tăng cường các nỗ lực phối hợp nhằm ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.
Hàn Quốc đã tăng cường tập trận với đồng minh Mỹ trong những tháng gần đây, bao gồm diễn tập bắn đạn thật lớn nhất trước nay vào tuần trước. Các cuộc tập trận dường như đã trở thành thông điệp đáp trả động thái của Bình Nhưỡng, ví như cuộc tập trận không quân vào tháng trước là để phản ứng việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwashong-18 sử dụng nhiên liệu rắn mới.
Không dừng ở đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng 4-2023 cũng thảo luận về các biện pháp liên minh để cải thiện sự răn đe chống lại Triều Tiên, bao gồm cả việc thành lập một nhóm tham vấn hạt nhân mới. Dù vậy giới phân tích lo ngại việc Hàn Quốc và các đồng minh liên tục tập trận có thể gây phản ứng ngược, khiến Bình Nhưỡng thử tên lửa nhiều hơn.
Hàn Quốc tăng sức ảnh hưởng
Bên cạnh việc đối phó Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đang tăng cường hợp tác và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương leo thang.
Năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy một khu vực “tự do, hòa bình và thịnh vượng” dựa trên luật lệ. Không chỉ tăng cường hợp tác với các đảo quốc, chiến lược này cũng hướng đến việc phối hợp cùng Mỹ, Úc trong các vấn đề như chuỗi cung ứng, khoáng sản… Ngày 30-5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Úc đã tuyên bố sẽ bắt tay để nâng quan hệ quốc phòng hai nước lên tầm cao mới.
Ngoài ra Hàn Quốc cũng đang trên đường đua trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, đặc biệt nhắm đến khách hàng là các nước tại châu Âu – vốn trước đây thích dùng hàng Mỹ hoặc châu Âu.
Theo Hãng tin Reuters, doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đã tăng từ 7,2 tỉ USD vào năm 2021 lên hơn 17 tỉ USD vào năm 2022 trong bối cảnh phương Tây tăng cường vũ khí cho Ukraine và căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng khác. Trong đó thỏa thuận bán vũ khí trị giá 13,7 tỉ USD giữa Hàn Quốc và Ba Lan, một thành viên NATO, được đánh giá là nền tảng để Seoul chinh phục thị trường châu Âu.
“Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và những nước khác thường chỉ nghĩ đến việc mua các sản phẩm quốc phòng ở châu Âu, nhưng bây giờ họ có thể mua (vũ khí) với giá thấp hơn và giao nhanh chóng từ các công ty Hàn Quốc”, ông Oh Kyahwan, giám đốc Công ty Hanwha Aerospace, nhận định về lợi thế của Seoul trong bối cảnh Đức, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất châu Âu, không còn đáp ứng đủ nhu cầu.
Reuters cho biết các công ty Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất hiện đại để có thể hoạt động 24/7. “Về cơ bản, chúng tôi có thể đáp ứng mọi đơn hàng”, ông Cha Yong Su, quản lý sản xuất của Hanwha Aerospace, tự tin nói.