“Thẻ vàng” thủy sản của EC là thẻ phạt đối với quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu (EU). Hải sản vào thị trường này đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Hiểu đúng về IUU
Theo thuật ngữ quốc tế: IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành tại quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 1/10/2010, được áp dụng để nhận diện nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, từ đó phân loại các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào liên minh này bằng hệ thống các thẻ màu bao gồm xanh, vàng, đỏ, và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch. Tới nay, 27 quốc gia đã bị phạt thẻ này.
EC quy định tất cả hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu (EU) đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU. Khi một quốc gia bị EC rút “thẻ vàng”, thông tin sẽ bị công bố rộng rãi trên thế giới. Mặt hàng thủy sản của quốc gia đó nhập vào EU sẽ bị tăng cường kiểm tra với thời gian kiểm tra kéo dài làm tăng rất cao chi phí.
Các quốc gia bị cảnh cáo “thẻ vàng” phải tìm cách cải thiện tình hình. Nếu không làm được, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường EU, tức là nhận “thẻ đỏ”. Trường hợp các nước có những cải cách cần thiết sẽ được xóa “thẻ vàng” để nhận “thẻ xanh”.
Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam. Lý do EC đưa ra là Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU tại vùng biển ngoài Việt Nam; công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác của EC.
Việt Nam đã làm gì để gỡ “thẻ vàng”?
Tại thời điểm “rút thẻ vàng” đối với Việt Nam, EC đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị. Mới đây nhất trong chuyến kiểm tra cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương ven biển.
Ghi nhận sau hơn 5 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam đã có nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm quản lý ngành khai thác thủy sản chặt chẽ, theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với khuyến nghị của châu Âu. Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành được 14 quy định nhận diện về IUU vào trong Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017.
Cũng tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, các ban, bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương ven biển đã tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Các địa phương ven biển đã nỗ lực khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu đạt tỷ lệ cao… Ngày 13/2/2023, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.
Được biết trong tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra EC sẽ có chuyển kiểm tra việc thực hiện khuyến nghị về chống khai thác IUU, thay vì vào cuối tháng 5/2023 như lịch thông báo trước đó, nhưng các giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” vẫn triển khai quyết liệt, gấp rút.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền tới các các tàu cá, ngư dân trên biển đã dần di vào chiều sâu, bởi những nỗ lực không ngừng từ trung ương đến địa phương và cả báo chí. Đa số ngư dân đã hiểu và không còn tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của tàu hoặc tổ tuần tra, kiểm soát. Các hành vi cố tình vi phạm về khai thác IUU giảm đáng kể, nhất là các vi phạm về thiếu bằng cấp chuyên môn, giấy tờ tùy thân của thuyền trưởng, thuyền viên tàu cả giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, các các đơn vị chức năng như Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU; xử lý nghiêm các vi phạm về hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đặc biệt là hành vi của tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ để xuất khẩu các lô hàng thủy sản vào thị trường châu Âu.
Với những nỗ lực và sự quyết liệt đó, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể gỡ được “thẻ vàng” trong năm 2023.
Triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các khuyến nghị của EC
Theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, Chính phủ đặt ra mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Theo đó, các đơn vị phải thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.
Đồng thời kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trong kiểm soát tàu cá; xử lý 100% các tàu cá vi phạm…
Thực hiện rà xoát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…
Về nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Xây dựng cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá khai thác thủy sản hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ; xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch và thúc đẩy đàm phán phân định khu vực vùng biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam với các nước như Trung Quốc, Malaysia và các nước láng giềng liên quan khác.
Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU, hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các Hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU và các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật về IUU trong nước và trên diễn đàn quốc tế.
T.P