Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiXung đột giữa cường quốc hạt nhân dễ xảy ra nếu các...

Xung đột giữa cường quốc hạt nhân dễ xảy ra nếu các nước lớn hiếu chiến

Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân trước sự hiếu chiến của Mỹ và NATO.

Hôm 21/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các chính sách hung hăng của Mỹ và NATO sẽ dẫn đến việc can dự ngày càng sâu hơn vào đối đầu quân sự, nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.

“Mối nguy hiểm lớn nhất là với các chính sách hiếu chiến nhằm gây thất bại chiến lược cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine, Mỹ và NATO tiếp tục gia tăng nguy cơ và ngày càng bị lôi kéo sâu hơn vào đối đầu quân sự với Nga”, người phát ngôn Maria Zakharova nói.
“Những rủi ro chiến lược phát sinh từ đây, đẩy những diễn biến tiếp theo vào tình huống xấu nhất”, bà Zakharova cho hay.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Moskva hoàn toàn nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình và “gửi đi những tín hiệu cảnh tỉnh một cách có hệ thống tới các nước phương Tây”.

“Tuy nhiên, phương Tây đang bị ám ảnh bởi cơn cuồng loạn chống Nga và một cuộc chiến tranh hỗn hợp tổng lực chống lại Moskva. Nga quyết tâm bảo vệ các lợi ích an ninh của mình”, bà Zakharova cho biết thêm.

Mới đây, đề cập đến lập trường của Nga trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, Nga sẽ chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu đối mặt với mối đe dọa hiện hữu.

Đồng thời, ông Putin cho biết Moskva sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân nào với phương Tây, vì việc giảm kho vũ khí sẽ khiến Nga gặp bất lợi.

Các cuộc thảo luận về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đã trở nên phổ biến hơn trong giới chuyên gia và chính trị gia sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang thời gian qua.

Trong khi các quan chức phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga có những lời lẽ “liều lĩnh” về hạt nhân, Moskva khẳng định quan điểm về sử dụng hạt nhân của Nga không thay đổi và kho vũ khí của nước này chỉ được sử dụng trong “những trường hợp bất thường” đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự tồn tại của Nga.

Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Mỹ và các đồng minh đã gửi vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD tới Kiev vào năm ngoái, sau khi xung đột Ukraine leo thang.

Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây can dự trực tiếp, không chỉ với việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh, Đức, Italia và các nơi khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới