Khi Eunice Wang nhận được công việc cố vấn chiến lược tại một công ty dược phẩm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, giấc mơ của cô trở thành hiện thực.
Ước mơ được thực hiện trong 6 năm: Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học và sau đó hoàn thành bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ.
Nhưng chỉ 3 tháng, người phụ nữ 25 tuổi từ bỏ. Wang trở về quê hương ở miền bắc Trung Quốc để làm nhân viên pha chế 6 tháng trước.
Việc chuyển từ công việc văn phòng sang “qing ti li huo” (hay “việc nhẹ” trong tiếng Trung Quốc) đang trở nên phổ biến trong giới trẻ ở nước này.
Một hashtag mang nội dung “trải nghiệm làm việc thể chất đầu tiên của tôi” có 30,3 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, với một số người dùng mô tả công việc mới của họ là không cần trí óc.
Những công việc như vậy bao gồm làm quản lý tại nhà hàng thức ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp – bất cứ việc gì ngoại trừ việc ngồi trong văn phòng.
Jia Miao – giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải – cho biết: “Có rất nhiều cuộc thảo luận trực tuyến trong đó những người trẻ tuổi chia sẻ về việc họ đã bỏ công việc văn phòng vì không hài lòng như thế nào”.
Wu Xiaogang – đồng nghiệp của giáo sư Jia Miao – nói thêm: “Điều đó khá bất thường. Nếu có bằng đại học, bạn được coi là lao động cổ cồn trắng”.
Công trình do Wu đồng tác giả ước tính ít nhất 1/4 sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm và đó là tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục.
Thiếu việc làm là khi mọi người đang làm những công việc không cho thấy kỹ năng hoặc việc họ đã được đào tạo.
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với những người lao động trẻ như Wang – những người “tự nguyện rút lui” khỏi công việc lành nghề, theo cách gọi của các chuyên gia của CNBC.
Wang hình dung công việc tư vấn tại văn phòng của cô sẽ “thực sự sáng tạo”, hợp tác với đồng nghiệp và lãnh đạo nhưng thực tế khác xa. “Vì khối lượng công việc, tôi không có thời gian để giao tiếp với bất kì ai” – cô nói. Thay vào đó, cô dành cả ngày để soạn các slide, viết báo cáo bằng tiếng Trung và dịch sang tiếng Anh.
Wu Xiaogang cho hay, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trở thành “xiao bai ling” – hay “cổ cồn trắng nhỏ”.
Giáo sư Miao lưu ý, “nhỏ” không chỉ đề cập đến độ tuổi của người lao động mà còn cả vai trò của họ – những nhân viên cấp dưới đòi hỏi ít quyền quyết định hoặc ý kiến cá nhân.
Giáo sư Miao cho biết, với sự cạnh tranh cao và văn hóa “996” khắc nghiệt, công việc dẫn tới kiệt quệ về cảm xúc và thể chất với những lao động trẻ tuổi.
Người lao động trẻ trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của công việc trong những năm gần đây, với các phong trào như “âm thầm nghỉ việc” và “ngày thứ Hai tối thiểu” đang trở nên phổ biến.
Ở Trung Quốc, có hiện tượng “tang ping”, trong đó thanh niên từ chối văn hóa làm việc quá sức và chấp nhận nằm yên.
Chuyên gia Miao chỉ ra, quá trình chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của đất nước là nguyên nhân dẫn tới “sự thay đổi đáng kể” về giá trị công việc.
Trong khi chuyên gia Wu cho biết, sự hấp dẫn của “công việc lao động nhẹ” với những người lao động cổ cồn là bởi sự “tự do và linh hoạt hơn” trong lịch làm việc và điều họ đánh đổi là thu nhập và ít đảm bảo trong công việc hơn.
“Tôi sẽ không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm như mình. Đôi khi tôi suy nghĩ về đặc quyền mà mình có rằng tôi có thể theo đuổi điều này vì bố mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không phải lo lắng về tài chính” – Wang nói.
Cô kiếm được khoảng 12.000 nhân dân tệ (1.700 USD)/tháng từ công việc văn phòng. Là một nhân viên pha chế, cô kiếm được 1/4 số đó và “một chút” hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.
T.P