Ngày càng nhiều nước trên thế giới lựa chọn “phi USD hóa” trong các hoạt động tài chính và thương mại nhằm tránh nguy cơ một ngày nào đó trở thành nạn nhân của cái gọi là “vũ khí hóa” đồng USD, qua đó thúc đẩy xu hướng đa cực trong hệ thống tiền tệ thế giới…
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực “phi USD hóa”. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giành lấy vai trò ảnh hưởng trên thế giới giữa các siêu cường thế giới diễn ra ngày càng quyết liệt, việc Moscow và Bắc Kinh phất ngọn cờ tiên phong không có gì ngạc nhiên. Cùng gánh chịu những hậu quả của việc Washington “vũ khí hóa” đồng USD”, Nga và Trung Quốc đang “bắt tay nhau” để “hất cẳng” đồng USD ra khỏi giao dịch thương mại cũng như hoạt động tài chính không chỉ giữa hai nước mà trên phạm vi toàn cầu.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mà Nga và Trung Quốc là thành viên, đang thúc đẩy việc cho ra đời một loại tiền dự trữ riêng của 5 nước thành viên, có thể dựa trên vàng và các hàng hóa khác, nhưng không phải đồng USD. Dự án này được gọi là R5, cho phép các nước dần tiến hành hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế. Không chỉ Trung Quốc và Nga, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Nam Phi và nhiều khu vực như Trung Đông, Đông Nam Á những tháng qua cũng đang thúc đẩy các thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo giới chuyên gia về các lệnh trừng phạt và cấm vận, tâm điểm của sáng kiến “phi USD hóa” là mối lo ngại một ngày nào đó Mỹ có thể sử dụng sức mạnh tiền tệ của mình để nhắm mục tiêu vào các nước theo như cách đã sử dụng để trừng phạt Nga. Đây cũng là một phản ứng khách quan đối với sự khó lường trong chính sách kinh tế, tài chính Mỹ cũng như việc lạm dụng của Washington đối với đồng USD giữ vị thế là loại tiền tệ dự trữ hàng đầu thế giới.
Vào năm ngoái, toàn thế giới đã choáng váng sau khi một nửa số dự trữ ngoại tệ (300 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa. “Cú đánh” mạnh này chỉ là một trong những đòn trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu được triển khai nhắm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Vụ việc này khiến một số quốc gia có động thái đề phòng nguy cơ họ rơi vào hoàn cảnh tương tự bằng cách tránh việc phụ thuộc vào đồng USD, góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng nhiều ngoại tệ khác nhau để thanh toán trên thế giới. Vai trò của USD trên thế giới cũng vì thế phần nào sẽ bị giảm bớt.
Ở Đông Nam Á, một đại diện cho xu hướng thúc đẩy phi USD hóa là Malaysia. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào đầu tháng 4 đã đề xuất mở một Quỹ Tiền tệ châu Á để giảm phụ thuộc vào đồng USD, theo đài CNBC. Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz cũng cảnh báo nhiều rủi ro nếu châu Á tiếp tục phụ thuộc vào đồng USD.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia hướng đến giảm phụ thuộc vào đồng USD, tại phiên điều trần vào ngày 13/6, Quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ theo dõi sát diễn biến sụt giảm trong việc sử dụng đồng USD trên toàn cầu đồng thời lên phương án chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Trung Quốc bán phá giá đồng USD.
T.P