Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhó cho ông Blinken

Khó cho ông Blinken

Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới Bắc Kinh ngày 18/6 này thực hiện chuyến thăm Trung Quốc. Thời điểm này, chuyến công du của ông Blinken đang được dư luận gắn cho sứ mệnh quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Thông tin đã được nhiều hãng truyền thông phương Tây, trong đó có các hãng lớn như Reuters, CNN, BBC…loan báo. Dễ nhận thấy, tiếng là “bạo mồm bạo miệng”; là tháo vát, ma mãnh trong moi tin, tới lúc này, chưa một hãng nào nêu rõ danh tính nhân vật cụ thể phát tin, mà chỉ thận trọng viết rằng, nó được “tiết lộ” từ một quan chức Mỹ.

Đến danh tính người cung cấp thông tin còn tù mù, thì nội dung cụ thể chuyến công du làm sao mà biết được. Không biết, nhưng có thể khẳng định: không thể là một hoạt động ngoại giao mang tính hình thức, ngược lại, chuyến công du rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung “xuống đáy” hiện nay. Nói cách khác, ông Blinken hẳn đang được kỳ vọng làm dịu xuống những căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường. Thử thách càng nặng nề hơn bởi, nếu có mặt ở Bắc Kinh, ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. 5 năm mới có một lần, không công thì khó coi cho ông Blinken quá.

Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định, ở chiều ngược lại, nếu đạt kết quả, ông Blinken sẽ được ghi nhận như một trong những chính khách ngoại giao Mỹ để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình và nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ – Trung từ sau “chiến tranh lạnh”, cũng là quá trình quốc gia đông dân nhất thế giới tỉnh giấc sau “giấc ngủ đông”, vươn vai đứng dậy thách thức địa vị siêu cường số 1 của Mỹ.

Sử mệnh lớn lao thế, nhưng nhiều người cho rằng thách thức với ông Blinken cũng lớn không kém. Nó bao gồm những bướng bỉnh, ngang ngạnh của Trung Quốc, thể hiện bằng sự “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh đối với Washington. Chuyện xa chưa cần nói, chỉ kể những gì xảy ra vài năm gần đấy.

Về kinh tế: Trung Quốc xuống tay tất toán sòng phẳng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Mỹ chơi đòn thuế, thì Trung Quốc cũng chơi đòn thuế. Về cuộc chiến công nghệ, Mỹ và đồng minh gây khó dễ trong cung ứng chíp và bán dẫn chỉ khiến Trung Quốc loạng choạng trong thời gian đầu; sau đó họ dùng ngón đòn “đất hiếm” (mà Trung Quốc có trữ lượng lớn nhất thế giới) để đe lại. Đó là chưa kể, cấm vận của Mỹ càng khiến Trung Quốc có thêm động lực đầu tư, nghiên cứu, phát triển nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ bán dẫn vào Mỹ và phương Tây.

Về cuộc tranh giành ảnh hưởng trên không, trên biển, hóa ra, chính Mỹ mới là bên hoang mang sau vài bốn cú Trung Quốc cho phi cơ, tàu chiến chơi những cú “cắt mặt”, “cắt mũi” liều lĩnh hồi tháng 2 và đàu tháng 6 vừa qua trên trời và trên eo biển Đài Loan…

Những động thái quyết đoán đó cho thấy, Bắc Kinh “chẳng ngắn” bất kỳ một hành động manh động nào. Làm điều đó vì sự ngang ngược thường có đã đành, quan trọng hơn, Bắc Kinh còn nắm thóp Mỹ đang trong thế lo ngại phải đối mặt với những tình huống quân sự vượt ra ngoài khả năng kiểm soát, với quân đội Trung Quốc.

Một khi Bắc Kinh đã ương tới thế, ngang tới mức đó, thì dẫu ông Blinken có hiện diện tại Bắc Kinh thật như thông tin rò rỉ, chắc gì điều mà Washington mong là hai bên cùng “kiềm chế” để tránh những “tương tác quân sự không cần thiết” có thể nhận được cái gật đầu của chủ nhà.

Bài học nhỡn tiền còn đó: là cái bắt tay lạnh lùng cùng vẻ mặt khinh khỉnh mà ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc dành cho người đồng cấp Mỹ là ông Lloyd Austin trong bữa tiệc tối khai mạc Đối thoại Shangri-La ở Singapore tối 2/6.

Tóm lại, chuyến công cán Bắc Kinh của ông Austin có thể không trục trặc như hồi đầu năm do vụ khinh khí cầu Trung Quốc bất thình lình bay vào và bị Mỹ bắn rơi; ông sẽ hiện diện ở Bắc Kinh ngày 18/6. Tuy nhiên, kết quả mang về có đáng như kỳ vọng của Washington hay không – đó vẫn còn là một câu hỏi?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới