Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngThỏa thuận an ninh ngáng chân TQ ở Thái Bình Dương

Thỏa thuận an ninh ngáng chân TQ ở Thái Bình Dương

Thỏa thuận an ninh ký với Papua New Guinea và Philippines giúp Mỹ hoàn thiện bố phòng quân sự, ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) được Mỹ ký với Papua New Guinea hồi tháng 5 sẽ cho phép quân đội Mỹ toàn quyền tiếp cận mọi cảng biển cùng sân bay tại quốc gia có diện tích lớn nhất và đông dân nhất trong nhóm các đảo quốc Thái Bình Dương.

Giới quan sát đánh giá thỏa thuận này là một động thái lớn, giúp Mỹ cải thiện đáng kể khả năng hỗ trợ các căn cứ quân sự trên đảo Guam, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực nam Thái Bình Dương.

“Bố trí lực lượng tại Papua New Guinea sẽ giúp Mỹ hỗ trợ tốt hơn cho căn cứ trong khu vực, tạo ra vòng cung sức mạnh quân sự kéo dài từ Australia đến Guam và xa hơn nữa”, Stewart Firth, chuyên gia về khu vực Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape tuần qua xác nhận DCA với Mỹ cho phép nước này tăng cường hợp tác về trinh sát, chia sẻ thông tin mật và mua sắm vũ khí, dù không tạo cơ sở cho Mỹ tổ chức hoạt động quân sự trên lãnh thổ.

Ông cũng lưu ý rằng quan hệ đồng minh an ninh truyền thống giữa Mỹ và Papua New Guinea không đủ khả năng giải quyết mọi thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống.

DCA Mỹ – Papua New Guinea được ký chỉ một tháng sau khi Washington và Manila đạt được thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ ở Philippines, trong đó có ba căn cứ nằm gần đảo Đài Loan cùng một cơ sở ở phía nam hướng ra Biển Đông.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng cả Philippines và Papua New Guinea đều án ngữ những vùng biển chiến lược mà cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng và lợi ích.

Philippines được coi là điểm cuối trên “chuỗi đảo thứ nhất”, thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines.

Trong khi đó, Papua New Guinea nằm rất gần “chuỗi đảo thứ hai”, bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng Philippines và Guam đều giữ những vị trí then chốt trong cam kết của Mỹ với khu vực. Trong khi chuỗi đảo thứ nhất được coi là nỗ lực nhằm ngăn Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự tại eo biển Đài Loan, chuỗi đảo thứ hai có thể là một phần trong kế hoạch Washington đề ra nhằm cản trở tham vọng biển xanh của Bắc Kinh.

Zhou Bo, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng không nên coi thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Papua New Guinea là động thái nhắm vào Bắc Kinh.

“Cả hai bên đều không tuyên bố như vậy”, ông Zhou, một thượng tá quân đội về hưu, nói. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa rõ về quy mô hoạt động, số lượng nhân sự và thiết bị mà Mỹ sẽ triển khai ở Papua New Guinea”. Chuyên gia này nói thêm rằng Trung Quốc từng cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Papua New Guinea, trong đó có vật tư y tế phòng chống Covid-19.

Thủ tướng James Marape cũng nhấn mạnh trước quốc hội Papua New Guinea rằng chính phủ đương nhiệm “sẽ không bao giờ gây tác động xấu đến quan hệ thương mại với Trung Quốc”. Ông cũng tái khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan, đồng thời tuyên bố “ưu tiên Bắc Kinh hơn Đài Bắc”.

Dù vậy, Bernard Yegiora, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Divine World ở Papua New Guinea, đánh giá thỏa thuận mới nhất vẫn là thắng lợi đáng kể của Mỹ trong cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực, đồng thời giúp Washington hoàn thiện bố phòng quân sự ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc gần đây đã tăng cường quan hệ với các đảo quốc nam Thái Bình Dương, với thành quả rõ ràng nhất là thỏa thuận hợp tác huấn luyện và dịch vụ hậu cần ở quân cảng của Quần đảo Solomon hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, hợp tác giữa Trung Quốc với Papua New Guinea cũng như nhóm đảo quốc này chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực thương mại và kết quả cũng khá hạn chế.

Ngoài vấn đề đầu tư, thương mại, các đảo quốc nam Thái Bình Dương còn muốn ưu tiên giải quyết một số thách thức an ninh chung, trong đó có vấn đề nước biển dâng do biến đổi khí hậu và nạn đánh bắt hải sản trái phép. Trung Quốc đã mất điểm phần nào trên phương diện này khi họ là một trong những nước có số lượng tàu đánh bắt cá xa bờ lớn nhất và hoạt động rộng nhất thế giới.

Palau, một trong các đảo quốc Thái Bình Dương, gần đây đã đề nghị Mỹ hỗ trợ đối phó tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ngoài khơi quần đảo.

Trong chuyến thăm Nhật Bản tuần qua, Tổng thống Surangel Whipps cho biết tàu Trung Quốc từ năm 2021 đã ba lần tiến vào vùng biển Palau mà không xin phép. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đó là những tàu vào tránh bão, đồng thời bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh cho tàu do thám vùng biển Palau.

Trong chuyến công du khu vực vào tháng 5/2022, ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là ông Vương Nghị đã không thể thuyết phục 10 đảo quốc Thái Bình Dương nhất trí về thỏa thuận “Tầm nhìn Phát triển Chung”, trong đó có đề xuất hợp tác an ninh với Bắc Kinh.

“Trung Quốc đang rơi vào thế bị động ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là sau chuyến công du không mấy thành công của ông Vương Nghị. Thỏa thuận vừa qua giữa Mỹ và Papua New Guinea sẽ đẩy Trung Quốc vào tình thế bất lợi hơn nữa”, chuyên gia Firth nhận định.

Nhờ các căn cứ ở Papua New Guinea, Mỹ sẽ có thể bố trí thêm nhân lực, khí tài nhằm giám sát mọi động thái của Trung Quốc ở khu vực phía tây Thái Bình Dương. “Quan trọng hơn hết, thỏa thuận giúp Mỹ củng cố năng lực và nguồn lực đối trọng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở đây”, Yegiora nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới