Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng của TQ trong dự án xây kênh đào nối vịnh...

Tham vọng của TQ trong dự án xây kênh đào nối vịnh Bắc bộ

Giới chức Trung Quốc đã nêu mục đích của dự án xây một kênh đào mới kết nối thành phố Nam Ninh với vịnh Bắc bộ.

Công trình xây dựng kênh đào mới mang tên Bình Lục, kết nối thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc, với vịnh Bắc bộ, đã bắt đầu vào ngày 22.5, theo tờ China Daily.

Kênh đào Bình Lục, có tổng chiều dài 134,2 km, bắt đầu từ hồ chứa Tây Tân ở thành phố Hoành Châu và kết thúc tại trấn Lục Ốc trong huyện Linh Sơn thuộc thành phố Khâm Châu, nơi tàu bè có thể đến vịnh Bắc bộ qua sông Tần.

Siêu kênh đào 10,3 tỉ USD đổ vào Vịnh Bắc Bộ kéo Trung Quốc lại gần ASEAN
Tiết kiệm gần 732 triệu USD/năm

Dụ án kênh đào Bình Lục chủ yếu bao gồm việc xây dựng các tuyến đường thủy, trung tâm vận chuyển, cơ sở bảo tồn nước và hỗ trợ các dự án khác dọc theo kênh, với tổng kinh phí ước tính khoảng 72,7 tỉ nhân dân tệ (10,3 tỉ USD), theo China Daily. Việc xây dựng 3 hệ thống khóa nước đường thủy nội địa, là thành phần chính của kênh Bình Lục, đã được tiến hành từ tháng 8.2022 và giai đoạn đầu tiên đã hoàn thành vào tháng 3.
Trung Quốc muốn gì khi xây kênh đào mới kết nối với vịnh Bắc bộ? – Ảnh 1.

Một bức ảnh chụp từ trên không cho thấy công trình xây dựng một trong 3 hệ thống khóa nước đường thủy nội địa cho kênh đào Bình Lục ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)

Chụp màn hình China Daily

Các quan chức cho biết ước tính trong quá trình xây kênh đào Bình Lục, khoảng 340 triệu m3 đất và đá, gấp ba lần khối lượng được đào để xây dựng đập Tam Hiệp của Trung Quốc, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, sẽ được dọn sạch, theo tờ Nikkei Asia ngày 30.5. “Công việc đang được tiến hành 24/24” để đáp ứng thời hạn hoàn thành vào năm 2026, ông Lý Hiệu Hướng, một quan chức tại công trường, cho Nikkei Asia hay trong chuyến tham quan gần đây do văn phòng đối ngoại của Quảng Tây tổ chức và giám sát.
Trung Quốc muốn gì khi xây kênh đào mới kết nối với vịnh Bắc bộ? – Ảnh 2.

Một công trình thuộc dự án xây dựng kênh đào Bình Lục

Ảnh từ clip của CGTN

Các quan chức nói rằng một khi được hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ hệ thống sông nội địa ra biển tới 560 km so với đi qua thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Điều này sẽ giúp tiết kiệm tới 5,2 tỉ nhân dân tệ (gần 732 triệu USD) mỗi năm, theo ông Lý. Ngoài ra, theo China Daily, kênh đào Bình Lục sẽ không chỉ hỗ trợ sự phát triển của khu vực mà còn trở thành cửa biển ngắn nhất và thuận tiện nhất ở tây nam Trung Quốc.
Giúp thúc đẩy thương mại Trung Quốc-ASEAN?

Giới quan sát cho rằng dự án kênh đào Bình Lục nêu bật sự chuyển trọng tâm của Bắc Kinh sang tăng cường kết nối hàng hải cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. “Điều đó khá mới”, ông Dương Giang, một chuyên gia về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nhận định. Ông Dương lưu ý kênh đào Bình Lục được hình thành trong kế hoạch năm 2019 nhằm xây dựng một quốc gia vận tải mạnh.

Các quan chức Trung Quốc còn nói rằng kênh đào Bình Lục nhằm thúc đẩy thương mại vốn đã phát triển với 10 nước ASEAN, tất cả cùng với Trung Quốc nằm trong khuôn khổ thương mại tự do Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Họ khẳng định kênh đào Bình Lục hứa hẹn sẽ giúp Trung Quốc gặt hái được nhiều lợi ích hơn nữa từ RCEP, theo Nikkei Asia. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với thương mại hai chiều tăng 52% từ năm 2019 đến năm 2022 – vượt xa mức tăng 20% với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, nhà nghiên cứu kỳ cựu Stephen Olson tại Quỹ Hinrich (Singapore) cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ nền kinh tế đơn lẻ nào trong ASEAN và điều đó tạo ra đòn bẩy đôi khi có thể dẫn đến các mối quan hệ thương mại không cân bằng và không bền vững, theo Nikkei Asia. Ông Olson cũng bày tỏ sự hoài nghi về những nỗ lực của cả Mỹ lẫn Trung Quốc kéo các nước ASEAN lại gần mình hơn. “Đối với hầu hết các quốc gia trong ASEAN, lợi ích quốc gia của họ được phục vụ tốt nhất bằng cách không nghiêng về bên nào mà duy trì quan hệ kinh tế và chiến lược mạnh mẽ với cả hai bên”, ông Olson nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới