Giới phân tích cho rằng, cuộc phản công của Ukraine sẽ do các lữ đoàn từng huấn luyện tại Mỹ và châu Âu, được trang bị vũ khí phương Tây dẫn đầu. NATO đã dành nhiều tháng đào tạo cho các binh sỹ Ukraine nhằm tạo ra những đơn vị tinh nhuệ, thành thạo các chiến thuật tác chiến.
“Ván bài tất tay” của phương Tây
Khi các đơn vị khác của Ukraine đang chiến đấu chống lại quân đội Nga ở phía Đông và phía Nam đất nước, thì Lữ đoàn cơ giới số 47 đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến tại một căn cứ quân sự của NATO ở Đức. Họ được huấn luyện qua máy tính mô phỏng các tình huống có thể gặp trên thực tế.
Phó chỉ huy lữ đoàn, Thiếu tá Ivan Shalamaha cho biết, họ lên kế hoạch tấn công, sau đó chương trình máy tính sẽ cho họ thấy kết quả, chẳng hạn như Nga có thể phản ứng như thế nào, nơi họ có thể đạt được bước tiến lớn và nơi họ sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng.
“Qua các chương trình này, chúng tôi hiểu bức tranh tổng thể, cách thức hoạt động trên chiến trường và thấy được thiếu sót của mình”, ông Ivan Shalamaha cho biết.
Theo Ivan Shalamaha, nhiệm vụ đầu tiên khi làm việc với phần mềm mô phỏng tình huống chiến tranh (KORA), được thiết kế dành riêng cho NATO là lên kế hoạch đối phó với đối phương giả định. Các chương trình đã tập trung làm nổi bật những thách thức ở phía trước đối với quân đội Ukraine vào mùa Hè sắp tới. Ngoài ra, Lữ đoàn 47 cũng được huấn luyện cách vận hành vũ khí hoặc phương tiện họ sẽ nhận được, đầu tiên là cách thức vận hành, sau đó là kết hợp chúng với những loại vũ khí khác.
Sau khi kết thúc quá trình huấn luyện, Lữ đoàn 47 và các đơn vị tấn công khác trang bị vũ khí phương Tây, bao gồm cả xe chiến đấu bộ binh Bradley, đã chuyển đến một địa điểm bí mật gần tiền tuyến hơn. Họ đang chờ lệnh tấn công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất và xoay chuyển cuộc xung đột theo cách có lợi cho Ukraine.
Cuộc phản công sẽ là phép thử lớn nhất đối với chiến lược do Mỹ dẫn đầu nhằm cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các binh sỹ Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gọi đây là “cấp độ tiếp theo” trong quá trình hỗ trợ an ninh, điều mà ông và các quan chức khác đã đề nghị các đối tác phương Tây thực hiện.
Anh đã cung cấp khóa đào tạo cơ bản cho hàng nghìn tân binh Ukraine kể từ mùa hè 2022. Nhưng gần đây, toàn bộ các đơn vị của Ukraine đã được cử đến Đức và những quốc gia khác để học “cách phối hợp với nhau cũng như gia tăng khả năng tương tác giữa các đơn vị khác nhau”, ông Reznikov nói.
Ông Reznikov nêu rõ: “Chúng tôi cần các khóa huấn luyện cấp đại đội, trung đội, cấp tiểu đoàn để thành thạo kỹ thuật, cách thức vận hành các phương tiện mới. Các chỉ huy cần được huấn luyện cách điều hành lực lượng của mình, hỗ trợ pháo binh, hỗ trợ các hoạt động trinh sát”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, phương Tây cần phải chú trọng huấn luyện các binh sỹ Ukraine kỹ năng tác chiến tổng hợp và dàn xếp đội hình, trong đó, xe tăng, pháo binh cùng nhiều phương tiện chiến đấu và vũ khí khác cần được xếp lớp một cách hợp lý để tối đa hóa hỏa lực. Họ chỉ ra rằng, Kiev vẫn thiếu các yếu tố quan trọng để có thể thành công, chẳng hạn như máy bay chiến đấu hiện đại. Ukraine dự kiến sẽ nhận được những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất sau khi Washington bật đèn xanh cho các đồng minh thực hiện động thái này, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ không thể đến vào thời điểm Kiev tiến hành phản công.
Một mục tiêu khác của khóa huấn luyện là dạy binh sỹ Ukraine cách tấn công hiệu quả. Trong nhiều năm, quân đội Ukraine chủ yếu tập trung vào các chiến thuật phòng thủ nhằm bảo vệ lãnh thổ của họ khỏi bị tấn công. Ngay cả những binh sỹ đã từng tham chiến trên chiến trường miền Đông Ukraine cách đây 8 năm cũng có rất ít kinh nghiệm về các cuộc tấn công.
Ukraine đang “chạy đua với thời gian”
Phương Tây tài trợ phương tiện và vũ khí với hy vọng Ukraine có thể sử dụng chúng trong chiến thuật tác chiến vũ trang kết hợp. Theo đó, Ukraine sẽ phối hợp đồng bộ với máy bay, xe thiết giáp và bộ binh để chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga. Nếu Ukraine thực hiện chiến thuật đúng cách, họ có thể đẩy Nga vào thế bị động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiến thuật này rất khó thực hiện, đòi hỏi quân đội phải được đào tạo chuyên sâu và ngay cả những đội quân tốt nhất đôi khi cũng có thể phối hợp thiếu ăn ý.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine và các đối tác luôn cho rằng thiết giáp của phương Tây, chẳng hạn như xe tăng Leopard của Đức và xe Stryker do Mỹ sản xuất, vượt trội hơn nhiều so với thiết bị của Nga và điều này sẽ xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho Ukraine. Tuy nhiên, các lực lượng Nga đã thiết lập được tuyến phòng thủ kiên cố dài gần 1.000km ở miền Đông Ukraine và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh tình huống bị tấn công bất ngờ.
Ông Edward Arnold, nhà nghiên cứu tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, cho rằng Ukraine đang “chạy đua với thời gian” vì lực lượng Nga càng ở lại lãnh thổ phía Đông lâu thì xung đột lại càng bế tắc và việc giành lại khu vực này càng khó khăn.
Tháng 5 vừa qua, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ đã làm “mọi thứ có thể” để giúp Ukraine tăng khả năng thành công, nhưng ông vẫn chưa bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn về việc Kiev sẽ giành chiến thắng.
Hein Goemans, Giám đốc Trung tâm Xung đột và Hợp tác Peter D. Watson tại Đại học Rochester, cho rằng, thay vì xác định thành công của Ukraine dựa trên việc giành những lãnh thổ to lớn, phương Tây nên coi bất kỳ bước đột phá nào mà Ukraine có thể tạo ra là một chiến thắng.
“Điều đó cho thấy họ sẽ không bị ràng buộc trong cuộc chiến tiêu hao bởi vì họ đã đạt được bước đột phá và họ có thể hành động tương tự ở những nơi khác,” ông Goemans nói.
Tuy nhiên, những bước đột phá nhỏ khó có thể thuyết phục Mỹ và châu Âu ở thời điểm sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với nỗ lực viện trợ cho Ukraine đang giảm dần và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sắp đến gần.
Cựu Tổng thống Trump đang cố gắng chứng tỏ ông là ứng cử viên có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ, trong khi đối thủ của ông – Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người tuyên bố tham gia tranh cử vào tuần trước, đã hoài nghi về nỗ lực của Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
T.P