Việt Nam và Campuchia đều là hai quốc gia láng giềng có vùng biển liền kề nhau, giữa vùng biển Việt Nam và Campuchia có hơn 150 hòn đảo lớn nhỏ, chia thành 7 cụm, và một số hòn đảo lẻ. Lược lại những dấu mốc diễn biến chính của vấn đề biên giới trên biển và chủ quyền đối với các vấn đề biển đảo trên Vịnh Thái Lan giữa Campuchia và Việt Nam có thể thấy tình trạng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia trong lịch sử là rất phức tạp.
Theo phía Việt Nam, từ đầu thế kỷ XVIII cho đến trước năm 1939, về lịch sử và pháp lý toàn bộ các đảo nằm tại vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia đều thuộc chủ quyền của Việt Nam hay đúng ra là thuộc Nam Kỳ. Chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ ở Campuchia cũng phải tìm cách xác định về mặt giới hạn địa lý và quản lý hành chính giữa hai bên bằng những Hiệp ước và Nghị định.
Thực trạng lịch sử và pháp lý của các hòn đảo thuộc vùng biển Việt Nam – Campuchia từ cuối thế kỷ XVII đến năm 1954.
Từ cuối thế kỷ thứ XVII trở về trước, theo sử sách vùng Hà Tiên là nơi ít người sinh sống nằm dọc theo Vịnh Thái Lan. Đường thông ra biển khơi có nhiều đảo nằm án ngữ và đây chính là hang ổ của bọn cướp biển hoành hành. Năm 1671, một người Hoa tên là Mạc Kính Cửu quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông đã mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu tổng số khoảng 400 người lên thuyền rời Phúc Kiến đi về vùng biển phương Nam để tị nạn.
Lúc đầu thì Mạc Cửu xin thần phục Vương Triều U Đông của Campuchia và được phong cho tước vị quan trọng trong vương triều. Nhưng do sự kèn cựa và ghen tị trong nội bộ của U Đông nên Mạc Cửu đã chọn lập nghiệp tại một nơi và sau này có thể cho ông quyền độc lập, đó là Hà Tiên – một vùng đất giàu tài nguyên thích hợp cho khai phá và là điểm giao thoa của các nguồn lực tiềm năng về kinh tế và chính trị. Được Vương Triều U Đông cử làm quan cai trị các khu vực lãnh thổ dọc theo Vịnh Xiêm, ông nhanh chóng biến Hà Tiên trở thành một thương cảng quan trọng của cả khu vực.
Do ghen tị người Xiêm đã đưa quân sang xâm lược. Mạc Cửu và thuộc hạ của ông đã bị bắt làm tù binh trước sự bất lực của nhà cầm quyền Campuchia khi thoát khỏi tù đày, Mạc Cửu xin tự đặt mình dưới quyền bảo hộ của Việt Nam vào năm 1708. Lúc này do các chúa Nguyễn nắm quyền. Thời điểm này, lãnh thổ Hà Tiên gồm các vùng là Long Cai, Cần Vọt, Vũng Thơm, Rạch Giá và đảo Phú Quốc.
Vào năm 1735 sau khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn đã cử Mạc Thiên Tứ là con của Mạc Cửu giữ chức quan cai trị. Mạc Thiên Tứ đã đánh bại và giết Hoắc Kiêu – kẻ cầm đầu giặc cướp và chiếm lại tất cả các đảo tại vùng biển này. Vào năm 1758 Mạc Thiên Tứ đã dâng hết đất Hà Tiên bao gồm cả Phú Quốc và các đảo trong khu vực cho Chúa Nguyễn và được Chúa Nguyễn giao cai quản vùng đất này.
Từ tình hình nói trên ấy, với loạt những diễn biến thông qua hành vi thần phục, tiếp nhận và từ bỏ giữa Mạc Cửu và vương triều Campuchia, sau đó là giữa Mạc Cửu và các Chúa Nguyễn Việt Nam, đã chứng minh rằng: bắt đầu từ năm 1708, vùng lãnh thổ này đã được đặt dưới sự cai quản của Việt Nam không có sự phản kháng nào từ phía Vương Triều cai quản Campuchia. Quá trình sáp nhập Hà Tiên và các đảo ngoài khơi gắn liền với vùng đất Hà Tiên vào An Nam là lẽ đương nhiên khi vùng đất này và các đảo liên tục phải chống chọi với các cuộc cướp phá của cướp biển từ Vịnh Thái Lan hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc lãnh thổ đương thời.
Đến năm 1858, Pháp bắt đầu đánh chiếm Việt Nam. Thua trận, Việt Nam buộc phải ký hiệp ước năm 1874 và nhường cho Pháp 6 tỉnh ở Nam Kỳ trong đó có tỉnh Hà Tiên, bao gồm các đảo thuộc tỉnh này. Thực dân Pháp sau đó đã thiết lập chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ ở Campuchia trong một thực trạng về phạm vi lãnh thổ là tất cả các đảo trên vùng biển giữa Nam Kỳ và Campuchia đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Như vậy, trong thời gian rất dài từ thế kỷ XVII cho đến tận khi người Pháp đến, vấn đề chủ quyền các đảo trong Vịnh Thái Lan đã không hề được nêu ra, các đảo đó từ trước đã thuộc sở hữu của Việt Nam và chúng được chuyển giao cho nhà cầm quyền Pháp căn cứ vào hiệp ước ký năm 1874 giữa triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam và nước Pháp.
Vấn đề chủ quyền của các đảo chỉ phát sinh vào đầu những năm 1930 khi các hòn đảo này sinh lời tức là có thể thu thuế và khai thác khoáng sản, dẫn đến việc Khâm sứ của Pháp ở Campuchia đòi hỏi chủ yếu là do ngư dân Khmer qua lại các đảo này có xu hướng đóng thuế cho Nam Kỳ chứ không đóng thuế cho Campuchia giống thời Mạc Cửu. Việc đôi co giữa chính quyền bảo hộ bắt đầu từ cấp địa phương tức là Hà Tiên leo dần để cấp toàn quyền Đông Dương.
Đến ngày 31/1/1939, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định vạch ra một đường gọi là đường Brévié, đường này phân chia quyền quản lý hành chính và kiểm soát giữa các đảo hai bên trên Vịnh Thái Lan. Theo đó, Campuchia chính thức quản lý về mặt hành chính với các đảo phía Bắc đường Brévié còn các Đảo Phía Nam đường này thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ.
Có thể thấy rằng chỉ từ sau năm 1939 theo quyết định của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, Campuchia mới được phân công quản lý hành chính các đảo thuộc phía Bắc đường Brévié, không hề đặt vấn đề quy thuộc lãnh thổ. Rắc rối về mặt pháp lý hành chính và chủ quyền cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, chính quyền Nam Kỳ và chính quyền bản địa Việt Nam (chính quyền Quốc gia Việt Nam sau là Việt Nam Cộng hòa) vẫn kiểm soát trên thực tế lãnh thổ này cho đến những năm 1950.
Đến năm 1954 sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cả hai quốc gia đều cho rằng đường Brévié đã không còn hiệu lực và bắt đầu tranh chấp quyền kiểm soát các đảo. Từ năm 1956 đến năm 1966, Việt Nam Cộng hòa bắt đầu để mất một số đảo vào tay Campuchia. Đây là các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam xét cả trên phương diện pháp lý lẫn lịch sử, từ đầu thế kỷ thứ XVIII cho đến năm 1939, gồm Hòn Năng Trong hay còn gọi là Phú Dự (Koh Thmei), Hòn Năng Ngoài hay còn gọi là Koh Ses bị Campuchia đánh chiếm năm 1956. Theo sử liệu, thời Nguyễn trên hai đảo này đã có Thôn Thiên Phước và Xứ Năng Dự. Trưởng thôn đầu tiên là Trần Văn Tự. Tiếp đó đảo Hòn Tai hay còn gọi là Đảo Thỏ (Koh Tonsay, 1958) bị chiếm năm 1958. Hòn Kiến Vàng hay còn gọi là Koh Arirang và Hòn Keo Ngựa hay còn gọi là Koh shamos bị chiếm 2 năm sau đó. Và Hòn Chọc hay còn gọi là Đảo Wai hay là Poulo Wai thực tế là gồm hai đảo nằm liền kề nhau và bị chiếm mất năm 1966.
Tới năm 1976 chính quyền Pol Pot lại đòi lấy đường Brévié làm biên giới giữa hai nước với lý do đường này đã được sử dụng như đường biên giới gần 40 năm qua. Năm 1982, Việt Nam và Campuchia ký hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước trong đó có thỏa thuận lấy đường Brévié được vạch ra vào năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này, và sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định thế giới biển ra hai nước. Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định này đã nâng được Brévié từ ranh giới quản lý hành chính thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước, nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển.
Cho đến nay Việt Nam và Campuchia vẫn chưa phân định được biên giới biển cũng như xác định vùng chồng lấn. Tuy nhiên vào năm 1991, hai nước cũng đã xác định một đường dàn xếp tạm thời bên ngoài vùng nước lịch sử, là một đường thẳng cách đều giữa đảo thuộc Đảo Thổ Chu và Đảo Poulo Wai kéo dài cho đến đường biên giới mà Campuchia tuyên bố vào năm 1972. Nhìn chung thì đường biên giới tạm thời bên ngoài vùng nước lịch sử này chạy gần song song với đường Brévié.
Vậy những đảo mà Campuchia đã chiếm từ tay Việt Nam Cộng hòa hiện nay như thế nào?
Không cần bàn quá nhiều về chủ quyền các đảo vì hai nước đã thống nhất với nhau qua hiệp định về vùng nước Lịch Sử giữa Việt Nam và Campuchia được ký vào năm 1982. Hiện đa phần các đảo do Campuchia quản lý đều được biết đến là những hòn đảo du lịch đẹp nhất của Campuchia.
Thực trạng Campuchia đòi đảo thuộc chủ quyền Việt Nam
Thời gian gần đây, các thông tin trên mạng xã hội cho thấy một bộ phận người dân Campuchia muốn đòi lại đảo Phú Quốc và các đảo lân cận vì cho rằng quần đảo này thuộc chủ quyền của nước họ. Theo đó, khi diễn đàn xây dựng Đông Nam Á Asean Skyline thông tin Việt Nam xây dựng được đường dây truyền tải điện vượt biển để cung cấp điện cho đảo Phú Quốc, một số cư dân mạng Campuchia bắt đầu bày tỏ thái độ bất đồng và tố cáo Việt Nam chiếm đảo Koh Tral tức đảo Phú Quốc của họ.
Tuy nhiên Phú Quốc là một hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam được Liên Hợp Quốc và quốc tế thừa nhận. Campuchia từng sớm có yêu sách đối với Koh Tral, nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục rằng người Khmer đã từng hiện diện đáng kể ở đây trong thời kỳ hiện đại hay một nhà nước Campuchia đã từng thực thi quyền lực trong thời gian người Khmer chiếm giữ Hòn đảo này.
Bảo tàng Cội Nguồn ở Phú Quốc, hiện vật lưu giữ tại đây đã chứng minh được cho việc con người đã sinh sống ở cách đó 2.500 năm, rất lâu trước khi Quốc gia Khmer tồn tại. Những vũ trường cốt hình thức mộ táng đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 7 đã được phát hiện ngay trên đảo cho thấy ít nhất có sự hiện diện của tiền Khmer trên hòn đảo trong một thời kỳ trước khi Đế chế Khmer được thành lập.
Bên cạnh đó, Phú Quốc chưa từng là hòn đảo tranh chấp trong lịch sử thế giới hiện đại kể từ năm 1945 trở lại đây. Việt Nam và Campuchia hiện không có tranh chấp lãnh thổ mà chỉ còn việc phân định vùng nước lịch sử. Các văn bản pháp lý giữa Việt Nam và Campuchia cũng rất rõ ràng và hai quốc gia cũng đã hoàn thành xong các vấn đề về phân định được biên giới và chủ quyền.
Việc đòi chủ quyền vô căn cứ của một bộ phận người dân Campuchia và phe đối lập cũng không thể thay đổi được sự thật lịch sử rằng Phú Quốc là một hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
T.P