Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựNhững cú 'bắt tay' quân sự TQ- Thái Lan

Những cú ‘bắt tay’ quân sự TQ- Thái Lan

Thời gian qua, Trung Quốc và Thái Lan tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác về quân sự, bao gồm nhiều hợp đồng vũ khí “khủng” và cả những thỏa thuận ngầm.

Tàu đổ bộ HTMS Chang được Trung Quốc bán cho Thái Lan.

Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lý Thường Phúc ngày 10.6 có cuộc gặp với tướng Narongphan Jitkaewtae, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, tại Bắc Kinh.

Theo đó, tại cuộc gặp Bộ trưởng Lý khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Thái Lan để “duy trì ổn định khu vực và đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực”. Còn tướng Narongphan bày tỏ sự ủng hộ đối với “vai trò quan trọng” của Bắc Kinh trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và quân đội hai nước.

Các hợp đồng vũ khí “khủng”
Những năm qua, Thái Lan đã mua nhiều đơn hàng vũ khí có giá trị lớn từ Trung Quốc. Cuối tháng 4, tờ Khaosod dẫn lời đô đốc Choengchai Chomchoengpaet, Tham mưu trưởng Hải quân Hoàng gia Thái Lan, cập nhật thông tin về tàu ngầm lớp Nguyên (chạy bằng điện-diesel) mà nước này mua từ Trung Quốc. Theo đó, tàu ngầm của Thái Lan đặt mua sẽ sử dụng động cơ CHD 620 của Trung Quốc thay cho động cơ được cung cấp bởi Đức. Nguyên nhân là vì phía Đức từ chối cung cấp do các quy định về lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc. Dự kiến, sau hơn 3 năm nữa thì tàu ngầm sẽ được giao cho Thái Lan.

Năm 2017, Thái Lan đặt mua chiếc tàu trên với giá 395 triệu USD. Sau đó, Bangkok dự kiến đặt mua thêm 2 chiếc loại này với tổng giá trị 657 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình đóng chiếc tàu đầu tiên bị trục trặc, đồng thời do các khó khăn về kinh tế nên Bangkok cũng đình chỉ việc mua bổ sung 2 tàu ngầm.

Trong khi đó, cuối tháng 4 vừa qua, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức tiếp nhận tàu đổ bộ HTMS Chang từ Trung Quốc. Là dòng tàu đổ bộ cỡ lớn Type-071, HTMS Chang có độ choán nước toàn tải lên đến 25.000 tấn, có thể chở theo 800 binh sĩ, 4 tàu đệm khí đổ, hàng chục xe bọc thép chiến đấu… và trực thăng tác chiến đa nhiệm. Chiếc tàu này được Thái Lan đặt hàng Trung Quốc từ năm 2019 với giá khoảng 130 triệu USD.

Ngoài ra, theo tờ Bangkok Post, Thái Lan vào năm 2016 đã đặt mua 28 xe tăng hạng nặng VT4 của Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 140 triệu USD. Đến năm 2017, Bangkok đặt mua thêm 11 chiếc với giá khoảng 58 triệu USD, rồi mua thêm 14 chiếc VT4 với giá hơn 66 triệu USD vào năm 2018.

Bình luận trên tờ South China Morning Post, chuyên gia về các vấn đề quốc tế Ian Storey từng đánh giá việc Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế cung cấp vũ khí cho Thái Lan kể từ sau vụ đảo chính năm 2014 đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí cho Bangkok.

Tướng Thái Lan từng muốn giúp Trung Quốc răn đe trên biển?
Liên quan các thỏa thuận mua bán vũ khí của Bangkok với Bắc Kinh, cuối năm 2020, tờ Khaosod đã đăng tải bản chụp bức thư được cho được gửi đi vào tháng 9 cùng năm do đô đốc Luechai Rutdit, khi đó giữ chức Tư lệnh Hải quân Hoàng Gia Thái Lan, gửi cho Cục phó Cục Công nghệ công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Qua bức thư, tướng Luechai đề nghị phía Trung Quốc cử đại diện để bí mật sang Thái Lan ký kết các thỏa thuận cần thiết để xúc tiến kế hoạch mua tàu ngầm thứ 2 và 3.

Trong bản chụp trên có cả nội dung tướng Luechai đề cập chiếc tàu đổ bộ Type-071 mà Thái Lan đặt mua của Trung Quốc vào năm 2019. Qua thư, tướng Luechai đề nghị chiếc tàu Type-071 được bán cho Thái Lan cũng sẽ có trang bị tương đương với tàu cùng loại mà hải quân Trung Quốc đang sử dụng. Ông đề nghị tàu đổ bộ Type-071 của Thái Lan nên được trang bị pháo 76 mm loại AK-176MA, 4 hệ thống pháo cận chiến 30 mm loại AK-630.

Ông Luechai cho rằng điều đó giúp tạo ra “biện pháp răn đe chiến lược khi Thái Lan điều động tàu đổ bộ Type-071 hoạt động ở vịnh Thái Lan hoặc ở Biển Đông. Như thế sẽ khiến “các bên khác” hiểu rằng tàu Type-071 có khả năng hoạt động xa bờ một cách không giới hạn”.

Gần đây, Trung Quốc thường xuyên điều động các tàu Type-071 tham gia tuần tra, tập trận ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông…

Một đoạn khác trong bản chụp, vị tướng Thái Lan còn cho rằng: “Điều đó chứng minh khả năng răn đe và sự sẵn sàng của hải quân Trung Quốc ở Đông Nam Á”. Tuy nhiên, trả lời tờ Khaosod lúc ấy, phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Thái Lan từ chối bình luận về bức thư. Mặc dù vậy, với những gì được công khai về hợp tác quân sự giữa 2 nước, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan những năm qua không ngừng được thắt chặt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới