Trong khi muốn giữ quan hệ tốt đẹp với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc, Đức phải đảm bảo tuân thủ những cam kết với G7.
Tờ China Daily đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Đức, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Dự kiến, trong hôm nay (19.6), ông Lý sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổ chức tham vấn liên chính phủ trong tuần này.
Nói về chuyến thăm Đức, ông Lý cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Berlin để khám phá thêm tiềm năng hợp tác và thúc đẩy sự phát triển mới trong quan hệ song phương.
Theo hãng Reuters, chuyến thăm của ông Lý sẽ đòi hỏi sự khéo léo của Thủ tướng Scholz trong cân bằng trong quan hệ giữa Đức với Trung Quốc và với các đồng minh trong nhóm G7 (bên cạnh Đức là Canada, Pháp, Ý, Nhật, Anh và Mỹ).
Việc ông Lý chọn Đức cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Âu và châu Á. Sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc và nhu cầu đối với ô tô và công nghệ từ Đức đã thúc đẩy sự tăng trưởng của Berlin trong hai thập niên qua.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2016 và là thị trường cốt lõi của các công ty hàng đầu của Đức bao gồm Volkswagen, BASF và BMW. Đến năm 2022, Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng nhất về thương mại của Đức trong năm thứ 7 liên tiếp. Giá trị trao đổi hàng hóa lên tới khoảng 300 tỉ euro (7 triệu tỉ đồng), theo đài DW.
Các nhà phân tích ở Berlin cho rằng phái đoàn Trung Quốc có thể sẽ vận động chính phủ Đức trực tiếp và gián tiếp thông qua các doanh nghiệp lớn để gây áp lực buộc Liên minh châu Âu không đi quá xa trong việc điều tiết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Vương Nhất Vĩ (Wang Yiwei), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định: “Các cuộc tham vấn của chính phủ Trung Quốc – Đức rất đặc biệt trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn phương Tây”.
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh đã trở nên căng thẳng trong bối cảnh các bên lo ngại liên quan Bắc Kinh. Vào tháng trước, Thủ tướng Scholz đã cùng với lãnh đạo của G7 cam kết “giảm thiểu rủi ro” mà không “tách rời” khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói ý nghĩa của việc “giảm thiểu rủi ro” cần phải được xác định lại, với việc những người theo đường lối cứng rắn yêu cầu giảm bớt hoạt động kinh doanh và tập trung các lĩnh vực như khoáng sản quan trọng.
Dự kiến, sau chuyến công tác Đức, phái đoàn Trung Quốc sẽ thăm Paris và tham dự một hội nghị tài chính vào ngày 22-23.6, theo lời mời của chính phủ Pháp.