Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ chật vật phục hồi, doanh nghiệp Mỹ đổ xô đầu tư...

TQ chật vật phục hồi, doanh nghiệp Mỹ đổ xô đầu tư vào Ấn Độ

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và căng thẳng địa chính trị leo thang, các công ty của Mỹ được cho là đang tiến hành các bước để đa dạng hóa hoạt động khỏi quốc gia này. Những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ như Amazon, Google, Tesla hiện đang tỏ ra đặc biệt hào hứng với việc đầu tư vào Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp ở Nhà Trắng.

Kinh tế Trung Quốc mất đà phục hồi

Trung Quốc dường như đang ngày càng kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, triển vọng kinh tế bấp bênh là một trong những lý do gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của họ.

Theo các chuyên gia, các số liệu kinh tế Trung Quốc, từ các cuộc khảo sát về sản xuất đến thương mại, đầu tư, tăng trưởng tín dụng và doanh số bất động sản đều cho thấy dấu hiệu của một nền kinh tế đang yếu đi.

Dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ gần với mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là 5%, trái ngược với các ước tính lạc quan hơn của giới chuyên gia hồi đầu năm nay. Những con số cũng cho thấy một cuộc phục hồi không đồng đều khi dịch vụ tiêu dùng đang bứt phá còn hoạt động công nghiệp tăng trưởng chậm.

Trong tháng 5, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số PPI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này phản ánh nhu cầu yếu đối với nền kinh tế hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, tỷ giá nhân dân tệ đã vượt quá mốc 7 nhân dân tệ/USD, tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuần qua đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Không chỉ nhằm thắt chặt các mối quan hệ chính trị và ngoại giao, đây cũng được xem là cơ hội để Ấn Độ quảng bá cơ hội đầu tư tới các doanh nghiệp lớn của Mỹ.

Trung Quốc là một trong những nội dung trong chương trình nghị sự giữa ông Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Ông Frank Wisner, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, cho biết “cả Mỹ và Ấn Độ đều có chung mối quan tâm trong việc ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Được biết, Thủ tướng Ấn Độ đã có cuộc gặp riêng với giám đốc của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Một chủ đề quan trọng của cuộc gặp là vấn đề chuyển giao công nghệ và tìm cách đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ, Thủ tướng Modi đã gặp các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Ấn Độ và Mỹ, trong đó có CEO Tim Cook của Apple, CEO Pichai của Google và CEO Satya Nadella của Microsoft, và kêu gọi các công ty toàn cầu “sản xuất tại Ấn Độ”.

Giới chức Mỹ cũng coi thúc đẩy hợp tác kinh tế với Ấn Độ là một ưu tiên hiện nay, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc từ thương mại, tài chính tới công nghệ đều có nhiều biến động.

Cam kết đầu tư “khủng”

Ngày 23/6, tại cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Mỹ, Giám đốc Điều hành (CEO) của công ty Amazon, ông Andy Jassy, cho biết công ty sẽ đầu tư thêm 15 tỷ USD ở Ấn Độ. Theo ông Jassy, khoản đầu tư trên sẽ nâng tổng đầu tư của Amazon tại Ấn Độ lên 26 tỷ USD vào năm 2030.

Thông báo này được đưa ra sau khi đơn vị điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) tháng trước tuyên bố sẽ đầu tư 1,06 nghìn tỷ rupee (13 tỷ USD) vào Ấn Độ đến cuối năm 2030, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực điện toán đám mây. Khoản đầu tư trên sẽ được chi xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ hơn 100.000 việc làm toàn thời gian mỗi năm tại Ấn Độ.

Trong khi đó, CEO của tập đoàn Google, ông Sundar Pichai cũng thông báo Google sẽ mở một trung tâm vận hành công nghệ tài chính toàn cầu tại GIFT City, bang Gujarat (miền Tây Ấn Độ).

Theo ông Pichai, chiến lược đám mây We shared Google đang đầu tư 10 tỷ USD vào quỹ số hóa của Ấn Độ và tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư thông qua đó.

Tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, mới đây cũng tiết lộ ông đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Modi về khả năng xây dựng nhà máy xe điện Tesla tại Ấn Độ trong tương lai gần.

Nhà sáng lập Tesla cho biết Ấn Độ có tiềm năng để phát triển năng lượng bền vững, bao gồm năng lượng mặt trời, bộ pin cố định và xe điện. Đồng thời hy vọng sẽ mang dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của Tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX đến nước này.

Không chỉ có tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, Ấn Độ còn đang nổi lên nhờ việc đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao và nhờ đó trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp quốc tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới