Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ và TQ căng thẳng tại Singapore khi bị TQ từ chối...

Mỹ và TQ căng thẳng tại Singapore khi bị TQ từ chối gặp

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nỗ lực quản lý khủng hoảng quân sự, cũng như cho rằng đàm phán là chìa khóa để tránh xung đột.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore, diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á, Bộ trưởng Austin nói các đường dây liên lạc công khai giữa lãnh đạo quốc phòng và quân sự của Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa xung đột và tăng cường ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Tôi lo ngại sâu sắc rằng Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nghiêm túc hơn vào các cơ chế tốt hơn để quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Austin nói tại SLD hôm 3.6, ngày thứ hai của sự kiện thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, trụ sở lại London) tổ chức.

“Càng nói chuyện nhiều, chúng ta càng có thể tránh được những hiểu lầm và tính toán sai lầm có khả năng dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột”, lãnh đạo Lầu Năm Góc phát biểu.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc dự kiến chi phối hội nghị an ninh châu Á Đối thoại Shangri-la

Theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tuần này đã từ chối hội đàm song phương với ông Austin bên lề SLD theo đề nghị của phía Mỹ. Song hai vị bộ trưởng quốc phòng đã bắt tay khi gặp nhau tại Singapore hôm 2.6, dù không trò chuyện quá lâu.

“Một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế cho việc tiếp xúc một cách thực chất… Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cạnh tranh không bao giờ được phép chuyển thành xung đột”, ông Austin nói.

Tướng Lý, người đã bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt, dự kiến phát biểu tại SLD vào ngày 4.6.

Trong tuyên bố gửi cho Reuters ngày 2.6, một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ có lợi cho việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

“Tuy nhiên, giờ đây Mỹ nói họ muốn đối thoại với phía Trung Quốc trong khi vẫn cố gắng trấn áp Trung Quốc bằng mọi cách có thể và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức, tổ chức và công ty Trung Quốc”, tuyên bố cho biết, đồng thời đặt câu hỏi “Có bất kỳ sự chân thành và ý nghĩa nào trong kiểu giao tiếp như thế này?”.

Mỹ mời họp bộ trưởng quốc phòng, Trung Quốc từ chối

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng về việc Bộ trưởng Lý Thượng Phúc “từ chối” gặp ông Austin tại Singapore. Theo người phát ngôn Đàm Khả Phi, trên thực tế hoạt động trao đổi giữa quân đội hai nước “không hề bị gián đoạn”, nhưng “đối thoại không thể không có nguyên tắc” và Washington phải chịu trách nhiệm.

“Những khó khăn hiện nay trong giao lưu giữa quân đội hai nước hoàn toàn nằm ở phía Mỹ. Mỹ một mặt nói muốn tăng cường liên lạc, mặt khác lại phớt lờ quan ngại của Trung Quốc, dựng nên rào cản, làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin giữa quân đội hai nước”, ông Đàm nói hôm 31.5.

Cũng trong phát biểu tại SLD hôm 3.6, ông Austin cho biết Mỹ quyết tâm duy trì nguyên trạng ở eo biển Đài Loan và phản đối những thay đổi đơn phương từ cả hai bên. “Xung đột không phải là sắp xảy ra, cũng không phải là không thể tránh khỏi. Mức độ răn đe ngày nay rất mạnh và nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì nó như vậy”, ông Austin cho biết.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc đồng thời cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa chắc đã đưa ra quyết định về thời điểm sử dụng vũ lực để “tái thống nhất” Đài Loan, hòn đảo mà chính quyền ở Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình. Theo dự báo của các quan chức quốc phòng Mỹ, thời điểm này có thể là năm 2027.

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc sẵn sàng cho tình huống “xấu nhất”

Đề cập đến liên minh AUKUS giữa Mỹ, Úc và Anh, ông Austin cho rằng thỏa thuận này giúp tăng cường ổn định và an ninh tại khu vực. Theo thỏa thuận, Canberra sẽ chi 250 tỉ USD trong vòng 3 thập niên để xây dựng một đội tàu ngầm hạt nhân với sự trợ giúp của Washington và London. Bắc Kinh đã chỉ trích sự hợp tác này, cho rằng thỏa thuận vi phạm nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới