Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng Mỹ - Trung tại đối thoại Shangri-La

Căng thẳng Mỹ – Trung tại đối thoại Shangri-La

Quan hệ Mỹ – Trung trở thành tâm điểm của Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, nhất là khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Tối qua (2.6), Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc tại Singapore. Đối thoại lần này có sự tham gia của cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Trắc trở đối thoại Mỹ – Trung

Cũng trong tối qua, Reuters dẫn một số nguồn tin cho hay Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Lý đã bắt tay với nhau trong buổi tiệc tối. Liên quan diễn biến này, Lầu Năm Góc thông tin hai vị bộ trưởng chỉ nói chuyện ngắn gọn mà không có “trao đổi thực chất”. Trước đó, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Washington về việc tổ chức cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước bên lề Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không phản hồi thông tin này.

Thời gian qua, nỗ lực đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua không ít thách thức. Hồi tháng 11.2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali (Indonesia). Cuộc gặp được kỳ vọng là khởi đầu cho những nỗ lực đối thoại giữa hai bên. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Tần Cương vào tháng 2. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị hoãn vô thời hạn sau khi Lầu Năm Góc ngày 2.2 cho biết đang theo dõi một vật thể bị nghi là khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc. Sau đó, dù phía Trung Quốc biện minh là các khinh khí cầu chỉ “đi lạc”, nhưng Mỹ vẫn quyết định bắn hạ. Kết quả, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng và Mỹ sau đó đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định các khinh khí cầu trên mang theo thiết bị do thám.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc dự kiến chi phối hội nghị an ninh châu Á Đối thoại Shangri-la

Căng thẳng tiếp diễn và phải đến cuối tháng 3, AFP dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết ông Rick Waters, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Trung Quốc và Đài Loan và là người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề Trung Quốc, đã đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông.

Và đến cuối tháng 5 vừa qua, 2 bên mới có cuộc hội đàm cấp bộ trưởng. Cụ thể, ngày 25.5 (theo giờ địa phương) tại Washington (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại nước này Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào hội đàm song phương. Tuy nhiên, kết quả hội đàm chưa đạt được một tín hiệu khả quan đáng kể nào sau khi 2 bộ trưởng nêu quan ngại lẫn nhau một cách “thẳng thắn và thực chất”.
Hố sâu ngăn cách

Ngay trong những ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La, Mỹ cùng với Nhật Bản và Philippines tiến hành cuộc tập trận tuần duyên chung ở Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra sau khi Mỹ cùng nhiều đồng minh tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, đồng thời Washington và Manila cũng đang xem xét triển khai lực lượng tuần duyên hai bên để tuần tra chung ở Biển Đông. Động thái này được xem là một cách để đáp trả chiến lược vùng xám mà Bắc Kinh thực hiện ở Biển Đông bằng cách điều động các lực lượng tàu dân binh, hải cảnh với sự hậu thuẫn của hải quân.

Chỉ cách đây vài ngày, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quân đội Mỹ (INDOPACOM) đưa ra cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc J-16 đã “áp sát nguy hiểm” máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế ở Biển Đông ngày 26.5. Vụ việc xảy ra khi máy bay Mỹ đang theo dõi hoạt động tập trận của hải quân Trung Quốc – có sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông. Đáp trả lại, phía Trung Quốc đổ lỗi phía Mỹ thường xuyên điều tàu chiến và máy bay dẫn đến “tổn hại an ninh”.

Thời gian qua, quan hệ Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng toàn diện về thương mại, quân sự, ngoại giao. Mới đây, Bắc Kinh tiến hành cấm Micron (Mỹ) bán chip ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến cho các công ty điện tử Trung Quốc và khiến các đồng minh của Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu thiết bị và vật liệu sản xuất cho phía Trung Quốc. Những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã gây ra cho Trung Quốc không ít khó khăn, đồng thời xung đột thương mại giữa hai bên cũng dẫn đến không ít thách thức cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai bên cũng tăng cường cạnh tranh về chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn.

Quan hệ hai bên cũng đặc biệt căng thẳng xoay quanh vấn đề eo biển Đài Loan và cả Biển Đông hay sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga trong lúc chiến sự Ukraine chưa có hồi kết. Trả lời Thanh Niên gần đây, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) đánh giá: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích trong việc đặt ra các kênh trao đổi, nhưng những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình xấu đi trong mối quan hệ vẫn không thay đổi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới