Chống biến đổi khí hậu thành mặt trận mới trong cạnh tranh Mỹ – Trung, khi hai bên đều muốn gây áp lực lên nhau để giảm phát thải.
Kể từ khi các cuộc đàm phán giữa đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry với Bắc Kinh bị đình trệ vào tháng 8 năm ngoái, nhiều địa phương Trung Quốc đã rầm rộ phê duyệt nhiều dự án nhà máy điện than mới, làm dấy lên lo ngại nước này đang rời xa các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, khi cạnh tranh siêu cường với Washington tăng nhiệt.
Tình trạng đối đầu giữa hai nước tăng lên khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề khí hậu, khi các cuộc đối thoại cấp cao song phương trở nên bế tắc vì căng thẳng địa chính trị.
Làm thế nào để kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc là trọng tâm thảo luận chính của các lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Nhật. Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo G7 đưa ra nhiều ngôn từ cứng rắn với Bắc Kinh, kêu gọi những nước “có khả năng và chưa nằm trong số các nhà tài trợ ứng phó vấn đề khí hậu quốc tế hiện nay” làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phát triển đầu tư những dự án liên quan đến khí hậu.
Thông điệp này không chỉ hướng đến các quốc gia dầu mỏ giàu có ở Trung Đông, mà còn nhắm tới Trung Quốc, nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, theo giới quan sát.
Lượng khí thải hàng năm của Trung Quốc đang cao gấp đôi Mỹ. Bắc Kinh cũng được đánh giá là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc xác định liệu thế giới có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu hay không, bởi nước này không chỉ là bên phát thải lớn nhất, mà còn là nơi cung cấp quan trọng pin điện, tấm quang năng và các thành phần quan trọng khác phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới.
“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu thiếu Trung Quốc”, Joanna Lewis, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, Mỹ, bình luận. “Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội tương tác với họ một cách xây dựng, điều đó không giúp ích gì cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Những người ủng hộ đối thoại với Trung Quốc về vấn đề khí hậu trong chính quyền Mỹ lập luận rằng các cuộc đàm phán sẽ giúp xây dựng lòng tin và cho phép hai quốc gia cùng hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi.
Cam kết chung mà Mỹ và Trung Quốc đạt được tại hội nghị COP26 ở Glasgow năm 2021 về hợp tác khí hậu đã giúp thúc đẩy các nhà đàm phán hướng tới một thỏa thuận tham vọng hơn, các nhà ngoại giao lúc bấy giờ cho biết.
Nhưng khi các chính trị gia, quan chức ở Washington có quan điểm ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh do cạnh tranh siêu cường gay gắt, không gian hợp tác đã bị thu hẹp đáng kể.
Trước thời chính quyền tổng thống Donald Trump, Trung Quốc và Mỹ thường không để hợp tác về khí hậu bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ở những khía cạnh khác trong mối quan hệ. Nhưng gần đây, khí hậu đã trở thành mặt trận nóng bỏng không kém trong cuộc đối đầu giữa hai nước, theo Kelly Sims Gallagher, giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cố vấn cấp cao về các vấn đề khí hậu với Trung Quốc dưới thời tổng thống Obama.
Ở phía bên kia, Trung Quốc đang sử dụng khí hậu như một quân bài thương lượng nhằm đạt được những lợi ích khác trong mối quan hệ tổng thể với Mỹ, Gallagher nói thêm. “Trung Quốc hiểu khí hậu là điều mà Mỹ muốn và họ đang sử dụng nó như một đòn bẩy trong mối quan hệ nhiều mặt”, ông nhận định.
Quan hệ song phương trở nên đặc biệt căng thẳng hồi tháng hai, sau khi một khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị bắn hạ, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến công du đã lên kế hoạch tới Bắc Kinh. Đặc phái viên Kerry hồi giữa tháng cho biết ông đã được mời đến Trung Quốc để tiếp tục thảo luận về các vấn đề khí hậu, nhưng chưa có thời gian biểu cụ thể.
Trong lúc đó, chính quyền các tỉnh Trung Quốc trong hơn trong ba tháng đầu năm nay đã phê duyệt số dự án nhiệt điện than hơn cả năm 2021, theo tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Đông Á. Một số vùng của Trung Quốc gần đây đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và chính phủ dường như coi việc phát triển những dự án này là cách để kích thích kinh tế.
Trung Quốc vẫn có khả năng hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và đưa mức phát thải ròng xuống 0 vào năm 2060. Nước này đã triển khai số nhà máy điện mặt trời kỷ lục vào năm ngoái và riêng năm nay sẽ lắp đặt nhiều hơn toàn bộ công suất điện mặt trời hiện có của Mỹ.
Nhưng các nhà phê bình vẫn cho rằng kế hoạch khí hậu của Bắc Kinh không đủ tham vọng và không thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ từ tình trạng nóng lên toàn cầu.
Trước tình trạng đình trệ trên mặt trận ngoại giao, chính quyền Biden đã bắt đầu tìm kiếm những công cụ quyết liệt hơn để thúc đẩy Trung Quốc giảm phát thải và đặt ra mục tiêu tham vọng hơn về vấn đề khí hậu. Một trong những công cụ đó có phương án áp đánh thuế carbon với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ đã bắt đầu thực hiện một dự án thí điểm, hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp thuế toàn cầu đối với thép và nhôm Trung Quốc, về cơ bản sẽ đánh thuế các sản phẩm thải ra nhiều carbon trong quá trình sản xuất.
Đề xuất này được thảo luận trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Brussels về thuế quan thời tổng thống Trump đối với thép và nhôm châu Âu đang diễn ra. Tổng thống Biden đã đình chỉ các suất thuế này vào năm 2021 nhưng chưa hủy bỏ và những hàng rào thuế quan đó nhiều khả năng sẽ được áp dụng trở lại vào cuối năm nay nếu không có giải pháp thay thế nào được đưa ra.
Philippe Benoit, học giả tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, Đại học Columbia, Mỹ, nhận định đánh thuế khí thải có thể là một động lực hiệu quả để thúc đẩy các nhà sản xuất Trung Quốc đầu tư vào công nghệ sạch hơn và nghiên cứu để giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất thép, nhôm hay các mặt hàng xuất khẩu khác.
Nhưng tương lai của dự án thí điểm này vẫn chưa chắc chắn. Giới lãnh đạo EU có rất ít lựa chọn ngoài việc đàm phán với Mỹ, nhưng nhiều người đang hoài nghi về cách tiếp cận của Washington, cho rằng nó quá tập trung vào Trung Quốc.
Châu Âu đang nghiên cứu một bộ thuế quan liên quan đến khí thải của riêng mình mà họ dự định áp dụng dần dần trong vài năm tới. Họ tự tin rằng cách tiếp cận này sẽ thành công hơn và tương thích hơn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các mức thuế liên quan đến khí thải cũng sẽ là bài toán khó với những nhà hoạch định chính sách ở Washington, vì không giống như EU, không có mức giá rõ ràng cho khí thải phát sinh bên trong Mỹ.
“Chúng ta cần đánh thuế nhiều hơn đối với các hoạt động gây ô nhiễm, nhưng điều đó nên được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử”, Bas Eickhout, thành viên đảng GreenLeft của Hà Lan đồng thời là đại diện nước này tại Nghị viện châu Âu, lưu ý. “Đề xuất của Mỹ rõ ràng chỉ nhằm vào Trung Quốc”.
Bắc Kinh cũng hoài nghi về các biện pháp áp thuế tiềm tàng mà Washington theo đuổi, lập luận rằng chúng không nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, mà chỉ là một công cụ trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế thương mại Trung Quốc.
Nếu được triển khai, biện pháp đánh thuế đó sẽ chỉ “phủ bóng đen” lên triển vọng hợp tác về khí hậu giữa hai nước, đồng thời gây tổn hại lòng tin khi Mỹ cố tình đặt ra những thách thức đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Sun Yongping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Khí hậu Toàn cầu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, nhấn mạnh.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ, Trung Quốc “sẽ không chấp nhận chúng dễ dàng, đặc biệt nếu mức thuế carbon tăng thêm mà họ phải chịu không được áp dụng tương ứng với các nhà sản xuất Mỹ”, Li Shuo, cố vấn khí hậu cấp cao của Greenpeace Đông Á, nhận xét.
Đến nay, rất ít người trong chính quyền Biden dường như sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn nỗ lực đàm phán về khí hậu với Trung Quốc, trong khi một số người nuôi hy vọng rằng lời mời đàm phán mới nhất gửi tới đặc phái viên Kerry là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần quan tâm trở lại việc thực hiện các thỏa thuận khí hậu.
“Trong bối cảnh đối đầu trên nhiều mặt trận tăng nhiệt, Mỹ sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn nếu không tham gia vào một trong số ít lĩnh vực mà họ có thể thảo luận mang tính xây dựng với Trung Quốc”, chuyên gia Lewis từ Đại học Georgetown nhận định.
T.P