Chuyến thăm của tàu USS Ronald Reagan tới Việt Nam “là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường nhằm duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Đó là lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam với báo chí.
Không thể không dành một lời khen cho bà Phạm Thu Hằng với câu nói trên trong cuộc họp báo quốc tế thông lệ hằng tuần của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Phàm ngoại giao, nhất là phát ngôn viên cấp bộ như bà Hằng này, phải khéo nói. Không khéo, nhất là chẳng may lỡ lời, có mà nguy với truyền thông, nhất là cánh báo chí quốc tế tinh khôn có thừa, nghe nửa lời đã biết tất như “đi guốc trong bụng”.
Trở lại lời nói trên của bà phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam, cái khéo, cũng là cái khôn của bà Hằng là ‘bình thường hóa” một sự kiện mà dư luận vốn khó tin “bình thường”: tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan sẽ cập cảng Đà Nẵng vào 25 tới, và neo lại tận tới ngày 30/6.
Ngay cả khi bà Hằng viện ra rằng “vừa qua (Việt Nam) đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước”, rồi “đặt” sự hiện diện của USS Ronald Reagan lẫn vào đó, thì cũng cũng chẳng thể trách dư luận vẫn cứ “tách” ra như một sự kiện riêng, đồng thời săm soi truy tầm bằng được cái “khác thường” của nó.
Chẳng nói đâu xa, trước thời điểm USS Ronald Reagan cập bến Đà Nẵng, vào ngày 20 – 23/6, một tàu khu trục Nhật Bản cũng cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, mà có ai để ý đâu?
Không là bởi tàu khu trục sao có thể sánh với tàu sân bay chăng? Đành thế, nhưng giá thử đó không phải tàu Nhật, mà là tàu Mỹ xem, lại chẳng thành sự kiện ầm ĩ?
Cũng thế, dù bà Hằng có tốn nhiều lời hơn nữa để khẳng định chuyện tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng nay mai như một “hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới”, thì cũng không nhiều người tin ý nghĩa của nó chỉ có vậy. Ngược lại, họ cho rằng, sự kiện này hẳn phải hàm ý một cái gì đó sâu sắc hơn nhiều.
Vậy, “cái gì đó” là cái gì?
Với nhiều người, dù là gì, thì không thể không liên quan tới câu chuyện Biển Đông nhiều năm nay chưa lúc nào lặng sóng. Đối chọi, căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc gắn với yêu sách “đường 9 đoạn”, bên kia là 4 nước, 5 bên, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia lâu nay là nạn nhân của những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc, vốn đã căng thẳng, phức tạp, vài bốn năm nay, càng căng thẳng, phức tạp hơn với sự can dự của Mỹ và các cường quốc phương Tây với danh nghĩa thực hiện “tự do hàng hải”, thực chất, là kiềm chế Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu đó, Mỹ từng thành công trong việc giành lại Philippines suýt thành thân với Trung Quốc. Với một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Mỹ cũng đang ráo riết thực hiện các bước thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn.
Trong các quốc gia ASEAN, khó tiếp cận nhất với Mỹ có lẽ là Việt Nam.
Khó không phải vì hai bên từng là cựu thù. Ngược lại, là một dân tộc giàu lòng vị tha, nhận thức được xu thế thời đại, người Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ, thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Mỹ. Hơn 1/4 thế kỷ từ sau bình thường hóa, tới nay, quan hệ Việt-Mỹ đã có sự phát triển ngoạn mục từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam càng có vị trí quan trọng. Chính thế, tăng cường, thắt chặt quan hệ với Việt Nam là điều Mỹ không chỉ muốn mà còn cần. Thậm chí, Washington muốn nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược vào dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Tuy nhiên, Việt Nam thì “tình trong như đã mặt ngoài còn e…” – như nhận định ví von của không ít người. Thậm chí, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh còn khẳng định: “Quan hệ Việt – Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược”. Cứ ý ông Vinh mà suy, vấn đề chỉ là chính danh hay chưa mà thôi.
Tất nhiên, Washington quá hiểu câu chuyện thời thế. Họ cũng hiểu chủ trương và đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Hiểu nên họ bằng lòng với những bước tiến đột phá đã đạt được; bằng lòng với cách diễn ngôn tinh tế về quan hệ hai nước mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam sử dụng…Từ đó, Washington kiên nhẫn chờ đợi những đột phá hơn nữa ở phía chân trời.
Trong quá trình chờ đợi đó, Mỹ hy vọng mỗi một sự kiện – như sự hiện diện của tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Đà Nẵng tới đây, có ý nghĩa như một viên gạch lát giúp con đường đưa hai nước trở thành đối tác chiến lược giữa hai cựu thù gần hơn và thênh thang hơn.
Tất nhiên, bên cạnh đó, sự hiện diện của USS Ronald Reagan tại Đà Nãng không chỉ là câu chuyện riêng của Mỹ và Việt Nam. Ngược lại, dù nói ra hay không, “chuyện bình thường” này còn khác thường ở chỗ chứa đựng thông điệp mang tính cảnh báo tới Trung Quốc – quốc gia lâu nay đang ỷ sức mạnh cơ bắp tác oai tác quái ở Biển Đông.
T.V