Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ muốn gắn kết với Pháp - Đức với 2 mục tiêu...

TQ muốn gắn kết với Pháp – Đức với 2 mục tiêu quan trọng

Chuyến thăm Đức và Pháp từ 18 đến 23-6 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, sau hai chuyến công du châu Âu “tiền trạm” của Ngoại trưởng Tần Cương và đặc phái viên về các vấn đề Á – Âu Lý Huy.

Lựa chọn thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đang có chuyến thăm đầu tiên sau nửa thập niên đến Bắc Kinh để bắt đầu công du châu Âu cho thấy phía Trung Quốc dường như mong muốn thay thế Mỹ lấp đầy “khoảng trống quyền lực” ở đây.
Hai mục tiêu từ chuyến thăm của thủ tướng Trung Quốc

Thông điệp trên của Bắc Kinh lại phù hợp với định hướng “tự chủ chiến lược” của cả Đức và Pháp, hai đầu tàu châu Âu.

Dù vẫn là các đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ trong khối NATO nhưng Đức và Pháp lại có xu hướng duy trì khoảng cách đối với các gói trừng phạt kinh tế và công nghệ mà Mỹ đang áp đặt lên Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường có hai mục tiêu chính. Thứ nhất, Trung Quốc muốn củng cố các dự án “tự chủ chiến lược” của châu Âu có kết nối đến nước này.

Điển hình nhất chính là dịch vụ đường sắt chở hàng Trung Quốc – châu Âu với tổng số lượng thành phố của Trung Quốc có gắn kết với tuyến đường lên tới 109, cung cấp dịch vụ vận tải đến 211 thành phố ở 25 quốc gia châu Âu.

Tuyến đường này hoàn toàn không đi qua lãnh thổ của Nga nên giúp cả Trung Quốc và châu Âu tránh được các đứt gãy về vận tải hàng hóa cần thiết cho chuỗi cung ứng Á – Âu.

Ngoài ra, đối với các tuyến giao thương hàng hải, Trung Quốc cũng đang đầu tư vào cổ phần ở 15 cảng biển chiến lược của châu Âu trong đó có 4 cảng (Montoir, Dunkirk, Le Havre, Fos) ở Pháp và 2 cảng (Hamburg, Duisburg) ở Đức.

Việc Đức chấp thuận cho Tập đoàn COSCO của Trung Quốc được phép sở hữu 24,9% cổ phần nhà ga Tollerort (thuộc cảng Hamburg) vào giữa tháng 5 vừa qua sau thời gian tranh cãi được cho là sự nhân nhượng trong kiểm soát của người Đức nhằm duy trì các kết nối không có ảnh hưởng của Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc thúc đẩy hiệu quả quá trình “phân tách” giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu quan trọng. Việc Mỹ tận dụng sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng của châu Âu do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine để xuất khẩu khí LNG với giá gấp bốn lần giá bán trong nước là không thể chấp nhận được ở cả Pháp và Đức.

Ngoài ra, Mỹ còn ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) có vẻ ngoài nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp Mỹ trong giai đoạn chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng thực tế lại mang tính bảo hộ tạo ra nguy cơ khiến các ngành công nghiệp như xe hơi của Đức bị mất lợi thế cạnh tranh.

Đây chính là lý do dẫn đến sự tăng cường tương tác giữa lãnh đạo Đức, Pháp đến Trung Quốc
Đức, Pháp vẫn thận trọng

Cả Thủ tướng Đức Olaf Scholtz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều duy trì hai điểm tương đồng: không tách rời quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà chỉ đa dạng hóa nhằm giảm thiểu rủi ro và không tuân theo cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề liên quan Trung Quốc.

Tuy vậy, cả hai nước vẫn luôn xúc tiến việc giảm dần phụ thuộc cũng như cẩn thận tối đa về an ninh kinh tế trước các quá trình thâu tóm và sáp nhập mà nhóm công ty hàng đầu của Trung Quốc đang tiến hành.

Vào năm 2022, Bộ Kinh tế của Chính phủ Đức đã chặn việc các công ty Trung Quốc tiếp quản hai nhà sản xuất chất bán dẫn cỡ trung bình: chi nhánh Dortmund của công ty Elmos và ERS Electronic có trụ sở ở Munich. Chính phủ Đức trước đây cũng từng hủy bỏ việc một quỹ đầu tư Trung Quốc tiếp quản nhà sản xuất thiết bị chip Aixtron.

Mặc dù khoảng 85% lượng đất hiếm nhập khẩu và nhiều nhóm sản phẩm từ Trung Quốc là “không thể thiếu đối với nền kinh tế Đức” đến từ Trung Quốc nhưng chính phủ liên minh ba đảng của Đức vẫn mở cuộc điều tra vào tháng 3 đối với Tập đoàn Huawei.

Sự khéo léo mang tính nước đôi ở đây nằm ở việc Chính phủ Đức có dấu hiệu kéo dài quy trình thẩm định các quan ngại về an ninh của Huawei trong bối cảnh tập đoàn Trung Quốc này ảnh hưởng đến 60% mạng lưới 5G ở Đức.

Thêm vào đó, việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đồng ý tham dự hội nghị thượng đỉnh cho một hiệp ước tài chính toàn cầu mới theo đề nghị của Tổng thống Pháp Macron từ 22 đến 23-6 là một chỉ dấu tích cực.

Động thái này cho thấy sự nhân nhượng của phía Pháp có xu hướng muốn tranh thủ thiện cảm của Trung Quốc để cùng tạo nên một trật tự tài chính có quan điểm dung hòa giữa các nước phát triển và đang phát triển chứ không nhằm ngả về bất kỳ bên nào.

Nhìn chung, sự gắn bó với thị trường tiêu thụ khổng lồ và nguồn cung ứng đất hiếm chủ chốt của Trung Quốc chính là hai yếu tố quan trọng khiến quan hệ Trung Quốc – châu Âu luôn được duy trì tích cực.

Đặc biệt trong bối cảnh phía Mỹ cũng đang có dấu hiệu xuống thang căng thẳng, Trung Quốc đã chớp thời cơ hoàn thiện các gắn kết “phi Mỹ” với Pháp và Đức. Tuy nhiên, sự thận trọng và dung hòa của trục Pháp – Đức nhằm cân bằng ảnh hưởng Mỹ – Trung theo điều phối của các nước châu Âu dường như đang được triển khai hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới