Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgón võ độc của CS TQ đối với Hoa kiều

Ngón võ độc của CS TQ đối với Hoa kiều

Gần đây, một nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc đã mất liên lạc tại Lào. Hàng xóm cho biết ông đã bị cảnh sát Lào và Trung Quốc đưa đi. Một nhà hoạt động khác đã chia sẻ với truyền thông về trải nghiệm tương tự khi ông đang tị nạn tại Thái Lan. Nhớ lại trải nghiệm khi đó, ông cho biết vẫn cảm thấy rất kinh hoàng.

Ảnh minh họa cảnh sát Trung Quốc bắt giữ người.

Ông Kiều Hâm Hâm (Qiao Xinxin), tên thật là Dương Trạch Vĩ (Yang Zewei), một công dân Trung Quốc sống ở Lào, đã mất liên lạc vào ngày 31/5 vừa qua. Những người hàng xóm của ông xác nhận rằng, ông đã bị 2 cảnh sát Lào và 6 cảnh sát Trung Quốc còng tay đưa đi.

Ông Kiều là người khởi xướng Phong trào Phá dỡ Tường lửa. Phong trào này kêu gọi chính phủ và quốc hội của tất cả các quốc gia trên thế giới gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh để dỡ bỏ tường lửa Internet, họ hy vọng rằng người dân Trung Quốc sẽ có quyền tự do vào trang web của các quốc gia khác.

Một chiến dịch giải cứu ông Kiều đã được triển khai ở hải ngoại.

Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shenliang) là một thành viên đội giải cứu, đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến ​​​​ở Hà Lan. Theo đoạn ghi âm do ông Lâm cung cấp, ông đã gọi điện đến Đồn cảnh sát thị trấn Linh Quan, huyện Kỳ Đông, tỉnh Hồ Nam – nơi đăng ký hộ khẩu của ông Kiều Hâm Hâm để tìm hiểu tình hình. Nhân viên đồn cảnh sát cho biết, “vụ án của ông ta do tổ chuyên án phụ trách”.

Cũng có thông tin rằng, Phòng Thương mại tỉnh Hồ Nam tại Lào đã tham gia chiến dịch bắt giữ ông Kiều Hâm Hâm cùng với cảnh sát Hồ Nam.

Trải nghiệm bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ ở Thái Lan
Một nhà hoạt động nhân quyền khác trong đội giải cứu kể trên là ông Hình Giám (Xing Jian) ở New Zealand. Ông Hình cũng từng bị cảnh sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ xuyên biên giới. Nhớ lại trải nghiệm khi đó, ông cho biết vẫn cảm thấy rất kinh hoàng: “Thế lực đỏ của ĐCSTQ lan rộng khắp thế giới, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của Hoa kiều”.

“Khi đó tôi đang ở Thái Lan, tôi không ngờ rằng cảnh sát Trung Quốc lại có thể trực tiếp đến Thái Lan để đưa tôi đi, và sau đó cảnh sát Thái Lan còn hợp tác với họ. Sự việc lúc ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”, ông Hình nói.

Là người tị nạn được Liên Hợp Quốc bảo vệ nhưng vẫn bị bắt giữ
Vào khoảng 5h chiều ngày 25/11/2019, ông Hình Giám đang nghỉ ngơi trong phòng của mình. Đột nhiên, bảo vệ tầng dưới dẫn theo mấy người của Cục Di dân Thái Lan xông vào cửa, cảnh sát trực tiếp đè ông xuống giường và còng tay ông. Ông cố gắng đứng dậy, nhưng một sĩ quan cảnh sát đã đánh gục ông.

Ông Hình Giám nói với họ rằng ông là người tị nạn chính thức được Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) chấp thuận và bảo vệ. Nhưng cảnh sát Thái Lan đã phớt lờ và vẫn kiểm soát ông như một tên tội phạm, đồng thời cho ông xem các tài liệu (bằng tiếng Anh) của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan và giấy bắt giữ của Cục Công an huyện Liên Thủy, tỉnh Giang Tô.

Sau đó, cảnh sát Cục Di dân Thái Lan gọi điện thoại. Người ở đầu dây bên kia nói tiếng Trung, sau khi xác nhận thông tin cá nhân của ông Hình Giám, họ nói: “Sẽ đến ngay”. Viên cảnh sát của Cục Di dân còn ra hiệu với ông Hình Giám rằng, người nghe điện thoại là một cảnh sát Trung Quốc.

Cảnh sát Trung Quốc: ‘Có giết mày ở Thái Lan thì cũng không ai biết đâu’
Lúc 5h30, có 6 – 7 cảnh sát của Cục Di dân Thái Lan đi vào phòng của ông Hình Giám. Họ bắt đầu lục lọi các hộp, tủ, kệ và kiểm soát máy tính, điện thoại di động, ổ cứng, v.v. của ông. Vào khoảng 5h40, có 4 công an Trung Quốc (mặc thường phục) bước vào phòng của ông Hình.

Ông Hình Giám hỏi họ đến từ đâu? Một cảnh sát cho biết họ đến từ Giang Tô và sẽ đưa ông trở lại Trung Quốc. Theo giấy bắt giữ hình sự của Cục Công an huyện Liên Thủy, tỉnh Giang Tô, ông Hình nhận định họ là công an của huyện này.

Ông Hình cho biết giấy bắt giữ ghi rằng theo hơn 100 điều khoản của Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc, ông Hình Giám hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù huyện Liên Thủy, tỉnh Giang Tô (chủ yếu là tội cố tình gây sự và kích động rắc rối).

“Bạn thử nghĩ xem, tôi đã ở Thái Lan rất nhiều năm (ông Hình đến Thái Lan vào năm 2015) và tôi chưa bao giờ rời khỏi đất nước này. Làm sao tôi có thể bị nhốt trong trại giam ở Liên Thủy, Giang Tô? Họ nói tôi là một tên tội phạm bị truy nã, đó không phải là chuyện đùa sao?”.

“Có nghĩa là, chính phủ ĐCSTQ có rất nhiều ảnh hưởng ở Đông Nam Á, họ có thể bịa đặt bất cứ điều gì và bắt giữ bạn. Mà chính phủ các nước Đông Nam Á lại khá là hợp tác với họ”.

Cảnh sát Giang Tô cũng bật máy tính của ông và thao tác bất hợp pháp. Họ buộc ông phải nói mật khẩu điện thoại di động của mình nhưng ông từ chối. Một cảnh sát Trung Quốc hơi mập mạp đã cưỡng chế ấn ngón tay của ông vào màn hình để nhận dạng dấu vân tay nhưng không được, hắn rất tức giận. Lúc này một cảnh sát Thái Lan định dùng chiếc cặp đánh lên đầu ông Hình Giám nhưng đồng nghiệp của anh ta đã ngăn lại.

Ông Hình Giám nói: “Vào ngày tôi bị bắt, cảnh sát ở Liên Thủy, Giang Tô, còn nói với tôi một câu: ‘Có giết mày ở Thái Lan thì cũng không ai biết đâu’. Họ hung hãn tới mức độ như vậy”.

Bị giam tại Bangkok và bị kết án
Vào khoảng 6h chiều ngày hôm đó, các nhân viên Cục Di dân Thái Lan đã đưa ông Hình Giám vào một chiếc xe cảnh sát và áp tải ông đến Cục Di dân gần Công viên Lumpini ở Bangkok. Ông đã hỏi viên cảnh sát rằng đồ đạc của ông đâu, và được trả lời rằng tất cả chúng đã được giao cho cảnh sát Trung Quốc.

Sau đó, ông Hình Giám bị đưa đến một trung tâm giam giữ người nhập cư. Trước đó, viên cảnh sát của cục di dân đã đưa các văn bản pháp lý và yêu cầu ông ký tên, nhưng do không có tiếng Trung và ông không thể hiểu những gì được viết trên đó, nên tất cả ông đều ký là “Hình Giám sẽ không trở lại Trung Quốc”.

Ngày hôm sau (26/11/2019), cảnh sát từ Cục Di dân Thái Lan đã đưa ông ra tòa và cáo buộc ông tội ở lại quá hạn. Ông Hình Giám nói với quan tòa rằng, bản thân ông kính sợ và tôn trọng pháp luật của Thái Lan, đồng thời cũng yêu cầu chính phủ Thái Lan thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tôn trọng Công ước Quốc tế về người tị nạn và tuân thủ nguyên tắc quốc tế về việc không đưa người tị nạn trở về quốc gia mà họ đang chạy trốn.

Thẩm phán đã phớt lờ lời bào chữa của ông Hình Giám và kết án ông, ông bị “phạt 2.500 baht (khoảng 1,7 triệu VND) và cấm nhập cảnh Thái Lan một năm”. Chữ ký của ông vẫn là “Hình Giám sẽ không trở lại Trung Quốc”.

Ông Hình Giám kể lại rằng, ngày hôm sau họ không đề cập đến cảnh sát Trung Quốc và hoàn toàn tuân theo thủ tục tư pháp của Thái Lan. Cách xét xử cũng khá lạ lùng, “Nếu nhận tội thì hình phạt giảm đi một nửa, không nhận tội thì sẽ y theo bản án”.

Cầu cứu bên ngoài, được giải cứu sang New Zealand
Khi đó ông Hình Giám đã nhận tội. “Đầu tiên tôi phải tìm thời gian để giữ liên lạc với thế giới bên ngoài, bởi vì không ai biết việc tôi bị bắt. Nếu khi đó tôi không nhận tội, họ có thể tống tôi vào tù thay vì nhà giam người nhập cư. Thời gian của tôi ngày càng ít”.

Trung tâm giam giữ người nhập cư có điện thoại, ông Hình Giám đã nhanh chóng gọi cho người bạn tị nạn của mình ở Thái Lan là ông Liễu Học Hồng (Liu Xuehong). Ông Liễu và vợ đã đến nơi ở trước khi bị bắt của ông Hình Giám và xin chủ nhà cho trích xuất đoạn video ông Hình Giám bị bắt giữ, sau đó họ nộp cho các quan chức của UNHCR.

Ông Hình cho biết: “Văn phòng của chủ nhà ở tầng một có camera, vừa có thể quay được bãi đậu xe ở tầng dưới, vừa quay được cảnh cảnh sát Thái Lan và Trung Quốc đưa tôi đi”.

Bị giam giữ trong nhà tù dành cho người nhập cư, ông Hình Giám đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. “Khi tôi ở trong nhà giam nhập cư, họ đưa cho tôi một giấy tờ phân biệt thân phận đặc biệt, trong đó viết tôi là tội phạm bị ‘truy nã đỏ’ ở Trung Quốc”.

“Truy nã đỏ” là lệnh truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm xuyên quốc gia. Khi đó ông Hình đã viết thư tuyệt mệnh và nói rằng, nếu ông bị dẫn độ, cảnh sát Trung Quốc sẽ nhận được một thi thể.

Đồng thời, Liên Hợp Quốc và chính phủ New Zealand cũng tranh thủ thời gian để cứu người, UNHCR cũng khẩn trương thu xếp cho ông Hình Giám.

“Khi tôi ở trong nhà giam người nhập cư, có một ủy viên nhân quyền cấp cao của Liên Hợp Quốc đã gọi điện trực tiếp từ New Zealand đến để phỏng vấn [tôi]. Khi đó tôi nghe những người ở đây nói rằng hiện giờ ở New Zealand đã rất muộn và nhân viên nhập cư đang làm việc ngoài giờ để thực hiện cuộc phỏng vấn”.

“Cuối tháng 12, sau cuộc phỏng vấn, mọi thứ đều theo trình tự và tôi được khám sức khỏe. UNHCR gửi vé máy bay đến phòng giam của chúng tôi, người đứng đầu phòng giam hô lớn rằng: Anh sắp được thả rồi, sẽ tới New Zealand”.

Vào ngày khởi hành, UNHCR gọi ông Hình Giám ra ngoài và nói rằng chuyến bay đã bị hủy, nhưng lại đưa cho ông một tấm vé khác và nói rằng thời gian đã bị thay đổi. Ông đến sân bay trên một chiếc ô tô có nhiều người bị trục xuất. Một số cảnh sát Thái Lan đã đưa một lượng lớn người vào sân bay. Cảnh sát đứng giám sát và đã không rời đi cho đến khi thấy ông vào cửa kiểm tra an ninh sân bay. Một phụ nữ từ Tổ chức Di cư Quốc tế đang đợi ông Hình Giám ở sân bay.

Tài sản bị cảnh sát Trung Quốc thu giữ không trả
Điện thoại di động của ông Hình Giám và các vật dụng khác đã bị cảnh sát Trung Quốc mang về nước. Sau đó, ông Hình Giám đã nhờ cha mình đến Cục Công an Liên Thủy tỉnh Giang Tô để yêu cầu trả lại tiền và máy tính, v.v., nhưng cho đến nay họ vẫn chưa trả lại.

Ông Hình Giám nói: “Họ thật vô liêm sỉ và lưu manh. Hai điện thoại di động và hai máy tính của tôi đều bị tịch thu, còn có 3.800 USD (khoảng 90 triệu VND) … Điện thoại di động, iPad, máy tính và tiền của tôi đều bị họ cuỗm mất. Họ không trả lại cho tôi và yêu cầu tôi tự quay lại lấy. Tôi đã viết giấy ủy quyền cho cha tôi và ông ấy hoàn toàn có thể thực hiện chức trách và quyền lợi này”.

Vào giữa tháng 1/2020, ông Hình Giám đến New Zealand và bắt đầu một cuộc sống mới, ông cảm thấy an toàn hơn nhiều. “Ở đây khá tốt. Nhưng người Hoa ở hải ngoại vẫn có chút sợ hãi. Họ không dám bàn luận về chính trị, càng không dám nói về một số nhân vật quyền lực ở Trung Quốc, họ cũng lo lắng bị trả thù”.

Ông Hình Giám nói rằng, điều đáng xấu hổ về ĐCSTQ là dưới hệ thống tư pháp của nó, nó phán bạn phạm tội gì là bạn phạm tội ấy, và các nước Đông Nam Á cũng lại đồng tình công nhận, điều này thật đáng sợ.

Gây tổn hại cho ‘hồng nhị đại’ nên bị xử lý?
“Thật ra tôi đã có linh cảm từ trước là họ sẽ bắt tôi. Không ngờ họ lại đến Thái Lan. Trước khi họ bắt tôi, tôi đã nhận được một số tin tức. Lúc đó, hai người làm truyền thông trong nước [Trung Quốc] đã bị bắt với những tội danh vô căn cứ”.

Ông Hình Giám nói rằng khi ở Thái Lan ông đang làm về trang web và có một bản thảo vạch trần các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án của huyện Liên Thủy ở tỉnh Giang Tô. Những nỗ lực của nhóm ông cuối cùng đã khiến một công ty địa phương thiệt hại hàng trăm triệu nhân dân tệ. Sau đó, ông đã điều tra và nghe nói rằng trong vụ đó có một ‘hồng nhị đại’ (thế hệ đỏ thứ hai, con cháu của giới lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ đầu) bị tổn thất lợi ích.

Hiện tại ngoại giới chưa rõ thủ tục bắt giữ xuyên quốc gia của ĐCSTQ, Bộ Công an Trung Quốc có giao cho Công an Liên Thủy Giang Tô xử lý vụ này hay không? Hay cảnh sát Liên Thủy có báo cáo lên Bộ Công an hay không? Tất cả chỉ có thể suy đoán. Ông Hình Giám nói rằng theo một số tin tức ông nghe được sau đó, có vẻ như các quan chức cấp cao của chính phủ Thái Lan không biết về vụ bắt giữ này.

Ông nói rằng, “ĐCSTQ không có quyền bắt giữ một người đang cư trú hợp pháp ở quốc gia khác”.

Ông cũng “hy vọng rằng các chính phủ nước ngoài sẽ không hợp tác với lệnh giam giữ hoặc lệnh bắt giữ của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Thay vào đó, họ nên yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng người này có tội, và hành vi phạm tội đó không thể được cộng đồng quốc tế khoan dung. Nếu không thì chính là [Bắc Kinh] đang phá vỡ công lý tư pháp, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và vi phạm nhân quyền!”.

Luật sư: Các vụ bắt giữ quốc tế của Bắc Kinh là hành vi bắt nạt
Luật sư Diệp Ninh (Ye Ning) ở Washington DC, Mỹ nói với phóng viên The Epoch Times rằng việc dẫn độ phải tôn trọng chủ quyền quốc gia của nước sở tại, trước hết phải có thủ tục pháp lý chính đáng. Nhưng chế độ Bắc Kinh lại đang cố gắng tự ý mở rộng khái niệm thực thi pháp luật trong nước ra nước ngoài. Trong quy tắc ứng xử quốc tế, đây là một kiểu bá quyền, ức hiếp các nước nhỏ.

Tuy nhiên, ông Diệp nói rằng nếu hai nước thông đồng với nhau để bắt giữ người thì đó là một điều đáng hổ thẹn, là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới