Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLịch sử người Hoa ở Việt Nam - Kỳ III: Vấn đề...

Lịch sử người Hoa ở Việt Nam – Kỳ III: Vấn đề người Hoa trong mối quan hệ Việt-Trung

Từ trước năm 1949, hầu hết người Hoa ở Việt Nam vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã tuyên bố rằng, tất cả người Hoa ở nước ngoài đều là công dân Trung Quốc nên Trung Quốc có quyền ngoài lãnh thổ và quyền can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ công dân của mình. Đến năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới chính thức thu hồi lời tuyên bố trên.

Tại miền Bắc, trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1975, theo thỏa thuận của hai chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì người Hoa cư trú ở miền Bắc Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai bên đã thống nhất rằng người Hoa ở Việt Nam do chính quyền Việt Nam quản lý và được hưởng đầy đủ quyền lợi của công dân Việt Nam. Đồng thời, quá trình chuyển dần quốc tịch Trung Quốc sang quốc tịch Việt Nam sẽ kéo dài nhiều năm.

Trong thời gian hai miền bị chia cắt, người Hoa ở miền Bắc được hưởng tất cả các quyền của công dân Việt Nam kể cả quyền bầu cử nhưng lại không phải chịu nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trong thập niên 1960 do ảnh hưởng của cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, nên một số người Hoa đã bắt đầu các hoạt động hồng vệ binh của mình, do đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gia tăng áp lực trong việc chuyển đổi quốc tịch của người Hoa sang quốc tịch Việt Nam. Nếu không chuyển đổi quốc tịch đúng hạn thì lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam sẽ dùng biện pháp mạnh để cưỡng chế tài sản và trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam.

Bước sang thập niên 1970, đặc biệt là sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhằm giảm khả năng chính quyền Trung Quốc đại lục lợi dụng người Hoa ở Việt Nam để tiến hành thao túng nền kinh tế, văn hóa, xã hội thì chính phủ Việt Nam đã bắt đầu giảm các bài học về lịch sử Trung Quốc và tiếng Trung Quốc tại các trường học của con cháu người Hoa ở Việt Nam.

Từ vài năm trước đó tại các thành phố lớn tập trung đông người Hoa ở miền Bắc như Hà Nội hay Hải Phòng thì các biển hiệu bằng tiếng Trung cũng bắt đầu biến mất và thay bằng tiếng Việt.

Còn tại miền Nam từ năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất, cùng với đó là chính sách cấm người nước ngoài hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong đó có buôn gạo và bán tạp hóa – những ngành nghề mà người Hoa chiếm ưu thế. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn phải dùng tiếng Việt trong giảng dạy và bổ nhiệm hiệu trưởng người Việt.

Trước những chính sách này, người Hoa đã xuống đường gây bạo động và phản đối. Nền kinh tế của miền Nam cũng vì thế mà chao đảo theo hàng hóa và nông sản ứ đọng tình trạng thất nghiệp liên miên. Để xoa dịu tình hình cũng như thấy được sự ảnh hưởng không thể thay thế của người Hoa trong nền kinh tế, chính phủ Ngô Đình Diệm đã có phần nhượng bộ trong một số vấn đề và 15 năm tiếp theo cộng đồng người Hoa ít khi bị động tới, họ tự quản về nhiều mặt. Các khu người Hoa giống như các vùng tự trị bên trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Vấn đề người Hoa ở miền Nam sau giải phóng ngày càng trầm trọng khi họ treo Quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông tại Chợ Lớn nhằm phản đối việc chuyển đổi sang quốc tịch Việt Nam. Việc này được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách lớn đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản.

Năm 1977, lạm phát 80% cùng với vấn đề tiếp diễn của sự thiếu thốn và vấn nạn đầu cơ lương thực là người Hoa ở Chợ Lớn tổ chức biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc, kèm theo đó là sự ngưng trệ nghiêm trọng của các vùng kinh tế phía Tây Nam do các xung đột tại biên giới với Campuchia. Những điều này làm cho chính phủ Việt Nam lo lắng về nguy cơ đất nước bị rối loạn cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Để chấm dứt tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã đưa ra biện pháp cứng rắn là quốc hữu hóa tài sản của người Hoa. Trong tháng 3 và tháng 4/1978, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều đã bị quốc hữu hóa, vị thế kinh tế của đa số tư sản bị hủy bỏ. Nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế.

Về phía Trung Quốc, họ coi sự việc này là một sự thách thức đối với chính sách bảo vệ Hoa kiều, cùng với đó là một phong trào đòi quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam đã nổi lên. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra chính sách đoàn kết với giai cấp tư sản Hoa Kiều và kêu gọi chống lại chính sách của Việt Nam. Đồng thời, lan truyền về một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến cộng đồng người Hoa hoảng hốt và kết quả là trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc tạo ra nạn thuyền nhân với nhiều câu chuyện thương tâm.

Đến tháng 2/1979, có khoảng 160.000 Hoa kiều hồi hương từ Việt Nam bằng đường biển và đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị. Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới Trung Quốc gọi tình trạng này là nạn Kiều. Thực ra, đây là kết quả của việc Trung Quốc đã dụ dỗ, đe dọa và cưỡng ép hàng nghìn Hoa kiều đang sinh sống yên ổn ở Việt Nam về nước.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xấu đi sau cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 cũng làm tăng thêm số người Hoa rời khỏi Việt Nam. Đến năm 1989, ước tính số người gốc Hoa tại Việt Nam đã giảm từ 1,8 triệu trong năm 1975 xuống còn 900.000 người.

Nhìn chung trước năm 1975, người Hoa ở Việt Nam bị tách thành hai cộng đồng và có sự khác biệt lớn về quy mô, quyền lực kinh tế, tính đa dạng văn hóa, ngôn ngữ và nghề nghiệp, xu hướng chính trị và mối quan hệ với chính quyền sở tại cũng như với Trung Quốc.
Người Hoa hiện diện ở miền Bắc Việt Nam từ thời cổ đại nhưng đến năm 1975 chỉ có khoảng 300.000 người Việt gốc Hoa sống ở miền Bắc và họ chủ yếu sinh sống ở những khu vực nông thôn thuộc các tỉnh biên giới giáp ranh với Trung Quốc cũng như không đóng vai trò đặc biệt trong nền kinh tế Nhà nước.

Trong khi người Hoa ở miền Nam hiện diện muộn hơn nhưng tới khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975 thì hầu hết họ đều đang sinh sống ở các thành phố lớn và có tới hơn 1,5 triệu Hoa kiều sinh sống ở khu vực Chợ Lớn hoặc kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng đặc biệt là sản xuất, phân phối và tín dụng.

Đến cuối năm 1974, người Hoa kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện … và gần như độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu.

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thực thi chính sách đổi mới vào năm 1986, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ngỏ lời muốn hòa giải chính trị và bình thường hóa mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc từ cuối những năm 1980. Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ và đảm bảo văn hóa của người Hoa tại Việt Nam được giữ gìn và người Hoa hiện nay đã là một trong số 54 dân tộc anh em của nước ta. Nhiều người Hoa còn có những hoạt động đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước trong các lĩnh vực kinh doanh, văn hóa, giải trí và thể thao của nước nhà.

Khác với phần đông của các nước Đông Nam Á người Hoa tại Việt Nam đã chọn cuộc sống mở cửa với xã hội sở tại thay vì thu hẹp trong cộng đồng của mình. Tiếp thu về mặt cư trú, ngôn ngữ, giáo dục đã góp phần làm văn hóa của người Hoa ở Việt Nam có những nét đặc trưng riêng biệt.

Do đó, người Hoa ở Việt Nam đặc biệt là Chợ Lớn đã được xem là một cộng đồng đặc hữu và không có sự phân biệt hay trả thù nào từ người Việt. Người Hoa cũng tự tách mình ra khỏi những tranh chấp và phủ nhận sự ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục đồng thời tự xem mình là người Việt Nam và mang gốc gác Văn Hóa thuộc dân tộc Hoa chứ không phải Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Về ngôn ngữ, số đông người Hoa thế hệ sau này ở Việt Nam đã có trình độ giao tiếp và sử dụng tiếng Việt một cách khá hoàn chỉnh và trôi chảy, nhờ những nỗ lực của chính quyền trong việc quảng bá và cập nhật tiếng Việt đối với cộng đồng người Hoa, điều này rất khó tìm thấy ở các thế hệ người Hoa trước đây. Việc sử dụng tiếng Việt không làm mất hẳn tiếng Hoa trong các thế hệ trẻ người Hoa nhiều người trong số họ vẫn sử dụng và thực hành tiếng Hoa tại gia đình hoặc trong các giao tiếp trong cộng đồng người Hoa.

Về văn hóa, có thể nói người Hoa và người Việt có rất nhiều điểm tương đồng trong tập quán, tín ngưỡng, các quy chuẩn khuôn khổ đạo đức và trong nhân sinh quan xã hội nói chung. Do đó, người Hoa hòa nhập rất dễ dàng vào xã hội người Việt, điều này rất khác nếu so với cộng đồng người Hoa ở những đất nước như Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan. Chính vì có nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa mà có sự nhầm lẫn rằng người Hoa tại Việt Nam đang dần bị độc hóa với người Việt và đánh mất bản sắc. Thực tế thì ngoài những điểm rất tương đồng, nền văn hóa và tư tưởng người Hoa vẫn có những bản sắc riêng mà có thể khác biệt đôi chút với người Việt, các thánh nhân như Quan Công, Bao Công, Bồn Đầu Công, Bà Thiên Hậu, Quan Âm Bồ Tát cùng các nhân thần như Ngọc Hoàng, Thủ Công, Táo Quân, Thần Tài, Phật Di Lặc đều được họ truyền tụng và tôn thờ một cách thiêng liêng tại gia và tại các công trình kiến trúc tâm linh như chùa, miếu và các dịp Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Hàn Thực, Đoan Ngọ, Thượng Nguyên …. Chính đời sống văn hóa tâm linh mang đậm nét truyền thống Trung Hoa đã tạo cho cuộc sống của cộng đồng người Hoa vừa hòa nhập với các dân tộc địa phương vừa giữ được bản sắc văn hóa riêng.

Về ẩm thực, nếu bạn muốn khám phá một nơi có những hàng quán chuyên bán những món ăn hấp dẫn của Trung Hoa thì thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một địa điểm lý tưởng. Nói về văn hóa ẩm thực, từ lâu người Sài Gòn đã có câu “Ăn quận 5 nằm quận 3” với ý nghĩa xem vùng Chợ Lớn là một thiên đường ẩm thực của người Hoa với hàng chục món ăn ngon mang đậm hương vị Trung Hoa truyền thống, như là há cảo, sủi cảo, bánh bao, hủ tiếu sa tế, mì vịt tiềm, gà ác tiềm thuốc bắc, cơm chiên Dương Châu, cháo tiểu, heo quay, vịt quay, phá lấu, mì kéo sợi, chè trôi nước ….

Nhìn chung ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam phần nào đã thể hiện rất rõ nhiều đặc trưng của nền ẩm thực Trung Hoa. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của một lượng đông đảo thực khách người Hoa mà còn đáp ứng nhu cầu của cả người Việt và du khách quốc tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới