Ngân hàng thế giới dự báo GDP thực tế của Nga tăng 1,2% trong năm tới bất chấp tác động của các lệnh trừng phạt.
Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt nhờ doanh thu từ năng lượng cao hơn dự kiến, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới hôm 6/6.
Chỉ số tăng trưởng của nước này dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào năm 2024, dù ở mức khiêm tốn 1,2%.
“Sự thay đổi này chủ yếu phản ánh khả năng phục hồi bất ngờ của sản xuất dầu và đà tăng trưởng cao hơn dự kiến từ năm 2022”, báo cáo cho biết.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moskva đã thay đổi điểm xuất khẩu dầu của mình “mà không có sự khác biệt đáng kể về khối lượng xuất khẩu”.
Tuy nhiên, tổ chức có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) cảnh báo rằng khối lượng xuất khẩu có xu hướng giảm và nhu cầu trong nước yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Nga.
Chính phủ Nga trong khi đó duy trì một cái nhìn tích cực với nền kinh tế. Thủ tướng Mikhail Mishustin dự đoán rằng, đến năm 2024, nền kinh tế Nga sẽ có thể vượt các nước phát triển về tốc độ tăng trưởng.
Ngân hàng Thế giới cũng nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 – trong đó Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn so với dự báo. Dù vậy, ngân hàng cảnh báo rằng lãi suất cao hơn và tín dụng chặt hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số của năm tới.
GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,1% trong năm nay, từ mức tăng dự kiến trước đó là 1,7%. Nhưng tốc độ này vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%. Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 từ mức 2,7% xuống 2,4%, với lý do các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Indermit Gill, hai phần ba nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay so với năm 2022.
“Thậm chí đến cuối năm tới, một phần ba thế giới đang phát triển sẽ không vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người mà họ có vào cuối năm 2019. Đó là 5 năm (2020-2024) mất mát đối với gần một phần ba các quốc gia trên thế giới”, ông Gill nói với các phóng viên.
T.P