Sunday, September 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc “chiến tranh ủy nhiệm” vô nghĩa và điên rồ!

Cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” vô nghĩa và điên rồ!

Cuộc chiến Nga-Ukraine đang ở giai đoạn vô cùng khốc liệt. Cuộc tổng phản công từ phía Ukraine đã và đang được chuẩn bị và dự kiến sẽ rất bất ngờ, dữ dội. Nếu thua trận này, Tổng thống Nga Putin sẽ thất bại hoàn toàn.

Cuộc phản công trong vài tuần tới có ý nghĩa quyết định. Hiện tại, Ukraine đang tăng cường những hoạt động quân sự dọc theo 1.000 km chiến tuyến nhằm thăm dò những bất lợi và điểm yếu của phía Nga. Hôm 8/6, một blogger quân sự Nga đã báo động là lực lượng Ukraine đánh vào Zaporijia.

Theo dự báo, trước tiên quân đội Ukraine sẽ pháo kích ồ ạt, sau đó xe tăng tiến vào. Lực lượng gồm 120 thiết giáp, tiến từ Orikhiv đến Tokmak – một thị trấn ví như yết hầu, nằm trên dải đất chiếm đóng nối với Crimée. Cuộc tấn công Zaporijia sẽ là dấu mốc quan trọng của quân đội Ukraine, tiến đánh quy mô vào ban đêm, từ hai hướng.

Theo chuyên gia Rob Lee của King’s College ở Lon Don, tại khu vực này quân Nga đã bị thiệt hại nặng vào mùa xuân cho nên đến lúc này gần như tê liệt. Việc tấn công vào Tokmak và gần Vuhledar không chỉ đe dọa Melitopol mà còn nhằm tiêu diệt lực lượng chiếm đóng ở những thành phố cảng Berdyansk, Mariupol nằm xa hơn ở miền Nam, phía Biển Azov.

Theo thông tin mới nhất từ phía Nga, đã đẩy lùi được cuộc tấn công gần Vuhledar, làm 3.715 chiến binh Ukraine thương vong. Kiev lập tức bác bỏ điều này, nói rằng đó là con số “khoa học giả tưởng hoang đường và phi lý”.

Còn các nhà phân tích phương Tây nhận định, cuộc chiến đang đẩy Ukraine tới gần chiến thắng. Quân đội Ukraine càng đánh càng tỏ rõ bản lĩnh và lòng dũng cảm, đã chiếm được những điểm cao ở Storozheve, cầm chân được hai sư đoàn cơ giới của Nga.

Nếu miền Đông bị chiếm lại thì mục tiêu “giải phóng” của Putin tan tành và đó nỗi nhục của Nga. Trong khi đó giao tranh vẫn chưa dừng tại Bakhmut và ở Soledar – nằm phía bắc thành phố này. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm, cho thấy quân Nga có thể bị Ukraine bao vây. Giành lại được Bakhmut, coi như Kiev sẽ xóa sạch mọi cố gắng của Nga trong năm 2022.

Như vậy sau nhiều tuần chuẩn bị chiến trường bằng pháo và những hoạt động khác, cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu một giai đoạn mới vô cùng dữ dội. Ngày 6/6 là một trong những ngày giao tranh ác liệt nhất kể từ đầu cuộc chiến. Hầu hết đám cháy khói lửa ngút trời bốc cao từ những khu vực Nga đang kiểm soát. Nga hoàn toàn bất ngờ về lực lượng và những hướng tấn công chính của đối phương, chứng tỏ Kiev đã thành công trong công tác tình báo.

Cuộc tổng phản công này của Ukraine có sự tham gia tích cực của Phương Tây. Lữ đoàn 37 – một trong số 9 lữ đoàn được phương Tây giúp huấn luyện có thể đã tham gia cuộc chiến gần Vuhledar. Ở đây thấy xuất hiện các xe tăng hạng nhẹ của Pháp AMX-10RC và xe chống mìn Mastiff của Anh. Phòng tuyến nhiều lớp của Nga dọc theo một chiến tuyến khoảng 20 km đang rung bần bật!

Không rõ các chuyên gia quân sự phương Tây có giúp đỡ gì về chiến thuật, chỉ biết rằng trong các đợt tấn công vừa qua lực lượng quân đội Ukraine luôn được giữ bí mật, chiến đấu dũng cảm, phối hợp tốt các quân, binh chủng. Phía Ukraine còn có lợi thế là thông thuộc địa hình, thời tiết, đường đi nước bước.

Còn quân đội Nga tinh thần sa sút, mệt mỏi, rất khó giữ được những phòng tuyến, cho dù khá kiên cố. Những người lính Nga còn luôn bị gây sốc, bị phản công nhanh và bất ngờ.

Còn quá sớm để nói về sự kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng lợi thế trên chiến trường đang nghiêng về Kiev. Cuộc tấn công từ nay đến hết tháng 6 sẽ dữ dội hơn và thế trận cũng sẽ phân chia rõ hơn.

Dù bên nào thắng hay thua hay “không bên nào thắng” thì nhân dân hai nước cũng chịu hi sinh nhiều nhất. Và đặc biệt, cuộc chiến đã lôi kéo cả thế giới cùng rơi vào vòng xoáy vũ trang. Hơn một năm qua, từ khi Nga xâm lược Ukraine, chi tiêu quốc phòng đã bùng nổ tại châu Âu, và nước láng giềng Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh địa – chính trị đã hình thành rõ rệt, ẩn chứa nhiều bất ngờ, nguy hiểm.

Theo một bản Báo cáo của SIPRI hồi tháng 4/2023, ngân sách của các quân đội trên thế giới năm 2022 đã lập con số kỷ lục 2.240 tỉ USD. Vào lúc cao điểm Chiến tranh lạnh con số đó chỉ ở mức 1.500 tỉ USD.

Trong cái túi tiền khổng lồ ấy, nhiều tỉ USD đã được phương Tây đổ ra để giúp Ukraine kháng cự. Đó là đủ loại vũ khí, khí tài, những thiết bị gây nhiễu drone, băng đạn, áo giáp, kính viễn vọng, drone trinh sát, đại bác, radar, xe tăng… Riêng Mỹ chi tiêu quân sự lên đến 870 tỉ USD trong năm 2022, chiếm 39% toàn thế giới. Tiếp theo là Trung Quốc, chi quốc phòng tăng đến 75% so với thập niên trước.

Thật là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”vô nghĩa và điên rồ trong thế giới hiện đại, cho đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi, khi cả Nga và Ukraine đều từ chối đàm phán. Cuộc chiến chỉ là nấc thang cuối cùng của những mâu thuẫn tích tụ lâu năm không được giải quyết. Nhưng “thắng lợi” bất kỳ từ phía nào cũng chỉ đánh dấu tương quan lực lượng trên chiến trường vào một thời điểm nhất định. Nó chỉ thắng lợi thật sự khi chiến tranh chấm dứt và mọi bất hòa, xung đột được hóa giải qua con đường hòa bình.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới