Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thực hiện chiến lược cân bằng ảnh hưởng trong khu vực

TQ thực hiện chiến lược cân bằng ảnh hưởng trong khu vực

Chuyến thăm Thái Lan của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc vừa qua không đơn thuần là bước triển khai định hướng “trung hòa” các đồng minh quân sự của Mỹ, mà còn giúp củng cố nền tảng thế trận đối ngoại quốc phòng.

Với các tính toán mang tính “cài răng lược” nhằm xen kẽ và đối trọng với ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở nhiều nước Đông Nam Á, thế trận của Trung Quốc tuy đang ngày càng phát huy hiệu quả đáng kể với ba điểm mạnh vượt trội nhưng lại cũng vướng phải hai bất lợi nghiêm trọng.
Ba lợi thế chiến lược

Thứ nhất, Trung Quốc tăng cường tỉ trọng ảnh hưởng quân sự ở Thái Lan. Định hướng này được thực hiện thông qua ba trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất, kể từ năm 2021, Trung Quốc đã phần nào vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Thái Lan khi liên tục bán cho nước này từ xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 cho đến tàu đổ bộ Type 071E.

Trọng tâm thứ hai, được củng cố ngay trong chuyến thăm lần này của ông Lý Thượng Phúc với cam kết đảm bảo an toàn cho động cơ CHD620 do Trung Quốc sản xuất (thay cho động cơ của Đức đang bị ngưng chuyển giao) lần đầu tiên dùng cho tàu ngầm lớp S26-T Yuan theo hợp đồng trị giá 369 triệu USD đã ký với Thái Lan từ năm 2017.

Ở trọng tâm thứ ba, Trung Quốc đã vận động được quyền cùng Thái Lan đăng cai tổ chức hai cuộc tập trận “Commando 2023” và “Hòa bình và Hữu nghị 2023”.

Có thể thấy, trong bối cảnh Mỹ vừa từ chối xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A cho Thái Lan, việc ông Lý Thượng Phúc tiếp cận với cả Tư lệnh Hải quân (vào tháng 4-2023) và Tư lệnh Lục quân của Thái Lan trong chuyến thăm lần này là động thái “chớp thời cơ” đáng chú ý của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc có thể đảm bảo an ninh cho các hành lang kinh tế quốc tế mà nước này đang củng cố ở khu vực Đông Nam Á lục địa.

Trong đó, dựa trên hai nền tảng Sáng kiến thương mại quốc tế Trùng Khánh và Hành lang thương mại đất – biển quốc tế mới (ILSTC), từ năm 2019 Trung Quốc đã hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng kết nối ba bộ phận: hạ tầng kinh tế trên bộ, hành lang kinh tế song phương, và cảng biển có khả năng lưỡng dụng ở cả bốn khu vực vịnh là vịnh Lớn, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và vịnh Bengal.

Thái Lan đóng vai trò là quốc gia kết nối trong hệ thống hạ tầng đường sắt từ Côn Minh đến Lào (hành lang kinh tế CLEC) và Myanmar (hành lang CMEC).

Sự ủng hộ của Thái Lan đối với nỗ lực đảm bảo an ninh cho các tuyến vận tải này có vai trò rất quan trọng đối với các kết nối vận tải xương sống của Trung Quốc ở hành lang kinh tế Trung Quốc – Đông Dương (CIPEC) thuộc Sáng kiến vành đai con đường chủ lực.

Đây rõ ràng là một lợi thế chiến lược của Trung Quốc trong tương quan so sánh với khuôn khổ kinh tế IPEF mà phía Mỹ vẫn chỉ đang đàm phán.

Ở lợi thế thứ ba, Trung Quốc đảm bảo được việc “khép vòng” thế trận đối ngoại quốc phòng ở Đông Nam Á. Chuyến thăm Thái Lan của ông Lý Thượng Phúc đã hoàn thành thế trận tương tác với tất cả các nước ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 3 năm nay.

Trong đó, Trung Quốc đã có bốn hướng tiếp cận, thứ nhất là tham gia tập trận song phương với Campuchia (3-2023), Singapore (4-2023), Lào (5-2023) và mới nhất là cuộc tập trận đa phương Komodo (MNEK-4) do Indonesia tổ chức (6-2023).
Kế đó là gửi tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qi Jiguang) thực hiện thăm viếng hàng hải đến Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Philippines từ cuối tháng 5-2023.

Thứ ba là gửi đại diện tham dự Triển lãm Phòng thủ hàng hải quốc tế (IMDEX) châu Á ở Singapore (từ ngày 3 đến 5-5) và Triển lãm Hàng không – Hàng hải quốc tế 2023 (LIMA 2023) ở Malaysia (từ ngày 23 đến 27-5). Và thứ tư là gửi quyền tổng cục trưởng Cục Tình báo cùng tùy viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến Myanmar vào cuối tháng 5-2023.
Hai điểm yếu

Mặc dù có sự đầu tư bao trùm lên toàn khu vực với các lợi thế vượt trội cụ thể đã nêu, thế trận của Trung Quốc lại để lộ hai điểm yếu mang tính chiến lược. Những điểm yếu này không phải đến từ sự đối trọng của Mỹ hay các nước khác, mà lại xuất phát từ chủ trương thiết kế một mạng lưới đan cài lợi ích giữa các nước lớn của nhóm nước nhỏ thuộc ASEAN.

Thứ nhất, Trung Quốc càng gây ảnh hưởng thì càng giảm tỉ trọng ở các điểm nút như Thái Lan. Cụ thể, Thái Lan đã nỗ lực mở rộng các đối tác quốc phòng của mình khi tổ chức Đối thoại Quốc phòng lần thứ 8 Thái Lan – Ấn Độ, và tiến hành cuộc hội đàm lần đầu tiên giữa Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Thái Lan – Nga tại Bangkok trong tháng 4-2023.

Trong đó, việc duy trì quan hệ quốc phòng với Nga còn cho thấy lập trường “không chọn phe” của Thái Lan dù nước này vẫn đang là đồng minh quân sự hiệp ước của Mỹ.

Và ngay trước khi đón bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Narongpan Jittkaewtae còn đến thăm Washington vào ngày 25-5 nhằm chứng tỏ lập trường duy trì cân bằng ảnh hưởng Mỹ – Trung.

Thứ hai, Trung Quốc càng muốn tiếp cận lại càng bị trung hòa ngược bởi xu hướng “quốc tế hóa” hợp tác quốc phòng của ASEAN.

Xu hướng này thể hiện rõ nhất khi Thái Lan mở rộng quy mô cuộc tập trận như Hổ mang Vàng vào tháng 3-2023 cho cả Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia với Mỹ.

Không chỉ Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á hải đảo cũng đang xúc tiến những động thái tương tự như cuộc tập trận KOMODO (MNEK-4) đang diễn ra đầu tháng 6 do Indonesia tổ chức quy tụ hơn 49 quốc gia trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Các hoạt động triển lãm quốc phòng ở Malaysia (như LIMA-23) và Singapore (IMDEX) cũng bao gồm cả hai phái đoàn từ Mỹ và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới