Sunday, December 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTóm lược lịch sử người Hoa ở Việt Nam - Kỳ I:...

Tóm lược lịch sử người Hoa ở Việt Nam – Kỳ I: Quá trình di cư của người Hoa vào Việt Nam

Trong số 54 dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, có nhiều dân tộc đã hình thành từ rất lâu đời và được coi là người bản địa, bên cạnh đó cũng có những dân tộc di cư từ nơi khác đến từ rất sớm. Một trong số đó là dân tộc Hoa.

Người Hoa hay người Hán có nguồn gốc từ Trung Quốc, được xếp vào nhóm ngôn ngữ Hán và được công nhận là một trong 54 dân tộc của Việt Nam. Các tên gọi khác của họ là người Minh, người Trung Hoa, người Bắc, người Thanh, khách nhân …. Người Hoa ở Việt Nam thường được gọi là người Việt gốc Hoa để tránh trường hợp gây tranh cãi về thuật ngữ và thái độ kỳ thị đồng thời không bao gồm người Hoa có quốc tịch Trung Quốc đang sống ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, người Hoa ở Việt Nam có 823.071 nhân khẩu, chiếm 0,78% dân số Việt Nam và đứng thứ 9 trong số những dân tộc đông nhất, họ cư trú chủ yếu tại phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang…. Một số ít hơn thì phân bố ở Quảng Ninh, Bắc Giang và các tỉnh biên giới phía Bắc.

Người Hoa di cư vào Việt Nam qua ba giai đoạn chủ yếu sau đây:

Giai đoạn 1: Người Hoa bắt đầu di cư vào Việt Nam cụ thể là tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng từ trước Công Nguyên, sớm hơn các nước Đông Nam Á khác. Suốt thời kỳ Bắc thuộc họ liên tục di cư đến khu vực này bao gồm nhiều thành phần như quan lại, tướng lĩnh, binh sĩ và gia đình. Một số ở lại hòa nhập với cư dân bản địa và sau này họ nổi lên như những gia tộc Hán Việt đầy quyền lực. Khi nhà Hán sụp đổ nhiều người Hoa có thế lực đã chuyển xuống Bắc bộ nhằm tránh xa thời kỳ hỗn loạn lúc bấy giờ. Các quan lại người Hoa tiếp tục đến đây trong thời kỳ nhà Tùy và nhà Đường. Ngoài quan chức thì còn có nhóm thương nhân, thợ thủ công và thường dân cũng tìm đến nước ta. Theo một số nguồn tài liệu vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, người Hoa tại Bắc Bộ tối đa có thể chiếm tới 20% dân số. Nhưng về sau họ dần bị đồng hóa vào xã hội Việt, vì trong những năm đó họ chỉ là những cá nhân lẻ tẻ định cư ở vùng đất mới chứ chưa tụ thành một lực lượng kinh tế xã hội đáng kể. Cùng với đó là do cơ sở kinh tế của họ còn yếu, số phụ nữ trong các đoàn di cư còn ít nên quan hệ hôn nhân cũng chưa đủ điều kiện để thực hiện trong từng nhóm người Hoa riêng biệt, vì vậy họ dễ bị hòa tan trong cộng đồng dân cư bản địa.

Giai đoạn 2: Vào thế kỷ XVII khi nhà Minh sụp đổ, nhiều đợt di dân tập thể của người Hoa xuống khu vực Đông Nam Á đưa họ đến với Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Nguyên nhân chính của đợt di dân này là bởi đây là giai đoạn mà lịch sử Trung Quốc xảy ra những rối ren và loạn lạc do thay đổi triều đại. Người Hoa mang tư tưởng phản Thanh phục Minh chạy sang các khu vực khác để tránh sự truy sát và bức hại của những thế lực mới lên nắm quyền đất nước.

Tại Việt Nam, những người Hoa di cư vào giai đoạn này chủ yếu đến Đàng Trong. Trong số những đợt di dân đó có những người đã được triều đình nước ta trọng dụng như Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch… Sau đó những người phụ nữ bản địa đã kết hôn với những người tị nạn này và thế hệ con cháu của họ được gọi là người Minh Hương, cùng với người Việt người Minh Hương là một bộ phận người Hoa có công rất lớn trong công cuộc khai phá vùng đất phía Nam.

Giai đoạn 3: Đến cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp xâm lược và biến Nam Kỳ thành một sứ thuộc địa, tình hình di dân của người Hoa vẫn tiếp tục phát triển, bởi tới đầu những năm 1900 thì dân số ở xứ này cũng chỉ vào khoảng sáu triệu người, do đó họ cần nhiều nhân công để khai hoang và khai thác tài nguyên. Chính sách khuyến khích nhập cư lúc này đã được thiết lập. Những người Hoa nhập cư được hưởng quyền lợi tự do đi lại và buôn bán trong xứ thuộc địa, được quyền sở hữu mọi thứ của cải cùng với mọi động sản và bất động sản. Với những chính sách này, chính quyền thực dân Pháp đã thu hút một lượng lớn người nhập cư từ Trung Quốc sang. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến năm 1945 đã có một số lượng lớn người Hoa từ các khu vực bị phát xít Nhật chiếm đóng ở Trung Quốc chạy xuống Việt Nam lánh nạn. Nhưng từ những năm 1949 trở đi việc nhập cư của người Hoa gần như dừng lại do lúc này nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa được thành lập.

Nhìn chung, người Hoa di cư vào cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam từ nhiều địa phương, bằng nhiều con đường, trong những thời gian khác nhau, kéo dài suốt từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến những năm 1950. Trong đó giai đoạn từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX được xem là thời kỳ mà người Hoa di cư đến Việt Nam có tính chất tập trung và đông đảo nhất.
Nói một chút về bối cảnh của nước ta lúc bấy giờ từ cuối thế kỷ XVI trở đi cũng là thời kỳ lịch sử Việt Nam có những biến động đặc biệt, là cục diện chính Trịnh- Nguyễn phân tranh dẫn đến thời kỳ phân chia hai miền: Đàng Ngoài do Chúa Trịnh cai trị và Đàng Trong do Chúa Nguyễn cai trị, cả hai thế lực đều nhân danh bảo vệ triều đình nhà Lê đang suy yếu để giành quyền kiểm soát đất nước.

Trong thời kỳ phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài, thái độ mỗi bên đối với hoạt động ngoại thương cũng có khác nhau, đặc biệt là đối với những thương nhân người Hoa.

Cụ thể Đàng Ngoài của Chúa Trịnh có phần dè dặt và thận trọng đối với hoạt động buôn bán của các thương nhân này. Các Chúa Trịnh thường tìm cách để tách người Hoa ra khỏi người Việt. Chẳng hạn như vào năm 1663, Chúa Trịnh Tạc đã ra lệnh không cho người Hoa ở lẫn lộn với người Việt. Đến năm 1696, Chúa Trịnh Căn lại bắt người Hoa phải theo quốc tục và nghiêm cấm người dân không được mặc y phục theo phong tục và sử dụng ngôn ngữ của họ.

Trái ngược với Đàng Ngoài, chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lại có thái độ hoàn toàn khác. Họ cho rằng cần phải có buôn bán nếu Đàng Trong muốn tồn tại lâu dài. Chính vì thế, người Nhật và người Hoa không những được tạo điều kiện thuận lợi cho sinh sống và buôn bán ở Đàng Trong mà còn được tham gia vào bộ máy chính quyền ở đây.

Có thể nói sự nhập cư ồ ạt của người Hoa và sự hình thành các cộng đồng của họ như một thực thể dân cư tương đối ổn định trong cơ cấu dân cư dân tộc Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVII. Một phần là kết quả của chính sách đón tiếp nồng hậu của chúa Nguyễn và sau đó là triều Nguyễn đối với những di dân người Hoa.

Người Hoa không những được phép cư trú vĩnh viễn tại Việt Nam mà họ còn nhận được rất nhiều ưu đãi từ phía chúa Nguyễn trong giai đoạn từ năm 1592 đến năm 1771 và sau đó là triều đại nhà Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945. Người Hoa được hưởng quyền công dân như người Việt Nam nếu có nguyện vọng sinh sống lâu dài, không phải làm nghĩa vụ quân dịch và lao động công ích. Đối với những người giỏi nghề buôn bán và giao dịch, thì được trao quyền thu thuế. Họ còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực kinh tế.

Trong công cuộc thiết lập triều đại nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh đã nhận được sự giúp đỡ tích cực từ các thương nhân người Hoa. Do đó, sau khi thống nhất được giang sơn Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế xưng hiệu Gia Long và đã cho cải tổ lại các bang hội người Hoa. Ông cho thành lập 7 Bang tại những nơi họ sinh sống theo yêu cầu của nhiều người gốc Hoa có công đó là bang Phúc Kiến, bang Phúc Châu, bang Triều Châu, bang Quảng Châu, bang Quế Châu, bang Lôi Châu và bang Hải Nam. Các bang này được thành lập dựa trên cơ sở đồng hương, đồng phương ngữ nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn tính mạng và của cải vật chất của người Hoa di cư trên đất khách quê người. Mặt khác thông qua các bang nhà Nguyễn có thể quản lý việc làm ăn sinh hoạt và đi lại của người Hoa một cách dễ dàng hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới