Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội đặt tên đường phố mang tên các đảo ở Trường...

Hà Nội đặt tên đường phố mang tên các đảo ở Trường Sa

Việc chính quyền Hà Nội, Việt Nam đang xúc tiến việc đặt tên phố mang tên 6 đảo ở quần đảo Trường Sa được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm và bày tỏ sự ủng hộ.

Các hòn đảo này Việt Nam đóng giữ sau ngày 30/4/1975 và không tránh khỏi sự lăm le tấn công của Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác. Cụ thể, sau ngày 30/4/1975 – Ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất – Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định chủ quyền, đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường, đó là các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn.

Đến năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978), Trường Sa Đông (4/4/1978). Như vậy, tính đến hết năm 1978, Việt Nam đóng giữ 9 đảo ở quần đảo Trường Sa, đều là đảo nổi.

Ngày 5/31987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đảo Thuyền Chài. Cho đến chiến dịch CQ-88, trước ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988).

Như vậy 6 tuyến đường phố dự kiến sẽ đặt tên thuộc huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) sẽ mang tên các đảo mà Việt Nam làm chủ từ ngày 30/4/1975 đến 25/1/1978.

Điều đó hoàn toàn hợp pháp. Và nếu nay mai cần đặt tên một số đường phố khác Hà Nội cũng còn dư dả… các tên đảo ở Trường Sa.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết về việc đặt tên một số đường phố năm 2023 đang được UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến, trong đó có 6 đường phố mang tên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là: An Bang, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Tiên Nữ.

Những đường phố là “anh em sinh đôi” với các đảo ở quần đảo Trường Sa chỉ là một phần trong số 58 tuyến đường, phố mới sẽ được đặt tên. Các tuyến đường có tên mới thuộc ở 15 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín.

Dự kiến dự thảo nghị quyết về đặt đổi tên đường phố sẽ được trình lên HĐND thành phố để xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.

Quần đảo Trường Sa hiện vẫn có sự tranh chấp chủ quyền giữa 6 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Đài Loan, Philippines và Malaysia. Suốt mấy chục năm qua, các nước có tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo này đã tập trung xây dựng các công trình quân sự và dân sự để khẳng định chủ quyền.

Hiện Việt Nam là nước đang quản lý nhiều thực thể nhất (hơn 30 thực thể địa lý, bao gồm các đảo san hô và rạn san hô) của quần đảo này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cái lý” của việc đặt tên đường, phố ở Hà Nội là, phần lớn các tuyến được sắp xếp tuân theo một trật tự nhất định, liên quan đến các kiến thức văn hóa, lịch sử.

Ngày nay, trên mảnh đất Thăng Long xưa, mỗi năm lại mọc lên nhiều con đường mới với những tên gọi mới, mà việc đặt tên ấy chẳng mấy dễ dàng. Đằng sau những cái tên ấy là cả một quy luật, khiến các nhà quản lí, nhà sử học, quy hoạch kiến trúc phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Phần lớn tên đường phố Hà Nội được đặt bằng tên các danh nhân có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một nét độc đáo, vì trên thế giới, tên đường phố phổ biến được đánh số thứ tự hoặc đặt theo tên dòng họ, gia tộc (rõ nhất là ở các nước châu Âu).

Còn đường phố ở Hà Nội đâu phải được sắp xếp ngẫu nhiên. Chúng được đặt tên theo một quy tắc cụm, mỗi cụm lại ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử. Tên những con đường lớn thường ứng với người có công lớn. Những con đường nhỏ hơn là tên các vị quan thần có công trong từng triều đại, thời kỳ lịch sử, v.v..

Nay Hà Nội dự kiến đặt tên cho cụm đường phố Gia Lâm – một huyện ngoại thành sẽ trở thành quận nay mai – là một điều hợp lý. Trường Sa từ hàng trăm năm trước là của Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng mới chỉ thu hồi, đóng giữ thêm một số đảo sau năm 1975. Vậy đặt tên cho quận mới Gia Lâm là có lý. Trước đó, tại quận Long biên cũng đã có con đường mang tên Trường Sa và Hoàng Sa. Nay đặt tên các đường phố mới mang tên các đảo, có thể hình dung như một “quần đảo” trên đất liền.

Và như thế, bài học địa lý đối với các thế hệ học trò Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung thật là gần gũi, bổ ích. Từ “trực quan sinh động” mà dẫn tới “tư duy trừu tượng”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới