Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được sự quan tâm không chỉ của hai nước Mỹ và Trung Quốc mà còn là của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là Nga, Ukraine, Đài Loan…
Ông Blinken đã có cuộc đàm khá dài với người đồng cấp, dài tới 7 tiếng rưỡi là chuyện hiếm xưa nay. Sứ giả của Washington lại có buổi làm việc “tin cậy và thẳng thắn” với ông Vương Nghị – ông trùm ngoại giao của Bắc Kinh, hiện đang giữ cương vị quan trọng: Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và trước khi dời Trung Nam Hải để sang London, hôm 19/6, Ngoại trưởng Mỹ đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón trọng thị.
Vẫn là khẩu khí của người “có gang có thép”, ông Tập nói với ông Blinken: Chuyến thăm của ngài đã đạt được “nhiều điểm chung” với chúng tôi. “Điểm chung” ấy theo ý kiến của bà Hoa Xuân Oánh, Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc (được AFP trích dẫn) là, hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã nhất trí về 5 điểm, trong đó có việc duy trì trao đổi ở cấp cao giữa hai chính phủ “nhằm giảm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai”.
Ông Tập Cận Bình dành cho Ngoại trưởng Mỹ cái nhìn thân thiện. Ông hi vọng “qua chuyến công du này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có những đóng góp tích cực để ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung”. Và, “những tiến bộ đạt được trước đó trong các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là điều tốt”.
Điều khó nói nhất trong cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng là “cái gân gà” Đài Loan. Món này trót nhá rồi thì nuốt không trôi, nhả ra không dễ. Ông Tần Cương chả cần úp mở: “Đài Loan là vấn đề cốt yếu trong những lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Đây cũng là chủ đề quan trọng nhất trong mối quan hệ Trung-Mỹ và là mối nguy hiểm lớn nhất”.
Hiện nay, theo ông Tần, mối quan hệ giữa hai nước đang “ở mức thấp chưa từng có” kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1979). Nhưng ông Tần cho rằng hai bên cần xích lại nhau, trước mắt, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ có chuyến công du Mỹ. Tiếp tục cùng nhau tháo cởi những bất hòa.
Người phương Tây thường thích nói thẳng vào việc. Cho nên chưa rõ việc thì ngoại trưởng Mỹ rất khó mở lời. Những thông tin, hình ảnh hội đàm chủ yếu được tường thuật trên Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc. Sau bữa ăn trưa, ông Blinken đã tham gia một cuộc trao đổi bàn tròn với sinh viên trong chương trình trao đổi Mỹ-Trung. Vào buổi chiều 19/6, ông cũng tham gia một cuộc thảo luận khác với các chủ doanh nghiệp Mỹ.
Về kết quả hội đàm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, các cuộc đàm phán với ông Tần Cương “thẳng thắn, thực chất, mang tính xây dựng”. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh “tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc cởi mở về toàn bộ các vấn đề để hạn chế hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ (giấu tên) cho biết, các cuộc thảo luận đã vượt ra ngoài những điểm thảo luận thông thường. Quả là “một cuộc đối thoại thật sự. Đương nhiên, từ đối thoại đến đồng thuận là một quãng đường dài. Kể cả đã đồng thuận rồi đến khi thực thi vẫn là một ván cờ lắm bí ẩn, bất ngờ.
Về vấn đề Nga-Ukraine.Thế giới đang theo dõi sát sao cuộc tổng phản công cách đây hai tuần của Kiev. Thắng lợi hay thất bại sẽ là cơ sở để xác định bước tiếp theo, hai bên ngồi vào đàm phán, hoặc ngày càng sa lầy.
Nếu như sa lầy sẽ đẩy châu Âu vào thảm cảnh chiến tranh thường trực. Trong khi đó Tổng thống Nga Putin vẫn có thể huy động được nhân lực, tiềm lực để duy trì cuộc chiến “chính nghĩa” để “giải trừ phát xít” (lời biện minh của Putin).
Cuộc chiến kéo dài thì kho vũ khí khổng lồ của Mỹ sẽ bị rỗng. Điều này trái với quan điểm của Lầu Năm Góc và của đại bộ phận thành viên đảng Cộng Hòa. Cựu Tổng thống Donald Trump – ứng viên sáng giá của đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới – đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu ông đắc cử.
Khói lửa trên chiến trường càng kéo dài thì Mỹ càng bị cuốn vào vòng xoáy cuộc chiến vô cùng tốn kém ở Ukraine. Washington vì thế có thể sao nhãng việc củng cố ảnh hưởng ở những khu vực khác.
Nếu Nga và Ukraine chịu ngồi vào bàn đàm phán, thì Mỹ rất cần Trung Quốc tác động đến Nga. Điều Mỹ cần là ông Tập thuyết phục được Putin tạm lùi một bước trong đàm phán. Washington cũng sẽ thuyết phục, thậm chí gây sức ép để Kiev chấp nhận đàm phán.
Đó là những công việc không dễ dàng, bởi mỗi bên tham chiến đều khăng khăng bảo vệ những điều kiện tiên quyết để đối thoại. Ông Putin không có ý định từ bỏ bốn vùng mới chiếm được từ Ukraine. Ông Zelensky vẫn quả quyết là “sẽ không có các lựa chọn nào khác ngoài việc tái chiếm” các vùng bị Nga sáp nhập.
Than ôi, một cánh diều nối với hai dây dưới mặt đất, không khéo điều khiển thì dễ lộn nhào. Chuyến thăm viếng, hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh như sự khởi đầu, như lời chào xã giao mà thôi. Mong muốn thì dầy, hi vọng thì mỏng.
H.Đ