Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÔng Tập mắc bệnh nghi kỵ

Ông Tập mắc bệnh nghi kỵ

Gần đây, việc ông Thái Kỳ, thân tín của ông Tập Cận Bình, một thân kiêm vô cùng nhiều chức đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Nguyên do gì mà ông Tập lại có cách bố trí nhân sự như vậy?

Ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào ngày 18/5/2023.

Dưới đây là bài phân tích của Tiến sĩ Vương Hữu Quần, một nhà bình luận hiện đang sống ở Mỹ. Ông Vương có bằng tiến sĩ luật của Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Ông từng là một trong những người soạn thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 15, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Theo tác giả, một mặt, cách bố trí đó cho thấy ông Thái Kỳ được ông Tập đặc biệt tin tưởng, mặt khác cũng cho thấy ông Tập đang đứng trên đỉnh quyền lực nhưng lại có rất ít người có thể tin tưởng được.

Đối với ông Tập, đây không phải là một điều tốt, mà là một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn vô cùng lớn.

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX (sau đây gọi tắt là Đại hội 20), “đội quân họ Tập” đã tiếp quản tất cả các chức vụ, từ Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị, đến Ban Bí thư Trung ương, cho đến Quân ủy Trung ương. Tất cả các vị trí chủ chốt đều là người phe Tập. Tuy nhiên trong số ấy ông Tập có thể thực sự tin tưởng bao nhiêu người?

Nhân vật số 2 trong đảng

Theo thứ tự công bố các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới hồi cuối năm 2022, ông Lý Cường đi ngay sau ông Tập. Theo thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Lý Cường là nhân vật số hai trong đảng.

Tuy nhiên trong thời gian qua, ông Thái Kỳ, người đứng thứ 5 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã lần lượt nắm giữ hàng loạt vị trí chủ chốt.

Ông Thái Kỳ hiện là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ.

Ban Bí thư Trung ương là cơ quan hành chính của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị, trên danh nghĩa là do Tổng Bí thư ĐCSTQ chủ trì, nhưng trên thực tế là do Bí thư thứ nhất phụ trách điều hành công việc hàng ngày.

Các thành viên Ban Bí thư Trung ương phụ trách hầu hết các công việc trong ĐCSTQ, họ gồm có:

1. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương (tương ứng với Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương);

2. Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương (ngang với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương);

3. Bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương (bằng với Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương);

4. Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương;

5. Bộ trưởng Công an;

6. Phó Bí thư thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Tất cả các vấn đề lớn muốn trình lên Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị để thảo luận thì đều phải thông qua ông Thái Kỳ.

Vào tháng Ba năm nay, ông Thái Kỳ bất ngờ giữ thêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương (hay Chánh Văn phòng Trung ương). Ông trở thành người đầu tiên kiêm nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương kể từ khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền vào 74 năm trước.

Văn phòng Trung ương chịu trách nhiệm chính về cơ yếu (cơ mật cốt lõi), chăm sóc sức khỏe (sức khỏe của lãnh đạo trung ương), an ninh (an toàn tính mạng của lãnh đạo trung ương) và các công việc khác của trung ương. Chủ nhiệm văn phòng này thường được biết đến với danh xưng “Đại nội tổng quản” của Trung Nam Hải.

Việc kiêm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương khiến ông Thái Kỳ trở thành đầu mối liên lạc then chốt của thượng – hạ, tả – hữu, nội – ngoại. Với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ông Thái sẽ tháp tùng ông Tập trong các chuyến đi thị sát khắp Trung Quốc và công du tới các nước khác trên thế giới.

Thông tin quan trọng hai chiều, một là từ các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, cũng như các cơ quan trung ương và nhà nước báo cáo lên ông Tập, hai là các chỉ thị từ ông Tập về các địa phương và ban bộ ngành khác nhau, đều phải thông qua ông Thái Kỳ.

Ông Thái Kỳ còn phụ trách Cục Cảnh vệ Trung ương – cơ quan chịu trách nhiệm về giám sát và đảm bảo an ninh cho các quan chức cấp nhà nước tại nhiệm và đã rời nhiệm sở.

Hồi tháng 4, ông Thái Kỳ đã phá lệ và đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia. Hai nhiệm kỳ trước, vị trí này chỉ có 2 ghế do Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tương đương với Chủ tịch Quốc hội) và Thủ tướng Quốc vụ viện (tương đương với Thủ tướng Chính phủ) đảm nhiệm. Hiện nay số ghế này đã tăng lên 3, nó cho thấy sự phụ thuộc của ông Tập vào ông Thái Kỳ.

Năm đó khi ông Tập điều chuyển ông Thái Kỳ từ Chiết Giang về Bắc Kinh, vị trí đầu tiên của ông Thái là Phó chủ nhiệm chuyên trách Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia (ngang với cấp bộ trưởng). Ông Thái trở thành trợ thủ quan trọng nhất của ông Tập trong Ủy ban An ninh Quốc gia.

Ông Thái Kỳ còn có một loạt chức danh khác như Trưởng nhóm Tư tưởng và Tuyên truyền Trung ương, Trưởng nhóm Lãnh đạo Xây dựng Đảng Trung ương, Trưởng nhóm Lãnh đạo Giáo dục Trung ương về chủ đề “Tư tưởng Tập Cận Bình”, v.v. Nói chung, ông Thái phụ trách hệ tư tưởng và bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ.

Sự kiêm nhiệm ‘siêu thường’ này khiến ông Thái Kỳ thực sự trở thành nhân vật lớn thứ 2 trong ĐCSTQ, chỉ sau ông Tập Cận Bình.

Như vậy, ông Lý Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Quốc vụ viện, chỉ là nhân vật số 2 trên danh nghĩa.

Ông Tập đang đề phòng những ai?

Điều này cho thấy: Mặc dù ông Lý Cường cũng được coi là thân tín của ông Tập, ông Lý Cường cũng được ông Tập đặc cách đề bạt và trọng dụng, nhưng ông Tập vẫn giữ sự dè chừng về ông Lý Cường.

Việc ông Thái Kỳ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương còn cho thấy, ông Tập thiếu tin tưởng vào ông Mạnh Tường Phong, hiện là Phó Chủ nhiệm Thường trực của Văn phòng Trung ương.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã bổ nhiệm 3 Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương – lần lượt là các ông Lật Chiến Thư, Đinh Tiết Tường và Thái Kỳ. Trước khi được thăng lên vị trí này, hai ông Lật Chiến Thư và Đinh Tiết Tường đều đang là Phó Chủ nhiệm Thường trực của Văn phòng Trung ương. Nhưng đến lượt ông Mạnh Tường Phong, thông lệ này đã bị phá vỡ và chức vụ đó được trao cho ông Thái Kỳ.

Ông Tập Cận Bình cũng có sự dè chừng về ông Đinh Tiết Tường.

Ông Đinh Tiết Tường được ông Tập đề bạt, trọng dụng tại Đại hội 20 và trở thành nhân vật thứ 6 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Ông Đinh cũng là ủy viên thường vụ trẻ tuổi nhất. Đến tháng Ba năm nay, ông Đinh lại được đề bạt làm Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện.

Theo thông lệ trước đây của ĐCSTQ, ông Đinh có thể được bồi dưỡng để thành người kế nhiệm ông Tập.

Tuy nhiên, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện sau Đại hội 20 do ông Tập Cận Bình chủ trì vào ngày 21/4, ông Đinh Tiết Tường lại không được làm phó chủ nhiệm của ủy ban này như thường lệ.

Trong hai nhiệm kỳ trước, vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện đều do Thủ tướng Quốc vụ viện, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương và Phó Thủ tướng Thường trực nắm giữ. Nhưng trong nhiệm kỳ mới, chức vụ này do các ông Lý Cường (Thủ tướng), Thái Kỳ (Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương) và Vương Hỗ Ninh phụ trách.

Ông Đinh Tiết Tường phụ trách công tác thường trực của Quốc vụ viện, chịu trách nhiệm về phát triển và cải cách, giáo dục, khoa học và công nghệ, tài chính, môi trường sinh thái, thuế, thống kê, quyền sở hữu trí tuệ. Tương ứng với đó, ông phụ trách quản lý Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Viện hàn lâm Công trình Trung Quốc.

Công việc của ông Đinh Tiết Tường trong Quốc vụ viện có mối quan hệ quan trọng và trực tiếp với Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện, nhưng ông đã bị đẩy ra ngoài. Điều này cho thấy ông Tập vừa đề bạt nhưng cũng vừa đề phòng ông Đinh.

Ông Tập Cận Bình cũng dè chừng với ông Lý Cán Kiệt, tân Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ.

Trước đây, mỗi khi ĐCSTQ tổ chức đại hội đảng khóa mới, người đứng đầu Bộ Tổ chức Trung ương sẽ bị thay thế ngay lập tức. Tuy nhiên, sau Đại hội 20, ông Trần Hy vẫn giữ chức vụ này và bôn ba tứ phía để bố trí nhân sự cho ông Tập. Khi này, ông Trần cũng đã không còn là Ủy viên Bộ Chính trị hay Bí thư Ban Bí thư Trung ương.

Ví dụ, sau Đại hội 20, khi các bí thư tỉnh ủy hoặc thành ủy của Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Sơn Đông, Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Quý Châu, Phúc Kiến, Liêu Ninh… bị thay thế, đều là ông Trần Hy đi công bố những quyết định này.

Cho đến ngày 29/3 năm nay, khi ông Trần Hy tham dự Hội nghị Hiệu trưởng Trường Đảng toàn quốc, ông vẫn được giới thiệu với chức danh “Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương”.

Từ các bài báo của truyền thông ĐCSTQ, thời điểm ông Trần Hy thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương có thể là từ ngày 29/3 đến ngày 7/4. Tuy nhiên sau đó ông vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Đây là một sự sắp xếp rất hiếm thấy.

Trường Đảng Trung ương là cơ sở giáo dục quan trọng nhất để đào tạo các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Quan chức cao cấp cấp tỉnh, cấp bộ từ trung ương đến địa phương đều từng học tại Trường Đảng Trung ương.

Từ năm 1989 đến năm 2017, trong suốt 28 năm, hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương đều do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm nhiệm, đó là các ông: Kiều Thạch, Hồ Cẩm Đào, Tăng Khánh Hồng, Tập Cận Bình, Lưu Vân Sơn.

Sau Đại hội 19, theo lệ thì lẽ ra ông Vương Hỗ Ninh, khi đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ đảm nhiệm thêm vị trí Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Tuy nhiên, ông Tập đã không để cho ông Vương Hỗ Ninh kiêm nhiệm. Điều này cho thấy: Khi đó ông Tập đã cảnh giác với ông Vương Hỗ Ninh.

Ông Tập đã đưa ông Trần Hy vào làm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, trong khi đó ông Trần chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương. Trên thực tế, ông Tập đã nâng cao địa vị của ông Trần Hy.

Sau Đại hội 20, ông Trần Hy, 70 tuổi, tiếp tục giữ chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương trong khi chỉ là một đảng viên bình thường. Việc này cho thấy ông Tập có rất ít người để có thể tin tưởng. Nó cũng cho thấy ông Tập tin tưởng một cách rất hạn chế vào ông Lý Cán Kiệt – tân Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương.

Về vấn đề Đài Loan

Ông Tập Cận Bình coi trọng vấn đề Đài Loan hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào trước đây của ĐCSTQ.

Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, liệu ông Tập có thống nhất Đài Loan bằng vũ lực hay không đã trở thành một vấn đề nhạy cảm được quốc tế hết sức quan tâm.

Về lý, người đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ nên là quan chức cấp phó nhà nước và có tuổi trẻ, có sức khỏe. Tuy nhiên, sau Đại hội 20, người được ông Tập bổ nhiệm vào vị trí này lại nằm ngoài dự liệu của rất nhiều người.

Theo thông lệ, tuổi nghỉ hưu của các quan chức cấp bộ là 65 tuổi. Vào tháng 12/2022, ông Lưu Kết Nhất, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan vừa tròn 65 tuổi và đến tuổi nghỉ hưu, đây là một sự sắp xếp bình thường. Tuy nhiên, điều bất thường là người kế nhiệm lại là ông Tống Đào, 68 tuổi. Ông Tống Đào sinh tháng 4/1955.

Ông Tống Đào nguyên là Bộ trưởng Bộ Liên lạc Đối ngoại của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Vào tháng 6/2022, ông lui về tuyến thứ hai và trở thành Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Y tế và Thể thao của Chính Hiệp toàn quốc. Chính Hiệp toàn quốc là tên gọi tắt của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, tương đương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

Bất ngờ là tới cuối năm đó, ông Tống Đào lại đột nhiên được cất nhắc từ hàng tuyến thứ hai trở lại hàng ngũ quan chức tuyến đầu, đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan.

Khi này, ông Tống Đào không còn là Ủy viên Trung ương, thậm chí còn không phải là Ủy viên Dự khuyết Trung ương, cũng không phải quan chức cấp phó quốc gia mà chỉ là cấp bộ trưởng.

Thật không thể tin được rằng một vị trí quan trọng và chủ chốt như vậy lại được giao cho một đảng viên bình thường đang dưỡng lão tại Chính Hiệp.

Nguy cơ vây quanh ông Tập

Chỉ từ những sắp xếp nhân sự nêu trên, có thể nói rằng ở cấp cao nhất của ĐCSTQ, có rất ít người thực sự được ông Tập tin tưởng.

Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo trung ương khóa mới của ông Tập lại khá non yếu, chẳng hạn như:

Ông Lý Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Quốc vụ viện, không có kinh nghiệm lãnh đạo các cơ quan của trung ương đảng và nhà nước, cũng chưa từng kinh qua các vị trí Phó Thủ tướng hoặc Ủy viên Quốc vụ;

Ông Đinh Tiết Tường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, chưa từng làm bí thư tỉnh ủy, thành ủy hay vị trí lãnh đạo nào khác trong các cơ quan của trung ương đảng và nhà nước, ngoài kinh nghiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương.

Kể từ sau Đại hội 20, điều ông Tập lo lắng nhất là vấn đề an ninh và ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phải bảo đảm an ninh.

Ngày 30/5, ông Tập chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia sau Đại hội 20 và nói rằng, ĐCSTQ đang phải “đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia phức tạp và khó khăn hơn nhiều”, “đã chuẩn bị sẵn sàng để chống chọi với thử thách trọng đại sóng to gió lớn”.

Các lực lượng chống Tập trong nước sẵn sàng lật đổ ông Tập bất cứ lúc nào.

Trong 11 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, có khoảng 600 quan chức cấp cao (từ cấp tỉnh và cấp bộ trở lên) cùng các quan chức cấp trung khác đã bị điều tra và xử lý. Theo thống kê do chính quyền Trung Quốc công bố, sau Đại hội 18 có 440 người, sau Đại hội 19 có 132 người, sau Đại hội 20 có 39 người, tổng cộng là 611 quan chức đã ngã ngựa. Hơn 600 quan chức này cùng các ông lớn đứng sau họ, cũng như các thành viên gia đình và con cái của họ, ai ai cũng hận ông Tập đến tận xương cốt, có người đã muốn lấy mạng gia đình ông Tập từ lâu.

Có rất ít người có thể được ông Tập tin tưởng, cộng với sự non yếu kể trên của tập thể lãnh đạo mới, cùng việc ông Tập đã đắc tội với quá nhiều người, một khi có sóng to gió lớn thì ông Tập sẽ càng khó “bảo đảm an ninh”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới