Hôm qua, thị trường chứng khoán khắp châu Á và châu Âu đồng loạt sụt giảm trong bối cảnh giới đầu tư thất vọng vì Trung Quốc vẫn chưa công bố các biện pháp chính sách cần thiết để kích cầu kinh tế.
Cuộc họp Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 16.6 vừa qua, do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì, đã kết thúc mà không có thông báo về gói kích cầu cần thiết để vực dậy nền kinh tế. Sự thất vọng của giới đầu tư đã đẩy Phố Wall ở Mỹ đến tình trạng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ. Và đầu tuần này, tình hình tương tự tái diễn tại các thị trường châu Á và châu Âu.
Các thị trường “đỏ lửa”
AFP đưa tin các thị trường ở Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Singapore, Đài Bắc (Đài Loan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Wellington (New Zealand) đều sụt giảm trong phiên mở cửa giao dịch đầu tuần ngày 19.6. Chẳng hạn, vào thời điểm đóng cửa hôm qua, chỉ số Nikkei 225 ở Tokyo giảm 1% còn 33.370,42 điểm, chỉ số Thượng Hải giảm 0,5% còn 3.255,81.
Cùng ngày, các thị trường châu Âu cũng xảy ra cảnh tượng tương tự do các nhà đầu tư tiếp tục tâm trạng lo lắng về viễn cảnh kinh tế. Theo Đài CNBC, chỉ số FTSE 100 ở London (Anh) có lúc giảm 0,48% giá trị, DAX (Đức) giảm 0,72%, CAC 40 (Pháp) giảm 0,75%, FTSE MIB (Ý) giảm 0,39%, IBEX 35 (Tây Ban Nha) giảm 0,41%. Bên cạnh đó, chứng khoán trong ngành hóa chất dẫn đầu tình trạng này, giảm đến 1,7% giá trị, kế đến là giá dầu WTI và giá dầu Biển Bắc giảm 1% vì giá dầu giao tương lai giảm. Thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu vì đóng cửa nghỉ lễ ngày 19.6.
Mỹ kêu gọi các hãng ô tô giảm lệ thuộc vào Trung Quốc
Diễn biến trên xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng T.Ư của nước này, tuần qua hạ thấp lãi suất ngắn hạn và trung hạn. Đồng thời, cuộc họp Quốc vụ viện không công bố kết quả như kỳ vọng. Trong bản tin cho khách hàng, các chiến lược gia của Ngân hàng đầu tư Jefferies (trụ sở New York, Mỹ) nhận định rằng việc thiếu chính sách kịp thời để kích cầu ở Trung Quốc đã dẫn đến tâm lý quan ngại cho giới đầu tư.
“Trái ngược với một số đồn đoán trước đó, cuộc họp Quốc vụ viện Trung Quốc kết thúc ngày 16.6 mà không có bất kỳ chính sách cụ thể nào được công bố”, AFP dẫn đánh giá của các nhà phân tích Ngân hàng Goldman Sachs (trụ sở New York, Mỹ).
Goldman Sachs cắt dự báo tăng trưởng Trung Quốc
Trong bối cảnh ảm đạm, Goldman Sachs trở thành ngân hàng mới nhất cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng với lý do thiếu chính sách kích cầu cần thiết. Các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ hạ thấp tỷ lệ GDP của Trung Quốc năm 2023 từ 6% xuống còn 5,4%, theo Hãng tin Bloomberg hôm 19.6. Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng bất kỳ biện pháp chính sách nào có thể được Trung Quốc công bố trong thời gian tới được cho sẽ khó vượt qua những biện pháp đã được áp dụng trước đó, bao gồm gói chính sách vào năm 2020.
Theo Goldman Sachs, các chính sách kích cầu nếu có về bất động sản và cơ sở hạ tầng nhiều khả năng bị giới hạn vì dân số giảm, mức nợ tăng cao và việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hạn chế đầu cơ bất động sản.
Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định chính sách Một Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập
Trước ngân hàng Mỹ, một số ngân hàng lớn cũng đã hạ thấp tỷ lệ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc theo sau dữ liệu kinh tế yếu ớt hồi tháng 5. Ngân hàng Nomura Holdings (Nhật Bản) dự báo GDP Trung Quốc năm 2023 là 5,1%, trong khi mức dự báo của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) là 5,2% và Standard Chartered (Anh) đưa ra con số 5,4%.