Cuộc cách mạng AI đang diễn ra ở Phố Wall khi việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mang tới nhiều chuyển đổi tích cực.
Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều triển vọng cho các ngân hàng khi các công việc hàng ngày được xử lý hiệu quả hơn. Việc phân tích phức tạp và lập mô hình rủi ro cũng được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn nhờ công cụ này.
Theo trang Business Insider, trên thực tế AI đã tạo nên cuộc cách mạng tại Phố Wall từ nhiều năm nay, khi hầu hết các giao dịch đã và đang được thực hiện bằng các thuật toán. Bằng việc xử lý các thông tin tiếp nhận, phân tích và đưa ra quyết định mua hay bán, các thuật toán đang giúp thực hiện từ 60 – 75% lượng giao dịch hàng ngày tại Phố Wall, trung tâm tài chính tại thành phố New York (Mỹ). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu tỷ lệ này có thể cao hơn và AI có chiếm lĩnh hoàn toàn công việc của con người trong việc tìm kiếm lợi nhuận hay không?
Cuộc đua ứng dụng AI
Phố Wall đang kỳ vọng AI sẽ có tác động mạnh mẽ lên các giao dịch tài chính. Theo khảo sát của JPMorgan – một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới có trụ sở tại New York, có tới 53% các giao dịch viên tin AI hay học máy (machine learning) sẽ là công nghệ có ảnh hưởng nhất lên các giao dịch trong 3 năm tới (so với mức 25% năm 2022).
Theo dữ liệu mới từ Công ty tư vấn Evident (Mỹ), tại các ngân hàng phát triển nhất, khoảng 40% các vị trí công việc tuyển dụng có liên quan đến AI như kỹ sư dữ liệu và định lượng, quản trị…
Eigen Technologies, công ty công nghệ có trụ sở toàn cầu tại New York chuyên cung cấp dịch vụ AI cho các ngân hàng như Goldman Sachs và ING, cho biết các yêu cầu về AI từ các ngân hàng đã tăng gấp 5 lần trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Alexandra Mousavizadeh, Tổng giám đốc và là đồng sáng lập Evident, nói rằng việc công ty Open AI (Mỹ) phát hành ChatGPT hồi tháng 11.2022 đã khiến các lãnh đạo ngân hàng nhận thức rõ hơn rằng AI là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực ngân hàng bởi nó mang lại nhiều triển vọng. Bà Mousavizadeh nhấn mạnh: “Chi phí cho nhân tài AI tăng lên rõ rệt. Một cuộc đua AI đã bắt đầu”.
Ví dụ điển hình về sử dụng AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là việc Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức Deutsche Bank phát triển một sản phẩm có khả năng phân tích xem liệu các khoản đầu tư của khách hàng của họ có gặp rủi ro hay không. Ngân hàng còn sử dụng công cụ này để tìm kiếm các quỹ, cổ phiếu và trái phiếu phù hợp với nhu cầu, mong muốn của từng khách hàng.
Bà Kirsten Anne Bremke, Trưởng bộ phận giải pháp dữ liệu toàn cầu của Deutsche Bank, hưởng ứng tích cực việc kết hợp trí thông minh nhân tạo và trí thông minh của con người.
Tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia ING (Hà Lan) đang sử dụng AI để sàng lọc những đối tượng có khả năng vỡ nợ. Trong khi đó, Morgan Stanley đang trong cuộc đua sử dụng AI khi thử nghiệm các công nghệ AI mới, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM). Hiện Morgan Stanley sở hữu bằng sáng chế cho mô hình sử dụng AI và học máy để xác định các thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện chính sách khắt khe hay ôn hoà, từ đó giúp họ dự báo các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ.
JPMorgan cũng có kế hoạch tương tự. Trong hồ sơ nộp xin cấp bằng sáng chế vào tháng 5, ngân hàng này cho biết đã tạo ra một sản phẩm như ChatGPT có khả năng hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Dữ liệu của Evident cho thấy thông qua quảng cáo trên toàn cầu, JPMorgan đã tuyển dụng tới 3.651 vị trí liên quan đến AI từ tháng 2 đến tháng 4, gần gấp đôi các đối thủ Citigroup và Deutsche Bank.
Ông Steven Burrows, Giám đốc của công ty luật đa quốc gia Fieldfisher, nói rằng các ngân hàng đang sử dụng AI để đưa ra các giải pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp hơn, thông qua các công cụ như hoán đổi lãi suất và các công cụ phái sinh vốn chủ sở hữu, cho phép đưa ra mức giá tốt hơn cho khách hàng. Trong khi đó, ông Yuriy Nevmyvaka, Trưởng nhóm nghiên cứu học máy của ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), nói: “Mọi doanh nghiệp, bộ phận giao dịch và nhóm đầu tư đều cố gắng hiểu sâu về AI”.
Ngân hàng Wells Fargo của Mỹ đang sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để hỗ trợ xác định thông tin nào mà khách hàng cần báo cáo cơ quan quản lý, đồng thời giúp họ cải thiện quy trình kinh doanh của mình. Trong khi đó, Ngân hàng BNP Paribas của Pháp đang sử dụng chatbot để trả lời khách hàng và sử dụng AI để phát hiện và ngăn chặn gian lận và rửa tiền. Tương tự, Cast, công cụ giám sát và phân tích bằng AI của ngân hàng Societe Generale (Pháp), sử dụng sức mạnh tính toán của mình để quét các hành vi sai trái có thể xảy ra trên thị trường vốn.
Tính minh bạch và hiệu quả
Việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong các lĩnh vực tài chính và ngân hàng dù mang lại các chuyển biến tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với thị trường tài chính: từ nguy cơ mất việc làm cho đến tính minh bạch và hiệu quả của công nghệ này.
Thứ nhất, nguy cơ về việc mất việc làm trong tương lai sẽ tăng cao. Các nhà phân tích của Goldman Sachs lo ngại rằng 300 triệu công việc toàn thời gian trên toàn cầu có thể bị tự động hóa bởi AI. Con số đó có thể bao gồm 35% ngành hoạt động kinh doanh và tài chính ở Mỹ.
Tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch Công ty Berkshire Hathaway Inc. bày tỏ lo ngại tại đại hội đồng cổ đông của công ty vào ngày 6.5 rằng: “Khi một thứ gì đó có thể làm đủ loại công việc, tôi cảm thấy có chút lo lắng. Bởi vì tôi biết chúng ta không có khả năng đảo ngược diễn biến này”. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Brian Moynihan của Bank of America đánh giá AI có thể mang lại lợi ích to lớn và giúp giảm nhiều đầu việc, nhưng điều quan trọng là cần hiểu rõ quy trình làm việc và ra quyết định như thế nào.
Thứ hai, tính minh bạch là vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi mở rộng sử dụng AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các ngân hàng có nghĩa vụ thực hiện các giao dịch và quyết định giao dịch dựa trên nguồn tin xác thực. Theo chuyên gia Anne Beaumont, đối tác của hãng luật Friedman Kaplan Seiler Adelman & Robbins LLP (Mỹ), một khi mở rộng sử dụng AI thì rất khó có thể lý giải với khách hàng cũng như nhà quản lý về việc ngân hàng đã đưa ra quyết định dựa trên những dữ liệu nào và liệu việc dùng các dữ liệu đó đã xác đáng hay chưa.
Hơn nữa, theo giáo sư về khoa học và công nghệ máy tính Alan Blackwell tại Đại học Cambridge (Anh), các ngân hàng cần sử dụng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau để “đào tạo” công cụ AI và nhiều vấn đề cũng sẽ phát sinh từ đó.
Thứ ba, chi phí phát triển và vận hành công cụ AI rất đắt đỏ. Người sáng lập và Tổng giám đốc Lewis Z. Liu của Eigen Technologies cho biết chi phí ước tính của việc sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn để trả lời các câu hỏi của khách hàng vào khoảng 14 USD/câu hỏi, trong khi đó chi phí để luật sư trả lời chỉ ở mức mức 6 USD/câu hỏi.
Dù vai trò của AI không phải mới trong các giao dịch ở Phố Wall, nhưng nhiều nhà phân tích đang nói tới một tương lai nơi AI có thể thay thế con người thực hiện hoàn toàn các giao dịch tài chính và mang về lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh AI đang bùng nổ và được ứng dụng rộng rãi. Ngày nay, các ngân hàng đang trong quá trình chạy đua “đầy hưng phấn” để phát triển và ứng dụng AI nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, từ đó thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng có những bước thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các tổ chức tư vấn đều cho rằng, các ngân hàng cần xác định rõ lĩnh vực nào mà AI sẽ tạo nên giá trị vượt trội để từ đó có chiến lược ứng dụng AI rõ ràng. Bên cạnh đó, cần tập trung cả vào việc đào tạo nhân viên, tuyển dụng thêm chuyên gia, đồng thời có khung quản trị rủi ro mới để đối phó với các vấn đề liên quan tới AI, môi trường chính sách chưa rõ ràng trong việc ứng dụng AI, cũng như các vấn đề liên quan tới mức độ chính xác của dữ liệu.
T.P