Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Hệ sinh thái' của hàng lậu TQ ở Việt Nam

‘Hệ sinh thái’ của hàng lậu TQ ở Việt Nam

Nguồn hàng, dịch vụ thanh toán ngoại tệ, vận chuyển xuyên biên giới rồi giao tận nơi, hỗ trợ bán hàng qua internet… kết nối thành “hệ sinh thái” cho nhiều người nhập lậu hàng từ Trung Quốc về VN để kinh doanh.

Ảnh minh họa.


“Anh chỉ việc chọn hàng trực tiếp trên các website Trung Quốc (TQ), rồi chuyển thông tin và tiền cho phía vận chuyển để họ thanh toán luôn. Các dịch vụ vận chuyển có sẵn “tool” (công cụ) để anh cài trên trình duyệt nên việc đặt hàng và cả vận chuyển nhanh lắm. Chỉ mấy ngày là về đến TP.HCM thôi, chẳng “thuế má” gì đâu!”, đó là chia sẻ của anh T.D (ngụ TP.HCM) – người có nhiều kinh nghiệm về mua hàng từ TQ.

Nhấp chuột để “đánh hàng”
Việc nhập hàng TQ qua các cửa khẩu biên giới dưới dạng tiểu ngạch không phải hiện nay mới có. Tuy nhiên, trước đây thì hầu hết dân buôn phải đến khu vực biên giới phía bắc của Việt Nam, thậm chí qua tận đất TQ, để tìm kiếm nguồn hàng, rồi kết nối kênh vận chuyển về các địa phương ở Việt Nam.

Nhưng, đó là chuyện trước kia.

Gần đây, việc tìm kiếm nguồn hàng từ TQ không còn phải tốn công, tốn sức như trước. Những sàn giao dịch của các nhà cung cấp hàng hóa TQ cả bán lẻ lẫn hàng sỉ số lượng lớn đều dễ dàng tiếp cận qua internet.

Truy cập thực tế các website bán hàng của TQ, nhiều sàn giao dịch điện tử có giao diện bằng tiếng Trung, nhưng dù người mua hàng không biết tiếng Trung thì vẫn có thể tiếp cận thông qua công cụ chuyển ngữ trên trình duyệt web. Thậm chí, một số sàn giao dịch lớn của TQ như Alibaba còn có cả phiên bản tiếng Việt. Chủng loại hàng hóa thì “thượng vàng hạ cám”, từ hàng thời trang may mặc, đồ thể thao, thiết bị gia dụng… cho đến phụ tùng ô tô – xe máy, hàng cơ khí, điện tử tiêu dùng… Ngay cả các màn hình LED ngoài trời với kích thước khủng cũng có.

Mỗi mặt hàng lại có vô số mẫu mã. Ví dụ như chỉ riêng quần áo dệt may có đến hàng trăm, hàng ngàn mẫu cho mỗi chủng loại (quần áo nam, quần áo nữ, đầm váy…), hay cả các loại váy cưới, áo vest cũng “bạt ngàn”. Nói như một số người trong nghề là “muốn gì có đó”.

Tất cả đều được báo giá chi tiết theo số lượng đặt hàng, thậm chí đưa cả logo, thương hiệu theo yêu cầu của khách hàng lên sản phẩm. Thời gian giao hàng theo số lượng, chủng loại cũng được thông tin chi tiết. Cứ thế, dân buôn thoải mái lựa chọn để lên đơn hàng theo mong muốn.

Dịch vụ “tận răng”
Hiện nay, có hàng trăm công ty quảng bá tiếp nhận dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ TQ về Việt Nam với mức giá cạnh tranh. Tìm hiểu một số dịch vụ như CNE – China Ex…, Qing…, NhaphangChi…, thì các dịch vụ này đều có sẵn “tool” để người dùng tải xuống và tích hợp vào các trình duyệt web (Google Chrome, Cốc Cốc) hoặc tích hợp vào hệ điều hành (iOS, Android) của điện thoại di động thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet). Người dùng đăng ký tài khoản với các dịch vụ vận chuyển trên, rồi chỉ việc kích hoạt “tool” trên khi lướt web mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử TQ là việc đặt mua hàng thông qua dịch vụ vận chuyển sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động.

Hầu hết, các dịch vụ vận chuyển đều công bố giá vận chuyển và các chi phí một cách công khai, càng nhiều hàng thì mức giá vận chuyển tính theo kilogam càng rẻ. Mức giá được công bố theo điểm đến là TP.HCM hoặc Hà Nội, phần lớn chỉ dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Thậm chí, các dịch vụ này còn nhận vận chuyển hàng hóa lên đến đơn vị tấn. Trên trang web, tài khoản mạng xã hội của các dịch vụ vận chuyển trên tự tin khẳng định có thể vận chuyển hàng ngay cả khi “tắc biên”, chỉ mất 3 – 5 ngày là hàng từ TQ có thể về đến Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ còn áp dụng chương trình phân hạng khách hàng, khách có doanh thu càng lớn thì càng “thân thiết” để được ưu đãi, giảm giá.

Sau khi đặt dịch vụ mua giùm và hàng được chuyển về đến Việt Nam, người mua có thể đến kho hàng để nhận hàng hoặc dịch vụ vận chuyển sẽ đưa hàng đến tận nơi bằng các dịch vụ chuyển hàng nội địa.

Không chỉ vận chuyển, các dịch vụ vận chuyển TQ – Việt Nam này còn có cả dịch vụ quy đổi ngoại tệ, lập tài khoản và thanh toán bằng nhân dân tệ của TQ giùm người mua để giao dịch trực tiếp trên các sàn ngoại tệ, hoặc chỉ cần chuyển tiền đồng để các dịch vụ này thanh toán thay. Trên trang web hay “tool” của các dịch vụ này có sẵn phần cập nhật tỷ giá hoán đổi giữa tiền đồng với nhân dân tệ. Nói chung “muốn gì cũng được”!

Nhưng ngoài các khoản phí mua hộ, kiểm hàng, thanh toán và cước vận chuyển, thì không hề đề cập việc phải đóng bất cứ khoản thuế nào. PV Thanh Niên thử liên lạc với CNE – China Ex… thông qua số điện thoại được công bố trên website, thì phía cung cấp dịch vụ cho hay: “Hàng đi theo đường tiểu ngạch, nên không cần phải đóng thuế. Đổi lại, hàng đến nơi sẽ không có chứng từ”. Dịch vụ này cho biết còn cung cấp cả dịch vụ ký gửi hàng hóa, tức nếu người mua có nguồn hàng riêng ở TQ thì chỉ cần vận chuyển về kho ở TQ của bên vận chuyển, thì bên vận chuyển cũng sẽ đưa hàng về Việt Nam nhưng giảm đi các chi phí mua giùm, thanh toán hộ…

Khi hỏi nhân viên của CNE – China Ex…, PV Thanh Niên được đảm bảo có thể vận chuyển bao nhiêu hàng cũng được, miễn là hàng không “nhạy cảm” (nằm trong danh mục cấm như dao, kiếm…). Nhưng chỉ một lúc sau, nhân viên này “mở ngõ”: “nếu có hàng “nhạy cảm” thì báo trước để tính”.

Anh T.D, với kinh nghiệm từng nhiều lần mua hàng từ TQ, cho biết khi hàng về đến Việt Nam, để tiết kiệm chi phí có thể đến tận kho để lấy, hoặc nhờ phía vận chuyển “ship” đến cho mình. Nhưng theo anh thì các dịch vụ này cũng hạn chế người khác đến tận kho và các kho hàng thường xuyên “cửa đóng then cài” để ít gây chú ý, do hàng hóa đều vận chuyển tiểu ngạch, không đóng thuế, không có chứng từ. Đi thực tế địa chỉ kho được giới thiệu trên trang web của một số dịch vụ như Ordertrung… (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), Qing… (P.14, Q.Tân Bình)… thì đúng là luôn đóng cửa. Như lời anh T.D thì phải có đơn hàng, đến nhấn chuông có người ra xác nhận mới mở cửa giao hàng.

Thế nhưng, chính trang web của các dịch vụ trên không ngần ngại quảng bá đã cung ứng cho nhiều cửa hàng chuyên bán hàng từ TQ.

Loạn kênh bán hàng
Mua hàng không khó, thanh toán vận chuyển dễ dàng và đến nay thì phương tiện bán hàng càng không khó. Nếu như mô hình bán hàng truyền thống phải thuê mặt bằng mở cửa hàng tốn nhiều chi phí thì giờ đây còn có hàng loạt kênh bán hàng qua mạng xã hội, các sàn giao dịch – kênh bán hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki… và đặc biệt gần đây là sự nổi lên của TikTok Shop. Theo những báo cáo thị trường mới đây, dù chỉ mới có mặt tại Việt Nam khoảng 1 năm nhưng TikTok Shop đã nổi lên vị thế kênh thương mại trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Thông cáo do TikTok phát đi mới đây cho biết: “Trong năm 2022, TikTok Shop đã ghi nhận mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) của TikTok Shop tăng gấp 11 lần, trong đó số lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần. Số lượng các nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung gia nhập vào TikTok Shop cũng tăng nhanh đáng kể với tốc độ lần lượt hơn 13 và 9 lần so với năm ngoái”.

Dường như với lý do chỉ đóng vai trò sàn giao dịch điện tử trung gian nên một số sàn giao dịch gần như thả nổi các vấn đề nguồn hàng, chứng từ hàng hóa của bên bán, dù có hẳn một chương trình hỗ trợ bán hàng, hướng dẫn cách thu hút khách… Chính vì thế, nhiều người nhập hàng lậu từ TQ về Việt Nam đã chọn những kênh bán hàng này để tung hàng ra thị trường. Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, trang mạng còn chứa vô số nội dung từ việc hướng dẫn đặt hàng, vận chuyển và bán hàng thông qua các kênh trên.

Cứ như thế, tất cả tạo thành một hệ sinh thái để hàng nhập lậu từ TQ được bán tại Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới