Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu hydro sạch hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới.
Việc Trung Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào nhập khẩu hydro sạch sẽ tiếp tục cho đến khi nước này đạt được mức gần như tự cung tự cấp trong khoảng thời gian từ năm 2050 đến năm 2060, Deloitte thông tin.
Trung Quốc dự kiến trở thành nhà nhập khẩu hydro sạch lớn nhất thế giới và nước này cần 13 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 để nền kinh tế có mức carbon thấp. Trung Quốc có kế hoạch đạt mức trung hoà carbon vào năm 2060.
Thị trường hydro sạch của riêng Trung Quốc được dự đoán đạt 265 tỉ USD hàng năm vào năm 2050.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 55% thị trường năng lượng sạch vào năm 2030, do nhu cầu tăng vọt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc” – Will Symons – Trưởng nhóm Khí hậu và Bền vững châu Á Thái Bình Dương tại công ty Deloitte – cho hay.
Theo ông, nhu cầu ở châu Âu sẽ lên tới 10 triệu tấn, tiếp theo là 7,5 triệu tấn của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Li Guohui – phó chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Đường ống Dầu khí Trung Quốc (CPPEC) – tiết lộ vào tuần trước rằng Trung Quốc dự kiến tổng nhu cầu hydro tăng lên 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2060.
Ông chỉ ra, tất cả hydro được sản xuất ở Trung Quốc sẽ được vận chuyển qua mạng lưới đường ống dài 6.000 km vào năm 2050, nối các tỉnh và thành phố phía bắc, trong đó có Ninh Hạ, Nội Mông, Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân và Hắc Long Giang.
Tháng 3 năm nay, ông lớn năng lượng Trung Quốc PetroChina đã bắt đầu xây dựng đường ống đầu tiên của đất nước để vận chuyển hydro xanh được sản xuất tại mỏ dầu mà công ty này vận hành ở tỉnh Cam Túc.
Khi hoàn thành vào đầu năm 2024, dự án được cho là có khả năng sản xuất 7.000 tấn hydro xanh mỗi năm và tạo ra 278 kilowatt giờ điện.
Theo Deloitte, thế giới cần sản xuất khoảng 170 triệu tấn hydro sạch mỗi năm vào cuối thập kỷ này và gần 600 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050 để đạt được mức trung hòa carbon và giải quyết biến đổi khí hậu.
Hydro sạch được tạo ra từ cả năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch thông qua việc sử dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS), có thể chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2).
T.P